TP.HCM: Công trường giao thông lấy lại phong độ

Từ tháng 10/2021, khi TP.HCM bắt đầu mở cửa trở lại sau giãn cách xã hội, nhiều công trình giao thông trên địa bàn TP đã được đẩy nhanh thi công.

 

Tăng ca, tăng giờ làm, chủ đầu tư và nhân dân cùng cố gắng

Có mặt tại đường Đặng Thúc Vịnh, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, chúng tôi thấy rõ sự khẩn trương của đội ngũ công nhân, kỹ sư… trên công trường. Cái nắng cuối năm bỗng gay gắt, xen lẫn những cơn mưa bất chợt không làm họ chùn bước. Góc ngã tư đường, vài kỹ sư đang tỉ mỉ đo đạc, còn trên vỉa hè, nhóm công nhân khẩn trương lắp gạch xây vỉa hè; cách đó vài chục mét, một toán thợ điện khoảng 10 người đang lắp các trụ điện mới, để nhanh chóng xoá các “trụ điện bỗng dưng giữa đường” khi mở rộng con đường, từng gây nhiều bức xúc cho người dân. Phía xa xa, các xe lu vẫn nhịp nhàng tới lui. Tất cả đều mong muốn sớm rút ngắn thời gian thi công để đưa công trình vào phục vụ nhân dân.

Đường Đặng Thúc Vịnh đang hoàn thiện để đưa vào phục vụ nhân dân trước Tết Nguyên đán 2022.

Anh Huỳnh Văn Liệt, quê Hậu Giang, mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn nhanh nhẹn làm việc chia sẻ: “Ban lãnh đạo chỉ đạo cố gắng xong trước Tết Âm lịch. Ở đây, anh em chúng tôi cố gắng làm tăng ca, làm thêm giờ, cố gắng làm cho xong để dân bớt khó khăn”.

Đi dọc khoảng 2km tuyến đường, chúng tôi thấy không chỉ các công nhân kỹ sư miệt mài làm việc mà người dân dọc hai bên con đường cũng tham gia. Nào là dọn dẹp xà bần trước nhà, lắp lại hệ thống nước… cho đồng bộ với con đường mới, hiện đại sắp hoàn thành.

Sống tại đây đã hơn 20 năm, bà Ngô Thị Hết, 72 tuổi, rất phấn khởi khi nhìn thấy sự đổi thay của con đường này. Gia đình bà và mọi người cũng đã chấp nhận thiệt hại một phần khi giải phóng mặt bằng vì lợi ích chung. Để từ chỗ bùn lầy, hố ga, ổ gà, ổ voi, hố đọng… thường xuyên kẹt xe, tai nạn giao thông, nay con đường đã dần thành hình, rộng rãi, thông thoáng.

Các công nhân tỉ mỉ lắp gạch vỉa hè.

Ông Phạm Quốc Chương, Trưởng ban điều hành Dự án Đường bộ 3 thuộc Ban Giao thông cho biết, đến nay tổng sản lượng toàn công trình đạt trên 85%. Hiện nay, Ban Giao thông đang đề nghị các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, tăng mũi thi công, tăng ca để sớm hoàn thành khối lượng còn lại. Dự kiến công trình sẽ cơ bản hoàn thành, thông xe phần mặt đường chính trước Tết Nguyên đán năm 2022 và hoàn thành toàn bộ công trình trong quý I/2022. Hiện các khó khăn vướng mắc như còn 2 hộ chưa bàn giao mặt bằng, hệ thống trụ điện vẫn còn trong phạm vi đường hiện hữu nên Ban đang đề nghị ngành điện sớm di dời để hoàn thiện…

Công nhân điện lực tiến hành di dời các cột điện.

Gỡ vướng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông), sau dự án đầu tiên hoàn thành đưa vào sử dụng là cầu Bưng nối quận Bình Tân với Tân Phú, dự kiến sẽ có 10 gói thầu, dự án tiếp tục hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2022, trong đó có một số hoàn thành trước ngày 31/12 như phần đường Kênh Nước Đen, cầu vượt trước Bến xe miền Đông mới, cầu Hang Ngoài, Hương Lộ 11, Công viên Thanh Đa, kè hạ lưu sông Sài Gòn… Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông cho biết, khi xảy ra dịch Covid-19, nhiều công nhân về quê, nên ngay sau khi "bình thường mới", Ban nhanh chóng kêu gọi anh em trở lại, tập kết máy móc và đến nay có khoảng 1.110 cán bộ, công nhân, kỹ su đang thi công trên 45 công trường của 25 dự án giao thông trọng điểm.

Nhiều hạng mục đang tiếp tục hoàn thành.

Thách thức trong thi công trở lại là duy trì chất lượng, tiến độ công trình và phải đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, chuẩn bị sẵn các phương án ứng phó khi có sự cố. Thế nhưng tất cả cùng cố gắng để hoàn thành các công trình sớm nhất, đưa vào phục vụ nhân dân như một món quà ý nghĩa trong năm mới.

Ông Lương Minh Phúc cho biết: “Đây là kết quả của sự chỉ đạo của UBND TP, sự hỗ trợ của các sở chuyên ngành, UBND các quận huyện đặc biệt là sự chia sẻ ủng hộ, đồng hành của bà con nhân dân trong suốt thời gian thực hiện dự án. Và có thể xem những công trình này như món quà của tập thể cán bộ, công nhân, kỹ sư vượt qua khó khăn gửi tặng người dân TP trong giai đoạn nhiều thách thức hiện nay”.

Cầu Bưng được khánh thành đầu tháng 12/2021, là công trình đầu tiên của TP hoàn thành sau dịch Covid-19.

Ông Lương Minh Phúc cho biết, trong năm 2022, Ban sẽ trình nhiều dự án lớn để thay đổi bộ mặt giao thông TP như Vành Đai 2, các dự án mở rộng cửa ngõ Quốc lộ 22, Quốc lộ 50, nút giao An Phú, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, Vành đai 2. Thách thức lớn nhất là vốn khi TP.HCM cần 960.000 tỷ đồng trong giai đoạn 10 năm nhưng vốn trung hạn 5 năm chỉ có 142.000 tỷ đồng (mới 25%).

Khó khăn là cấu phần dành cho giao thông của 142.000 tỷ đồng này chỉ là 33.000 tỷ đồng (28%), thấp hơn giai đoạn 5 năm trước với 33%. Do đó, TP đang kiến nghị Trung ương bổ sung nguồn vốn là 119.000 tỷ đồng theo khả năng thu ngân sách và Ban đang kiến nghị cân đối chi cho giao thông 40%. Khi có đột phá về giao thông sẽ đột phá về phát triển, bởi phân bổ vốn chỉ đủ cho dự án chuyển tiếp và giải phóng mặt bằng, còn khởi công mới phải tiếp tục phân bổ.

Ngoài ra, khó khăn lớn nhất từ trước đến nay vẫn là khâu giải phóng mặt bằng, mất rất nhiều thời gian. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ các công trình, Ban đã đề ra nhiều giải pháp đột phá. Đó là kiến nghị TP đưa ra mức giá bồi thường tiệm cận giá thị trường; rút ngắn thời gian quy trình (cụ thể là Nghị quyết 17 của UBND TP); tăng năng lực cán bộ, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu... Bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương, chủ đầu tư các công trình cũng phải thể hiện sự chủ động trong giải quyết vướng mắc về giá, quá trình chi trả…/.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận