Từ tháng 5/2021 đến tháng 11/2021, 160 y, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh chỉ nhận được 50% lương cơ bản, tương đương từ 1-3 triệu đồng/tháng. Riêng tháng 12, toàn bộ nhân viên tại bệnh viện không được được bất cứ đồng lương nào.
Vì quá bức xúc nên những ngày gần đây, kết thúc giờ làm việc, hàng chục nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh (trực thuộc Học viện Y dược Cổ truyền Việt Nam - Bộ Y tế) xuống đường căng băng rôn cầu cứu dư luận lên tiếng bảo vệ quyền lợi của y bác sĩ, nhân viên bệnh viện.
Chị Lê Thanh Bình, kế toán viên, Tổ trưởng Tổ Công đoàn tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh bức xúc cho biết, từ tháng 5/2021 đến tháng 12/2021, Bệnh viện Tuệ Tĩnh chỉ chi trả 50% lương cho người lao động, riêng tháng 12, không chi trả bất cứ khoản tiền nào.
“Toàn bộ bệnh viện có 160 cán bộ, nhân viên y tế. Trong đó đa số là điều dưỡng có bằng trung cấp, cao đẳng, phần lớn bác sĩ cũng là nhân viên hợp đồng, không có biên chế nên mức lương rất thấp. Từ khi bệnh viện cắt giảm 50% lương, hiện tại mức lương trung bình của nhân viên y tế tại bệnh viện chỉ giao động từ 1-3 triệu đồng/tháng. Trong đó, có rất nhiều bác sĩ, điều dưỡng nhà xa, hàng ngày đi xe máy hàng chục km đến bệnh viện làm việc, nhiều cặp vợ chồng bác sĩ, điều dưỡng trẻ từ các tỉnh lên Hà Nội thuê nhà, cuộc sống vô cùng khó khăn. Đại diện công đoàn cũng như tập thể nhân viên y tế bệnh viện đã nhiều lần có ý kiến nhưng đến nay sự việc này vẫn chưa được giải quyết mà ngày càng tồi tệ hơn khi tháng 12 toàn bộ nhân viên bệnh viện không nhận được bất cứ đồng lương nào”, chị Bình bức xúc chia sẻ.
Cán bộ công đoàn này cũng cho biết thêm rằng, những vấn đề về lương thưởng tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh không phải chuyện mới, thực tế đã kéo dài từ đầu năm 2019 đến nay, khi lãnh đạo bệnh viện bất ngờ xin cơ chế tự chủ tài chính, dẫn đến 100% nguồn thu và hỗ trợ của bệnh viện đều phụ thuộc vào lượng bệnh nhân đến khám.
“Bệnh viện Tuệ Tĩnh là bệnh viện thực hành hạng 3, chủ yếu phục vụ việc thực hành, nghiên cứu của sinh viên, giảng viên Học viện Y học cổ truyền, hoàn toàn không có đủ năng lực để có thể tự chủ tài chính. Nhưng không hiểu vì lý do gì, mà năm 2019 lãnh đạo bệnh viện đột nhiên lại xin cơ chế tự chủ tài chính, việc này hoàn toàn không được đưa ra họp bàn hay thông báo với tập thể nhân viên y tế toàn bệnh viện trước đó. Tháng 6/2019 chúng tôi nhận được quyết định từ lãnh đạo bệnh viện, đến tháng 12/2019 toàn bộ cán bộ, nhân viên tại bệnh viện đã yêu cầu mở cuộc họp, trong đó 88% không đồng ý với quyết định tự chủ”, chị Bình cho biết.
Cũng theo chị Lê Thanh Bình, từ khi tự chủ tài chính, đời sống của cán bộ, nhân viên y tế không những không có thêm khởi sắc mà ngày càng “bi đát” bởi bị cắt hết tiền lương tăng thêm, chỉ còn vỏn vẹn lương cứng theo hệ số. Công tác tại bệnh viện 13 năm, mức lương chị Bình nhận được từ tháng 6/2019 đến tháng 4/2021 chỉ 4,8 triệu đồng/tháng. Từ tháng 5/2021 sau khi bị cắt giảm, số tiền nhận về sau khi trừ tiền bảo hiểm chỉ còn 2,3 triệu đồng/tháng. Trong mùa dịch đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn. Chồng gần như không có việc làm trong mùa dịch, mọi chi phí sinh hoạt, học tập của 3 con nhỏ đều phụ thuộc vào thu nhập của chị Bình, nhưng nhiều tháng nay, vợ chồng chị phải chật vật xoay sở, nhờ đến sự hỗ trợ từ 2 bên gia đình nội ngoại.
