UNICEF: 'Hình phạt đòn roi với trẻ cần phải chấm dứt'

Theo bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện của UNICEF tại Việt Nam, chúng ta phải đảm bảo trẻ em không trở nên 'vô hình' trong chính ngôi nhà của mình.

 

Vụ việc bé gái bị mẹ kế bạo hành tử vong ở TP.HCM vẫn đang khiến dư luận khôn nguôi xót xa, nhưng cùng với đó đã thức tỉnh nhận thức và sự quan tâm nhiều hơn của cộng đồng trong việc phải ngăn chặn bạo lực gia đình nói chung và tình trạng bạo hành, làm dụng trẻ nói riêng.

Trả lời phỏng vấn với PV VOV.VN bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, dư luận, cộng đồng mạng lên tiếng và có phản ứng mạnh mẽ trước sự việc này sẽ góp phần nâng cao nhận thức và sự tham gia tích cực tất cả mọi người trong bảo vệ trẻ em.

PV: UNICEF có khuyến nghị gì đối với các cơ quan chức năng và đặc biệt là người dân Việt Nam để kịp thời ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình, nhất là bạo lực và lạm dụng trẻ em?

Bà Rana Flowers: Trước tiên, tôi xin gửi lời chia buồn chân thành nhất tới người thân và cả những những yêu mến bé gái tử vong vì bạo hành. Chúng tôi muốn tin rằng những vụ việc như vậy sẽ vô cùng hiếm gặp, nhưng thực tế đáng buồn là nó không hiếm và đã xảy ra. Mọi người đều đã nghe thông tin, đã biết về vụ bạo hành này và tất cả chúng ta cần có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ trẻ em và phụ nữ khỏi bị xâm hại.

Có một tuyên bố mạnh mẽ dành cho tất cả chúng ta là: “Điều tồi tệ sẽ xảy ra khi những người tốt im lặng”. Tôi rất vui vì gần 100 người đã viết thư cho UNICEF, để lên tiếng và yêu cầu công lý, cũng như sự đổi của hệ thống bảo vệ trẻ em.

Tôi muốn cảm ơn những người dân và tất cả những người đã lên tiếng trên mạng xã hội. Việc thể hiện sự quan tâm và sự lên tiếng của họ đã khiến vụ việc này được quan tâm, điều tra, các bằng chứng đã được thu thập kỹ lương và các cáo trạng đã được thay đổi.

Chúng ta hãy đảm bảo rằng trẻ em không trở nên “vô hình” trong chính ngôi nhà của mình. Để làm được điều này, cộng đồng không thể giữ im lặng.

Điểm thứ hai tôi muốn nhấn mạnh là việc củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em và phụ nữ đến tận cấp cơ sở, với đầy đủ các nhân viên hỗ trợ được đào tạo chuyên nghiệp.

Thế giới ngày càng phải công nhận rằng, bảo vệ trẻ em là một lĩnh vực chuyên môn liên quan đến giải quyết các vấn đề xã hội phức tạp đòi hỏi các kỹ năng công tác xã hội chuyên nghiệp.

Và khi nói về nhân viên được đào tạo - chúng ta muốn nói đến mọi lĩnh vực liên quan đến một hệ thống mạnh mẽ để bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Cần có sự phối hợp giữa các ngành chức năng, đồng nghĩa với việc cần một nhân viên xã hội được đào tạo, được chỉ định và sẽ đồng hành với trẻ ở mọi giai đoạn từ điều tra, tố tụng tại tòa cho đến tư vấn và phục hồi.

Lực lượng chức năng như công an cũng phải được tập huấn để điều tra và biết cách đặt những câu hỏi cho trẻ nhỏ để gợi mở câu trả lời đúng và tránh cây hỏi nhạy cảm với trẻ em. Lực lượng công an cũng phải chịu trách nhiệm cho mọi giai đoạn điều tra.

Với nhân viên y tế, phải được đào tạo để cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em và có được tập huấn về nhạy cảm giới tính trong khi ghi lại các bằng chứng thể chất trong trường hợp trẻ bị lạm dụng hay tấn công tình dục.

Tôi rất vui mừng khi thấy Hệ thống tư pháp đã và đang điều chỉnh - tạo ra các hệ thống thân thiện với trẻ em và những nạn nhân của tội phạm.

Chúng ta cũng cần đầu tư vào các cơ cấu phúc lợi xã hội phù hợp từ cấp quốc gia đến cấp cơ sở, để đảm bảo rằng các dịch vụ bảo vệ trẻ em được cung cấp một cách đồng bộ, trẻ em và gia đình được hỗ trợ toàn diện.

Hệ thống phải bao gồm các nhân viên xã hội được đào tạo, chứ không chỉ là các tình nguyện viên hay không phải nhân viên phúc lợi quá tải với nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Toàn bộ hệ thống phải được củng cố bởi tiêu chuẩn mà luật pháp quốc tế gọi là “lợi ích tốt nhất của trẻ em”, trong đó, các quyền của trẻ em là mối quan tâm hàng đầu. Giáo dục trong trường học cũng rất cần thiết để trẻ hiểu rõ các mối nguy cơ, sự đe dọa.

Bạo hành không nên được dung thứ. Chúng ta phải dạy cả bé trai và bé gái cách giao tiếp và cách giải quyết xung đột không phải bằng việc tấn công người khác. Thay vào đó là giải quyết và giải tỏa sự tức giận trong trường hợp này.

