Liên hoan cuối năm: Đừng để cuộc vui thành nỗi lo

Cuối năm là thời điểm nhiều người rơi vào 'vòng xoáy' tiệc tùng và bia rượu, với đối tác, đồng nghiệp, bạn bè, người thân.

 

Lựa chọn lịch liên hoan thế nào và từ chối ra sao để không “mất lòng”, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn dịch bệnh?

Làm việc trong lĩnh vực đầu tư với nhiều đối tác trong và ngoài nước, anh Phạm Thành Trung, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thường cảm thấy “sợ” mỗi dịp Tết đến. Dịch bệnh có thể khiến tụ tập bạn bè giảm bớt, nhưng những buổi tiếp khách là không thể né tránh, khiến anh rơi vào trạng thái mệt mỏi vì bia rượu:

"Cuối năm, nhiều khách châu Á như Hàn, Nhật thì mình cũng phải chăm sóc họ, cũng phải liên hoan. Nhưng thời điểm hiện tại dịch bệnh nên cũng hạn chế bớt rồi.

1-2 tuần giáp Tết như thế này, gia đình cũng có ngày ông Công ông Táo, Tất niên, rất là mệt, rồi còn bạn bè, họp lớp,… nói chung khá là phiền. Hằng năm, cứ đến dịp này là mình cũng hay tránh".

Bên cạnh niềm vui được gặp gỡ, giao lưu với đồng nghiệp, người thân thì lịch tổng kết, liên hoan cuối năm dày đặc còn mang đến nhiều “nỗi sợ” khác với không ít người.

Chị Lê Ngọc Vân, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, tụ tập ăn uống khiến gia đình chị phát sinh chi phí sinh hoạt không nhỏ, ảnh hưởng đến thời gian, công việc của ngày hôm sau:

"Thực sự cảm thấy e ngại khi tụ tập đông người, vì nhà mình có con nhỏ. Nếu không đi ra ngoài ăn, rủ nhau về nhà thì cái khâu chuẩn bị, dọn dẹp cũng khá là ngại. Mình cũng có đi tham gia tiệc Tất niên với công ty chồng của mình, hầu như bữa tiệc nào anh ấy cũng bị ép rất là nhiều. Mình thấy không thoải mái vì còn xe cộ đi lại, và rượu bia cũng không tốt cho sức khỏe".

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong dịp Tết đã được các chuyên gia dịch tễ cảnh báo trong thời gian qua.

Theo PGS. TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, lo ngại này càng lớn hơn khi các ca nhiễm biến thể Omicron đã xuất hiện trong cộng đồng, và có thể có tình trạng hoạt động “chui” của những hàng quán phải đóng cửa trên địa bàn có cấp độ dịch cao:

"Biến chủng Omicron thì nó lây lan nhanh hơn nhiều so với biến chủng Delta. Mức độ nó nhẹ hơn, nhưng nhiều người mắc thì sẽ có tỷ lệ nhiễm nặng cao hơn.

Một số tỉnh có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao và những người có sức khỏe yếu, bệnh nền. Nếu chúng ta tiếp xúc đông người mà không thực hiện các biện pháp 5K, rồi đi về trong gia đình, lây truyền cho người cao tuổi hoặc trẻ em nhỏ chưa được tiêm, thì dịch sẽ lây lan sau những dịp liên hoan".

Ngay cả trước khi đại dịch xuất hiện, hệ lụy của việc lạm dụng rượu bia đã được cả xã hội nhận thấy rõ. Tại Việt Nam, rượu bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi từ 15 đến 49. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia chiếm tới khoảng 1% GDP.

Chuyên gia giao thông, TS. Khương Kim Tạo cho rằng, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia cùng các Nghị định 100 năm 2019, Nghị định 123 năm 2021 của Chính phủ đã tác động mạnh đến ý thức người tham gia giao thông. Tuy nhiên, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm:

"Nhiều cơ quan hiện đã tổ chức rất là hạn chế, đặc biệt là khi có dịch bệnh. Hoạt động rượu bia tập trung nhiều khi ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, việc giao lưu, ăn nhậu cuối năm thì không những ảnh hưởng đến an toàn giao thông mà còn mất trật tự,…

Gần đến Tết rồi, chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền, tất cả đồng chí cán bộ phải là những người gương mẫu. Với cơ quan chức năng thì thực hiện nghiêm Nghị định 123".

Một lái xe bị phạt vì có nồng độ cồn trong máu khi lái xe.

Không chỉ nguy hại trong việc tham gia giao thông mà việc lạm dụng đồ uống có cồn, dùng sản phẩm không đảm bảo chất lượng còn ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể gây ra những cái chết thương tâm.

Những ngày gần đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc rượu, phần lớn rất nặng như hôn mê, tổn thương não. Mới nhất là 3 bệnh nhân nam bị ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp, trong đó, 1 người tiên lượng xấu và gia đình đang làm thủ tục xin về nhà lo liệu.

Còn tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), BSCK I Nguyễn Phi Hoàng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu cho biết, cận Tết luôn là thời điểm số người nhập viện vì ngộ độc rượu và tai nạn giao thông liên quan đến bia rượu gia tăng:

"Gần Tết, tai nạn giao thông do uống rượu rất là nhiều: chấn thương sọ não, tổn thương nội tạng gan, lách,… Rồi còn ngộ độc, hậu quả thứ nhất ảnh hưởng đến dạ dày, thứ hai là gan,… có những trường hợp tử vong rất thương tâm ở tuổi trẻ - tuổi đang phải lao động. Thường trong những cuộc vui, anh em cứ ép qua ép lại, nó làm gánh nặng sức khỏe tăng lên và chuyển hóa của cơ thể sẽ kém đi".