“Chúng tôi nhiều lần lên tiếng, nhưng lãnh đạo bệnh viện chỉ trả lời rằng không có cơ chế, nhưng lại không có bất cứ giải pháp nào để khắc phục”, chị Bình nói.
Là bác sĩ điều trị khoa Xương Khớp, công tác tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh hơn 12 năm, nhưng anh Kiều Đức Xương nhiều tháng nay cũng chỉ được nhận mức lương 2,8 triệu đồng/tháng, ngoài ra không có bất cứ khoản trợ cấp nào từ bệnh viện.
Bác sĩ Xương cho rằng, khoản lương này chỉ mang tính “gọi là có”, còn thực tế nhân viên y tế tại bệnh viện không thể sống được bằng lương.
“Trước năm 2019, ngoài tiền lương cơ bản, bệnh viện vẫn chi trả thêm 1 lần lương tăng thêm, mỗi tháng tôi nhận được gần 9 triệu đồng, nhưng từ năm 2019, bị cắt giảm 1 nửa, chỉ còn lương cơ bản là 5,7 triệu đồng/tháng, sang đến năm 2021 mỗi tháng còn 2,8 triệu đồng. Bản thân tôi cũng như tập thể các y bác sĩ tại bệnh viện đều mong muốn được cống hiến, nhưng với mức lương như vậy, các bác sĩ còn chưa đủ sống, lo cơm áo hàng ngày, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, không biết có thể trụ được hay không”, bác sĩ Xương nói.
Điều dưỡng Đ.T.T.H, khoa Nội 2, bệnh viện Tuệ Tĩnh cũng bức xúc khi bị nợ lương hơn 7 tháng nay, mỗi tháng chỉ nhận được 50% lương tương đương với 3,3 triệu đồng/tháng.
Theo điều dưỡng Đ.T.T.H vấn đề nợ lương đã được người lao động tại bệnh viện có ý kiến nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ lãnh đạo bệnh viện.
“Nguyên nhân của tình trạng nợ luơng bắt đầu từ khi bệnh viện chuyển sang tự chủ. Quy trình tự chủ cũng không công khai rõ ràng, thông tin bệnh viện chuyển sang tự chủ chỉ mang tính “đồn thổi’, không chính thức. Điều đáng nói, Bệnh viện Tuệ Tĩnh là bệnh viện đông y, rất khó để tự chủ như các bệnh viện tây y khác, lãnh đạo bệnh viện phải là người hiểu hơn ai hết về vấn đề này, nhưng không hiểu sao vẫn xin tự chủ, để rồi không đủ sức trả lương, đẩy 160 y bác sĩ, nhân viên y tế vào tình cảnh khó khăn”, chị Đ.T.T.H bức xúc.
Nhân viên này cũng cho rằng, nhiều năm qua tại Bệnh viện có nhiều bất cập, trong đó có tình trạng những thiết bị cần thiết phục vụ điều trị lại không có, những thiết bị mua về lại không biết sử dụng thế nào, dẫn đến những bất cập trong việc thu chi.
“Đến nay, Ban giám đốc bệnh viện đã họp nhiều lần, cũng hứa nhiều lần rằng sẽ đưa ra giải pháp, nhưng đến nay vẫn chưa có gì thay đổi. Dù chịu cảnh nợ lương nhưng các nhân viên, điều dưỡng tại bệnh viện vẫn đang cố bán trụ vì còn rất nhiều bệnh nhân phải chăm sóc, chúng tôi không có quyền từ chối bệnh nhân. Những ngày qua, hết giờ làm việc, y bác sĩ lại xuống đường căng băng rôn cũng vì đã hết kiên nhẫn với những lời hứa suông của lãnh đạo bệnh viện”, điều dưỡng Đ.T.T.H nói.
Để làm rõ sự việc trên, phóng viên VOV.VN đã liên hệ với lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời rằng Học viện Y học cổ truyền Việt Nam đang tiếp tục làm việc với các cơ quan chuyên môn và Bộ Y tế để tìm giải pháp.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này./.
Theo Lê Trang/VOV.VN