Việc người lớn bạo hành người khác bằng lời nói và ngược đãi chính trẻ bằng lời nói, sẽ khiến trẻ học theo.

Khung pháp lý cũng cần được cải thiện. Theo đó quy định cụ thể các hành động của lực lượng chức năng cho từng trường hợp, đồng thời, có sự ủy quyền rõ ràng hơn cho giáo viên và nhân viên y tế. Nó cũng bao gồm việc sửa đổi định nghĩa “trẻ em” để tất cả những người dưới 18 tuổi đều được tiếp cận với sự bảo vệ thiết yếu. Cần có những quy định rõ ràng để nghiêm cấm và trừng phạt mọi hình thức xâm hại và bạo lực đối với trẻ em dưới 18 tuổi.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam.

PV: Theo bà, những người lớn, hàng xóm và đặc biệt là người thân của trẻ có vai trò quan trọng như thế nào trong việc bảo vệ trẻ trước bạo lực và nguy cơ bị xâm hại, bị lạm dụng?

Bà Rana Flowers: Các vụ lạm dụng, bạo hành trẻ em thậm chí còn tăng nhiều hơn trong thời gian phong tỏa vì dịch COVID-19. Do vậy, càng cấp thiết hơn đối với người lớn, người thân của trẻ em và cả những người hàng xóm để có những hành động mạnh mẽ ngăn chặn và bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực.

Những người hàng xóm và cộng đồng khi nghe thấy tiếng khóc của trẻ nhỏ và nghi ngờ trẻ bị xâm hại cần phải báo tin, liên hệ và yêu cầu cơ quan công an, cơ quan có thẩm quyền có biện pháp bảo vệ nạn nhân.

Nhân viên y tế, giáo viên, nhân viên chăm sóc trẻ nhận thấy có dấu hiệu bị xâm hại cần phải báo cáo và chuyển vụ việc đến cơ quan có trách nhiệm để có hướng điều tra, hỗ trợ phù hợp.

Điều quan trọng là chúng ta phải nâng cao nhận thức của phụ nữ và trẻ em rằng bất kỳ hình thức bạo lực nào đều không được chấp nhận và việc tìm kiếm sự giúp đỡ để ngăn chặn bạo lực là cần thiết. Chúng ta cần các bà mẹ chồng buộc các con trai của họ phải chịu trách nhiệm và không để xảy ra bạo lực trong gia đình.

Hình phạt đòn roi với trẻ cần phải chấm dứt

PV: Thưa bà, để ngăn chặn những sự việc đáng tiếc như vậy, UNICEF Việt Nam và các cơ quan bảo vệ trẻ em của Việt Nam cần phối hợp và có những hành động thực chất như thế nào?

Bà Rana Flowers: UNICEF đang tập trung toàn bộ kinh nghiệm của mình, với các bài học, kiến thức và các biện pháp hiệu quả, để giúp các nước giải quyết các “lỗ hổng” trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Chúng tối cũng tham gia hỗ trợ Chính phủ các nước sửa đổi luật, sửa đổi các chính sách và thủ tục, để xây dựng hệ thống bảo vệ mạnh mẽ nhưng thân thiện hơn với trẻ em. Đồng thời, tạo một môi trường - nơi cả các bé gái và bé trai không bị bạo lực, môi trường giảm thiểu tính gây tổn thương, giải quyết các yếu tố nguy cơ và tăng cường khả năng phục hồi của trẻ em.

Chúng ta cần tăng cường “các biện pháp phòng ngừa”, bởi phòng ngừa giúp giảm thiểu hậu quả và ảnh hưởng lâu dài nếu trẻ bị lạm dụng.

UNICEF đang hỗ trợ các sáng kiến và chương trình truyền thông giúp hạn chế nguy cơ bạo lực đối với trẻ em; thúc đẩy các hình thức kỷ luật tích cực trong gia đình và trong trường học; và trao quyền cho trẻ em tự bảo vệ mình thông qua các sáng kiến và chương trình kỹ năng sống trong trường học và tại cộng đồng.

Trong mối quan hệ này, UNICEF đang làm việc với Bộ LĐTB&XH và Bộ GD-ĐT Việt Nam, các tỉnh thành, các doanh nghiệp và tổ chức đoàn thể để mở rộng chương trình quy mô toàn quốc về nuôi dạy con cái toàn diện, nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng của cha mẹ và người chăm sóc trong bảo vệ trẻ nhỏ. Chương trình nhấn mạnh kỷ luật tích cực và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em bằng cách nâng cao hiểu biết của cha mẹ về hành vi của trẻ, đồng thời cung cấp cho các bậc phụ huynh kỹ năng để kỷ luật tích cực.

UNICEF đang vận động Chính phủ đầu tư nhiều hơn để đảm bảo hệ thống bảo vệ trẻ em hiệu quả ngay từ cấp cơ sở, với đầy đủ các nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp.

Hệ thống bảo vệ trẻ em cần có sự đóng góp phối hợp của nhiều bộ, cơ quan và tổ chức (chính phủ và phi chính phủ). UNICEF đang hỗ trợ các cơ quan chính phủ thúc đẩy cách tiếp cận liên ngành và thiết lập các mô hình dịch vụ bảo vệ trẻ em tổng hợp nhằm ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó hiệu quả với các vụ xâm hại trẻ em…

PV: Xin cám ơn bà!./.

Thu Nguyễn, Lê Hoàng/VOV
Thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận