Việt Nam đủ chế tài để tước quyền nuôi con với cha mẹ bạo hành trẻ

Cục Trẻ em khẳng định: VN hiện có quy định pháp luật để can thiệp, tước quyền nuôi dưỡng trẻ nhỏ với những phụ huynh có hành vi bạo hành, xâm hại thân thể trẻ.

 

Liên tiếp những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em diễn ra trong thời gian ngắn gây bức xúc và phẫn nộ trong dư luận xã hội. Vụ bé gái 8 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh bị người tình của bố bạo hành dẫn đến tử vong chưa lắng xuống thì mới đây cháu bé 3 tuổi ở huyện Thạch Thất, Hà Nội lại bị người tình của mẹ bạo hành.

Về việc này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) khẳng định: Việt Nam hiện có quy định pháp luật để can thiệp, tước quyền nuôi dưỡng trẻ nhỏ với những phụ huynh có hành vi bạo hành, xâm hại thân thể trẻ em.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh, trong số các quyền cơ bản của trẻ em có quyền được sống với cha mẹ và được cha mẹ chăm sóc. Không có môi trường nào giúp trẻ được chăm sóc, phát triển và bảo vệ tốt hơn so với chính gia đình của mình. Tuy nhiên, cũng chính gia đình là nơi các em có nguy cơ bị xâm hại cao nhất, bởi người thân, cha mẹ mình.

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, hiện có quy định hạn chế quyền nuôi con của cha mẹ nếu phạm tội bạo hành. Trước đây, việc tước bỏ quyền nuôi dưỡng con của những người sinh thành rất khó khăn do pháp luật chưa có quy định. Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam đã có đủ chế để tước quyền nuôi con của cha mẹ nếu bạo hành trẻ.

"Chúng tôi cũng xin lưu ý là trước đây chúng ta rất khó khăn cho việc tách trẻ khỏi môi trường gia đình, khỏi môi trường gây hại, đặc biệt là khỏi cha mẹ và người chịu trách nhiệm trực tiếp chăm sóc trẻ nhưng mà đến Luật trẻ em năm 2016 và đặc biệt đến Nghị định 56 của Chính phủ năm 2017 quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em thì chúng ta hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chúng ta có đầy đủ những chế tài để có thể tách trẻ ra khỏi môi trường chăm sóc, của môi trường gia đình một khi chúng ta xác định được môi trường đó không có năng lực bảo vệ trẻ. Thứ hai là môi trường đó và người chăm sóc trẻ có nguy cơ gây hại cho trẻ thì chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng quy trình của Luật trẻ em của Nghị định 56 để chúng ta tách trẻ khỏi môi trường gây hại đó", ông Nam nói.

Những vụ bạo hành trẻ em khiến dư luận phẫn nộ.

Về trình tự tước quyền nuôi con của cha mẹ bạo hành trẻ, ông Đặng Hoa Nam cho biết: Khi có sự cố bạo hành, ngay lập tức quy định tước quyền nuôi con của cha mẹ được áp dụng khi xác định người đó có hành vi xâm hại trẻ. Bước tiếp theo, cơ quan bảo vệ trẻ em, chính quyền sẽ phải tìm nơi chăm sóc thay thế tốt nhất cho trẻ, có thể gửi cho người thân, gia đình khác hoặc cá nhân khác nuôi dưỡng, chăm sóc.

Ở Việt Nam, thông thường trẻ có người thân thích là ông bà, cô dì, chú bác thì cơ quan nhà nước sẽ để họ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Nếu không có người thân, trẻ sẽ được đưa vào chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Nhưng quy trình bắt buộc tiếp theo là ngay lập tức phải tìm kiếm môi trường gia đình cho trẻ.

"Ngay lập tức thì thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã có thể tách trẻ trong vòng 15 ngày. Sau đó, nếu như môi trường đó vẫn còn có nguy cơ gây tổn hại cho trẻ thì chúng ta có thể gửi hồ sơ lên đến cho Tòa án nhân dân cấp huyện để có thể ra một quyết định có thể tách trẻ trong một thời gian dài để có thể gửi trẻ đến những nơi chăm sóc, thay thế bằng các cá nhân và gia đình. Hoặc là giải pháp cuối cùng là đưa trẻ vào các cơ sở bảo trợ xã hội để có thể chăm sóc trẻ và bảo đảm sự an toàn của trẻ, đặc biệt là trong trường hợp khẩn cấp mà trẻ có nguy cơ cao đang bị tổn hại bởi chính người chăm sóc, thậm chí đó chính là cha mẹ", ông Nam khẳng định.

Từ tháng 6/2017 Luật Trẻ em có hiệu lực, quy định pháp luật hiện đã đưa ra đủ các biện pháp bảo vệ trẻ em, chống lại việc bạo hành trẻ em. Đây là cơ sở để các cơ quan thực thi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em có đầy đủ thẩm quyền, năng lực để chăm sóc trẻ ngoài môi trường gia đình khi trẻ gặp nguy hiểm.

Cùng với đó, hiện Luật Trẻ em, Nghị định 56/NĐ-CP và gần đây là Nghị định 130/NĐ-CP có quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em đối với người biết mà không tố cáo hành vi bạo hành trẻ em, mức xử phạt này tối đa theo luật định là 15 triệu đồng. Khi thấy trẻ có dấu hiệu bị bạo hành, xâm hại, chỉ cần nhấc máy gọi Tổng đài 111, công an xã, phường, chúng ta sẽ có thể cứu được những sinh mạng, giảm những tổn hại không đáng có cho trẻ em./.

Hà Nam/VOV1
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận