Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ GTVT tình hình thực hiện các chuyến bay quốc tế chở khách vào Việt Nam, trong đó chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc về việc test nhanh khách nhập cảnh.
Theo thống kê của Cục Hàng không, từ ngày 1/1 đến hết ngày 3/1/2022, có 4 hãng hàng không của Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines) và 7 hãng hàng không nước ngoài (Thai Vietjet của Thái Lan, Singapore Airlines của Singapore, Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ, Starlux Airlines và China Airlines của Đài Loan, Emirates của UAE, Asiana Airlines của Hàn Quốc) khai thác 17 chuyến bay quốc tế, chở 1.753 khách đến Việt Nam thông qua 4 cảng hàng không quốc tế là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Cụ thể, theo ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, từ khi triển khai thực hiện các chuyến bay quốc tế thường lệ đến nay, Cục nhận được nhiều ý kiến chính thức của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài (thông qua văn bản của Hiệp hội các hãng hàng không nước ngoài tại Việt Nam), tập trung chủ yếu vào yêu cầu thực hiện test nhanh trước khi lên máy bay và sau khi xuống máy bay; yêu cầu hãng hàng không thu phí test nhanh qua vé máy bay và hãng thực hiện thanh toán test nhanh với đơn vị y tế; nhiều yêu cầu về khai báo y tế tại các địa chỉ, ứng dụng khác nhau.
Đơn cử như hãng hàng không Turkish Airlines (Thổ Nhĩ Kỳ) đề nghị sân bay Tân Sơn Nhất thiết lập quy trình tương tự như Nội Bài (thu tiền test trực tiếp từ hành khách) để giúp hành khách khi đến hoàn tất và thanh toán mọi thủ tục; nên miễn trừ việc làm test nhanh cho phi hành đoàn.
Trong khi đó, hãng hàng không Singapore Airlines nhận thấy quy trình hiện tại còn nhiều điểm không rõ ràng, không có hướng dẫn cụ thể cho hành khách về quy trình làm test nhanh và việc thu phí xét nghiệm nhanh cần được liên kết với bệnh viện cung cấp dịch vụ qua một cổng thông tin điện tử trực tuyến để hành khách có thể thanh toán chi phí này trước khi bay, điều này đã được áp dụng ở nhiều sân bay trên thế giới.
Đại diện hãng hàng không Vietjet Air thừa nhận, khó khăn hiện quy định hành khách phải khai báo nhập cảnh trên IGOVN, khai báo theo dõi y tế trên PC-COVID và có thể địa phương lại yêu cầu khai báo trên trang của địa phương như TP Hồ Chí Minh yêu cầu khai báo trên website www.antoan-covid.tphcm.gov.vn nên hành khách cũng gặp khó khăn khi phải báo trên nhiều ứng dụng. Do đó, hãng đề nghị áp dụng một ứng dụng duy nhất để khai báo nhập cảnh, khai báo y tế.
Thống nhất quy định về xét nghiệm
Phía Vietjet cũng cho rằng đối với việc xét nghiệm nhanh trước khi lên máy bay tại sân bay nước ngoài đang là khó khăn đối với hành khách và hãng hàng không do nhiều sân bay chưa cung cấp dịch vụ xét nghiệm nhanh trước chuyến bay và cũng phát sinh chi phí đối với hành khách (Nhật Bản là khoảng 270USD), trong khi hành khách có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR đang còn hiệu lực đồng thời hành khách cũng sẽ phải thực hiện xét nghiệm nhanh ngay sau khi xuống máy bay tại Việt Nam sau 1-5 giờ bay.
Hãng hàng không Vietjet kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan bỏ quy định phải xét nghiệm nhanh trước khi lên máy bay khi kết quả xét nghiệm PCR đang còn hiệu lực.
Mặt khác, các hãng bay cho rằng, hiện nay, số lượng chuyến bay đang ít nên chưa có hiện tượng ùn tắc, hành khách sau khi xuống máy bay chỉ mất khoảng 45 phút đã có thể lấy hành lý và làm thủ tục nhập cảnh. Tuy nhiên, khi số lượng chuyến bay tăng lên hoặc có nhiều hơn 1 chuyến bay hạ cánh cùng một thời điểm/gần nhau thì có thể có hiện tượng xếp hàng ùn ứ.
Vì thế, các hãng hàng không đề nghị cảng hàng không căn cứ vào kế hoạch khai thác của các hãng hàng không để trao đổi với các đơn vị dịch vụ y tế (xét nghiệm) tăng cường nhân sự/bàn xét nghiệm để nhanh chóng giải phòng hành khách khi nhập cảnh.
Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất quy định về xét nghiệm SARS- CoV-2 trước chuyến bay theo thông lệ chung là chỉ sử dụng kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR như các quốc gia/vùng lãnh thổ cũng như Việt Nam đang áp dụng trong suốt thời gian qua, kể cả thời điểm xuất hiện chủng mới Delta.
Trong trường hợp vẫn duy trì test nhanh, thống nhất việc thu phí xét nghiệm nhanh tại sân bay sẽ thu phí trực tiếp từ hành khách và chỉ xét nghiệm 1 lần đối với tổ bay nước ngoài khi nhập cảnh Việt Nam để chờ chuyến bay tiếp theo về nước (xét nghiệm tại sân bay hoặc tại khách sạn cách ly).
Theo quy định, trước khi nhập cảnh Việt Nam, hành khách xuất phát từ quốc gia có ghi nhận biến chủng Omicron cần có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính với COVID-19 trước khi lên máy bay.
Hành khách khác (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) cần có kết quả xét nghiệm âm tính bằng RT-PCR hoặc RT-LAMP còn hiệu lực trong vòng 72 tiếng trước khi nhập cảnh vào Việt Nam và được chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền tại quốc gia thực hiện xét nghiệm.
Đối với hành khách đã tiêm vaccine, phải chuẩn bị giấy Chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine đã được Việt Nam công nhận (hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nếu loại chứng nhận đó chưa được công nhận để sử dụng trực tiếp tại Việt Nam).
Khi nhập cảnh Việt Nam, hành khách xuất phát từ quốc gia có ghi nhận biến chủng Omicron cần thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19 sau khi xuống máy bay (hành khách tự trả chi phí);
Hành khách khác cần thực hiện xét nghiệm RT-PCR cụ thể: Hành khách đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19: Xét nghiệm một lần vào ngày thứ ba kể từ ngày nhập cảnh.
Hành khách chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều vaccnie: Xét nghiệm hai lần vào ngày thứ ba và thứ bảy kể từ ngày nhập cảnh./.
Theo Phi Long/VOV.VN