Còn dưới góc độ văn hóa, TS. Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCH trung ương Hội tâm lý học Việt Nam cho rằng, các buổi Tất niên là một nét truyền thống của văn hóa Việt. Và trong xã hội hiện đại, tổng kết cuối năm của các công ty, đơn vị còn giúp các thành viên nhìn lại những việc đã làm được trong năm qua, định hướng phát triển và kết thêm tình cảm, động lực cho năm sắp tới.

Tuy nhiên, chỉ nên phát huy những yếu tố tích cực về văn hóa, xã hội, tiết giảm phần tiệc tùng không cần thiết và từ chối một cách khéo léo:

Cái bản lĩnh của mỗi người nó không nằm ở chúng ta uống được nhiều nhất có thể. Bản lĩnh ở đây là bản lĩnh của sự từ chối, cũng vui với mọi người nhưng không quá chén để mất kiểm soát.

Nếu bạn muốn cung đường về nhà an toàn, vẫn đảm bảo năng suất lao động thì bạn sẽ tìm được cách thức phù hợp. Tôi nghĩ rằng mỗi người cũng cần đặt lên “bàn cân” để cân nhắc yếu tố văn hóa truyền thống với những hệ lụy chúng ta có thể gặp phải, thông qua yếu tố chính sức khỏe của mình, sự lo lắng của những người thân yêu mình".

COVID-19 bùng phát liên tục trong suốt hơn một năm qua khiến nhiều người cảm thấy “bí bách”. Tết đến, thêm một lần không được ngồi lại với nhau cũng thật đáng tiếc, nhưng đó là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Bên cạnh ý thức từ mỗi người dân, thì việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm cần được các lực lượng chức năng thực hiện thường xuyên và nghiêm minh.

: “Bền bỉ giáo dục bằng những chế tài”

Ai cũng biết những tác hại của việc lạm dụng rượu bia với sức khỏe. Ai cũng biết lái xe sau khi uống rượu bia có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bản thân. Nhưng, chuyện tiệc tùng quá đà dịp cuối năm vẫn được nhắc đi, nhắc lại mỗi dịp Tết đến. Việt Nam là nước tiêu thụ rượu bia đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 10 Châu Á và thứ 29 thế giới.

Cùng với việc thích nhậu nhẹt của bộ phận lớn người dân là quan niệm coi tửu lượng là “thước đo” sức mạnh, giá trị bản thân tồn tại qua nhiều thế hệ.

Truyền thông, nâng cao nhận thức là rất quan trọng, nhưng việc thực thi công vụ đầy đủ, nghiêm minh của các lực lượng chức năng giải pháp quan trọng nhất.

Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 năm 2019 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đã tạo sự chuyển biến chưa từng có trong ý thức của người tham gia giao thông, khi hành vi lái xe sau khi uống rượu bia có thể bị phạt tới 40 triệu đồng.

Tuy nhiên, việc kiểm tra nồng độ cồn hiện nay dù vẫn được duy trì nhưng chưa thực sự quyết liệt như những ngày đầu ra quân.

Bên cạnh đó, những quy định Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng chưa được thực thi và giám sát đầy đủ, chưa thực sự đi vào cuộc sống, khiến tình trạng “nhờn luật” xảy ra phổ biến. Thật khó để chúng ta bắt gặp những trường hợp xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia bị xử phạt, hay việc trẻ em dưới 18 tuổi đi mua bia rượu vẫn diễn ra trong cuộc sống hằng ngày.

Ban Bí thư cũng đã có Chỉ thị 18 về việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm cấp ủy đảng, người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Nhưng những buổi tiệc rượu vẫn được tổ chức, thậm chí trong giờ làm việc, và khi người mời rượu lại chính là “sếp” thì nhân viên thật khó chối từ.

Trong “vòng xoáy” của tiệc tùng và bia rượu chưa thể giải quyết triệt để ấy, chính chúng ta phải tự biết bảo vệ mình, cân nhắc kỹ thiệt - hơn khi tham gia những buổi liên hoan cuối năm, với các tiêu chí: an toàn dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe, thời gian, công việc, tiền bạc,…

Chắc chắn là không ai muốn trở thành F0, bị cách ly, phải tạm nghỉ việc hay lây lan dịch bệnh cho gia đình mình. Trân trọng đối với người mời, nhưng chúng ta có thể khéo léo từ chối với những lý do chính đáng khi dịch bệnh phức tạp, thu nhập ảnh hưởng, thời gian, công việc cuối năm bận rộn, sức khỏe bản thân, hay những mức phạt cao khi uống rượu bia lái xe,…

Quá trình thay đổi một thói quen, một tập quán cần thời gian dài. Vì thế, cả xã hội cần những nỗ lực bền bỉ để thực thi hiệu quả các quy định của pháp luật, như Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Giao thông Đường bộ và các Nghị định liên quan đến hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe.

Truyền thông thay đổi hành vi cũng cần được bền bỉ duy trì qua nhiều kênh, con đường khác nhau, bền bỉ giáo dục, nhắc nhở bằng chế tài pháp luật.

Minh Hiếu/VOVgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận