Nhận kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, hộ lý H’Lịch Kbuôr, sinh năm 1989, ở buôn Drao, xã Cư Né, huyện Krông Búk, không khỏi lo lắng. Làm nhiệm vụ trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm y tế huyện, liên tục tiếp xúc bệnh nhân, chị H’Lịch cũng không thể nhớ được mình nhiễm bệnh từ ai và lúc nào. Không có nhiều thời gian để lo lắng, H’Lịch tranh thủ những lúc sức khỏe cho phép, lại lao vào công việc thường ngày của mình là chăm sóc cho các bệnh nhân.
“Nói chung khi vào làm việc tại khu điều trị này, bản thân tôi tiếp xúc nhiều với bệnh nhân mắc Covid, cho nên tôi cũng lây bệnh luôn. Bởi vì công việc của tôi là ngày ngày chăm sóc cho bệnh nhân, tôi coi nguời bệnh như là người nhà của mình vậy, cố gắng chăm sóc tốt nhất cho họ, vì đây là công việc của mình”, chị H’Lịch nói.
Giống như đồng nghiệp của mình, hộ lý H’Biên Niê, sinh năm 1990, ở phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ cũng trở thành F0 sau nhiều tháng chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Những ngày đầu nhiễm bệnh, các triệu chứng đau, mệt, khó thở hành hạ khiến chị càng thấu hiểu nỗi lo của các bệnh nhân. Bởi vậy, mỗi khi sức khỏe trong mức chịu đựng được, hộ lý H’Biên lại tham gia hỗ trợ chăm sóc cho những F0 cùng tầng điều trị. Chị chia sẻ với họ việc mình bị bệnh nhằm truyền năng lượng tích cực, sự đồng cảm giúp lòng họ ấm áp để chiến đấu và chiến thắng bệnh tật.
“Khi vào khu điều trị bệnh nhân Covid-19, chúng tôi cũng lo lắm, chúng tôi luôn thực hiện tốt 5k. Khi nhìn thấy những bệnh nhân nặng phải thở máy, lúc đó chúng tôi không lo nữa, cũng không quan tâm đến bản thân mình nữa mà cố gắng chăm sóc cho bệnh nhân, giúp họ vượt qua bệnh tật. Đối với trẻ em nhỏ, nhớ bố nhớ mẹ thì chúng tôi động viên, nói chuyện và đưa bánh kẹo, sữa cho các cháu, để các cháu không lo sợ, yên tâm cho các bác sĩ điều trị”, Hộ lý H’Biên nói.
Chứng kiến anh em, đồng nghiệp của mình nhiễm bệnh, bác sĩ Trần Thuận, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Krông Búk đã rất xót xa. Ông cho biết, kể từ khi Trung tâm y tế huyện được chuyển công năng sang điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng cho 4 huyện cánh bắc của Đắk Lắk, Bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho hơn 1.700 bệnh nhân. Lúc cao điểm, có ngày Bệnh viện phải điều trị cho hơn 300 bệnh nhân, điều này gây quá tải cho bệnh viện khi nhân viên y tế mỏng. Cường độ công việc cao nên nguy cơ lây bệnh cho nhân viên y tế là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tinh thần của các thầy thuốc ở đây luôn rất vững vàng, vượt qua được cơn bệnh, tiếp tục chiến đấu vì bệnh nhân của mình.
“Ca đầu tiên thì anh em hơi nao núng, lãnh đạo cùng với các tổ chức đoàn thể đã kịp thời động viên thì trong một ngày họ ổn định ngay, có những nhân viên triệu chứng nhẹ, trong những ngày đỡ bệnh, họ có thể xin tham gia. Rất là mừng là anh em xác định rõ vấn đề còn mọi chính sách thế nào thì họ không nghĩ tới, toàn bộ đơn vị quyết tâm vượt qua đại dịch này”, bác sĩ Trần Thuận cho hay.
Tính đến sáng 29/12, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 11.345 bệnh nhân Covid -19, trong đó có hơn 50 y, bác sĩ và nhân viên y tế bị nhiễm bệnh trong quá trình làm nhiệm vụ. Con số phơi nhiễm khi thi hành nhiệm vụ nơi tuyến đầu là không nhỏ, phản ánh đúng mức độ phức tạp của dịch bệnh tại tỉnh cho thấy, sự hy sinh, dấn thân không ngần ngại của lực lượng y tế trong công tác chống dịch Covid-19.
Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, cuộc chiến chống Covid-19 ở tỉnh có thể còn kéo dài. Những thầy thuốc, cán bộ y tế ở Đắk Lắk sẽ còn phải vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ. Các cấp chính quyền, lãnh đạo ngành y tế và mỗi người dân đều thấu hiểu và hết sức trân trọng. Ông Nay Phi La tin tưởng, các lực lượng xã hội sẽ có sự sẻ chia thiết thực, cùng các thầy thuốc đẩy lùi dịch bệnh.
“Ở đây cũng phải ghi nhận sự cống hiến quên mình tất cả vì bệnh nhân phục vụ. Thay mặt cho ngành y tế ghi nhận sự đóng góp hy sinh của tất cả nhân viên y tế trong công tác phòng, chống dịch của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng kêu gọi, vận động các tổ chức đoàn thể cũng như các cơ quan ủng hộ cho nhân viên y tế bằng nhiều hình thức, có thể là thăm hỏi hoặc là hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ trang thiết bị và cần nhất là sự thông cảm, đồng hành của người dân đối với ngành y tế”, ông Nay Phi La cho hay.
Những F0 nơi tuyến đầu chống dịch chính là những bông hoa đẹp, truyền cảm hứng về đức hy sinh, về trách nhiệm với người bệnh, truyền niềm tin để vượt lên nghịch cảnh, truyền năng lượng tích cực để cùng nhau đi qua những ngày khó khăn của dịch bệnh./.
Nam Trang/VOV-Tây Nguyên