Việc sửa Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi, gọi tắt là Luật số 69) nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn và điều chỉnh những vấn đề mới trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.
Luật số 69 thể hiện chủ trương nhất quán của Việt Nam là không đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng mọi giá, bảo đảm quyền của người lao động được ra nước ngoài làm việc hợp pháp. Họ được tự do lựa chọn hình thức đi làm việc ở nước ngoài phù hợp và không bị ép buộc phải làm việc trái ý muốn của họ.
Nâng cao trình độ và thu nhập cho người lao động
Chủ trương đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bắt đầu được thực hiện từ những năm 80-90 của thế kỷ trước nhằm giải quyết việc làm, đào tạo nghề, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho một bộ phận người lao động thuộc các khu vực khó khăn như vùng nông thôn, miền núi và ven biển. Nhiều gia đình có người thân đi làm việc ở nước ngoài đã thoát nghèo, có điều kiện đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt ở những địa phương có nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã làm thay đổi bộ mặt thôn, xóm với nhiều nhà cửa khang trang mọc lên, góp phần ổn định an sinh xã hội ở địa phương.
Theo ước tính của Chính phủ, mỗi năm lượng kiều hối mà người lao động Việt Nam gửi về là 2,5 - 3 tỷ USD. Khi đi làm việc ở nước ngoài, người lao động có điều kiện nâng cao trình độ kỹ năng nghề, tiếp thu kiến thức, ngoại ngữ và tác phong làm việc tiên tiến từ nước ngoài, trở thành nguồn nhân lực quan trọng cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng 580 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó riêng thị trường Đài Loan (Trung Quốc) có 230.000 người; Nhật Bản có gần 250.000 người; Hàn Quốc có gần 50.000 người; còn lại ở các thị trường khác (Trung Đông – Châu Phi, Đông Nam Á và Châu Âu).
Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo (cơ khí, dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử v.v.), xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ (chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc gia đình). Người sử dụng lao động tại các thị trường tiếp nhận đánh giá người lao động Việt Nam khéo tay, chăm chỉ, khả năng nắm bắt công việc nhanh, ham học hỏi, sáng tạo, năng động, làm việc năng suất, chất lượng.
Không đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng mọi giá
Chủ trương của Việt Nam là không đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng mọi giá, mà phải đảm bảo hỗ trợ, tạo điều kiện để họ ra nước ngoài làm việc cũng như sau khi về nước có vị trí làm việc phù hợp với trình độ kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm của người lao động. Điều 4 của Luật số 69 đã quy định theo hướng khuyến khích người lao động đi làm việc ở ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật, đi làm việc an toàn, công việc có thu nhập cao. Sau khi người lao động về nước có thể phát huy và sử dụng có hiệu quả các kiến thức, kỹ năng, trình độ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Luật sửa đổi, người lao động được bảo hộ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Họ có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật; có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Việc quy định như vậy cho phép người lao động chủ động tự quyết định việc đi làm việc ở nước ngoài, tự bảo vệ an toàn cho bản thân trước khi nhờ đến sự can thiệp của các tổ chức, cơ quan chức năng.
Luật cũng quy định, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm đề xuất, xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong suốt quá trình từ trước khi xuất cảnh, trong thời gian làm việc ở nước ngoài cho đến khi về nước; hợp tác quốc tế trong việc hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động thông qua việc ký các hiệp định, thỏa thuận quốc tế hoặc tham gia điều ước quốc tế; đồng thời thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện trách nhiệm bảo hộ công dân, hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh đối với người lao động.
Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện, cũng như phải được sự cho phép, chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với từng hợp đồng, thỏa thuận hoặc phương án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định trong việc hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có vốn điều lệ không thấp hơn 5 tỷ đồng và phải thuộc sở hữu pháp nhân, thể nhân Việt Nam; người đại diện theo pháp luật và nhân viên nghiệp vụ phải có trình độ, tiểu chuẩn nhất định…
Nhằm ngăn ngừa việc lạm thu tiền dịch vụ của người lao động, Luật số 69 quy định mức trần tiền dịch vụ; thời điểm được thu tiền dịch vụ, việc hoàn trả tiền dịch vụ cho người lao động trong trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo quy định…Luật cũng nghiêm cấm hành vi thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định.
Nhằm bảo đảm cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp, Luật nghiêm cấm các hành vi lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán; Hỗ trợ hoặc làm thủ tục để người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi chưa được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền; Cưỡng ép, dụ dỗ, lừa gạt người lao động ở nước ngoài trái pháp luật; Tự ý ở lại nước ngoài trái pháp luật.
Khẩn trương đón lao động hết hạn hợp đồng về nước
Từ năm 2020 đến nay, do không có các chuyến bay thương mại, cũng như chính sách kiểm soát xuất nhập cảnh chặt chẽ của các nước nên có hàng chục nghìn người lao động không đi làm việc ở nước ngoài được cũng như người lao động hết hạn hợp đồng không trở về nước được. Thực tế này đã tạo ra sức ép tâm lý lớn, một số lao động đã thông qua mạng xã hội có những phản ứng tiêu cực. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa tích cực trong việc phối hợp với đối tác và người sử dụng lao động giải quyết các vấn đề phát sinh, đặc biệt là vấn đề bảo đảm các quyền và lợi ích của người lao động về điều kiện làm việc, sinh hoạt và chi phí vé máy bay về nước.
Lợi dụng những thông tin phản ánh tiêu cực của người lao động trên mạng xã hội, một số báo, đài nước ngoài và tổ chức phản động đã đưa ra những tố cáo xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Việt Nam về người lao động đi làm việc ở nước ngoài như Việt Nam đưa “lao động lậu” ra nước ngoài, có mạng lưới buôn người một cách “hệ thống và bài bản” thông qua hoạt động xuất khẩu lao động, cho rằng chính quyền, doanh nghiệp Việt Nam lơ là, tắc trách trong công tác bảo đảm quyền lợi, chế độ đãi ngộ và bảo hiểm nghề nghiệp của người lao động ở nước ngoài, cáo buộc “một số công ty xuất khẩu lao động ở Việt Nam đã làm giả danh tính, khai gian tuổi tác để đưa trẻ vị thành niên đi làm việc tại Ả-rập Xê-Út”…
Trước thực tế trên, nhiệm vụ cấp bách của các cơ quan chức năng của Việt Nam hiện nay là hoàn thiện quy định pháp luật và hướng dẫn chi tiết Luật số 69 về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chú trọng khai thác thị trường lao động, công việc có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có thu nhập cao cho người lao động. Đặc biệt phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại sớm tổ chức các chuyến bay đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và đón người lao động hết hạn hợp đồng về nước; Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài, qua đó ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lừa đảo, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Mặt khác, để tạo vị thế của người lao động Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta cũng cần tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác tuyển chọn và đào tạo người lao động về ngoại ngữ, tay nghề, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động cũng như phòng tránh tình trạng lao động bị lạm dụng, cưỡng bức khi đi làm việc ở nước ngoài; Tăng cường công tác quản lý trong hoạt động xuất khẩu lao động thông qua thanh tra, kiểm tra, điều tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cũng như đề xuất sửa đổi, bổ sung những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực này./.
Quốc Phong/VOV.VN