Theo Tổ chức Y tế thế giới, biến chủng Omicron đã được báo cáo ở 89 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca mắc mới gia tăng nhanh chóng, trung bình tăng gấp đôi trong 1,5 đến 3 ngày tại các khu vực có sự lây truyền trong cộng đồng.
Thắt chặt kiểm soát biên giới
Thắt chặt kiểm soát biên giới, tăng cường các lớp bảo vệ vaccine là cách mà nhiều nước trên thế giới đang triển khai để ứng phó với sự lây lan mạnh của biến thể Omicron.
Hà Lan ngày 19/12 đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên phải tái phong tỏa toàn quốc trong giai đoạn nghỉ lễ Giáng sinh, nhằm ngăn chặn đà lây lan nhanh chóng của biến thể này. Theo đó, mọi hoạt động kinh doanh không thiết yếu, cùng với các nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim, viện bảo tàng đều phải dừng hoạt động, trong khi trường học tiếp tục đóng cửa ít nhất cho tới ngày 9/1. Theo Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Omicron sẽ vượt Delta để chiếm phần lớn các ca mắc COVID-19 tại nước này từ nay đến cuối năm.
Tại Anh, báo cáo cho thấy hơn 10.000 ca mắc mới biển thể Omicron, nhiều gấp 3 lần so với một ngày trước đó. Thị trưởng thành phố London Sadiq Khan đã bày tỏ “vô cùng lo ngại” và lần thứ 2 trong năm nay phải kích hoạt cơ chế cảnh báo dịch bệnh nhằm ngăn chặn nguy cơ các bệnh viên rơi vào tình trạng quá tải như hồi đầu năm nay.
Còn tại Pháp, Bộ trưởng Y tế nước này Olivier Veran cho biết 10% các trường hợp mới được xác nhận ở nước này có thể là do biến thể Omicron. Chính phủ Pháp ngày 18/12 đã quyết định hủy bỏ các hoạt động ăn mừng đêm Giao thừa, bao gồm cả bắn pháo hoa trên Đại lộ Champs Elysees nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Đức ngày 18/12 đã triệu một cuộc họp đặc biệt của các bộ trưởng y tế liên bang và tiểu bang, quyết định thắt chặt hơn nữa các biện pháp kiểm dịch đối với những khách đến từ một số quốc gia có tình trạng lây nhiễm biến chủng Omicron nghiêm trọng Nam Phi và Zimbabwe. Theo quy định mới, những người từ 6 tuổi trở lên từng đến các khu vực có biến thể Omicron trong vòng 10 ngày phải trình giấy chứng nhận xét nghiệm axit nucleic âm tính trước khi khởi hành. Test nhanh không còn giá trị để nhập cảnh.
Tại châu Á, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida mới đây thông báo gia hạn ít nhất đến đầu năm sau lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân nước ngoài dự kiến hết hạn vào cuối tháng này. Còn tại Hàn Quốc, từ ngày 18/12, nước này cũng bắt đầu tái áp dụng các biện pháp phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong dịp Giáng sinh và Năm mới.
Theo các chuyên gia, biến chủng Omicron không chỉ xâm nhập qua duy nhất đường hàng không mà còn rất nhiều con đường khác. Theo BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), việc biến chủng này đến Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian. Nhiều báo cáo đã nhận định biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh nhưng không làm tăng mức độ bệnh nặng. "Thế giới đã sẵn sàng đón nhận biến chủng mới, vậy không lý do gì Việt Nam vẫn tiếp tục thu mình?" - BS Khanh cho hay.
Tăng cường nhân lực cho y tế cơ sở
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, chủng Omicron có đột biến gene quá nhiều điểm trên protein gai, bám dính vào tế bào của người để gây bệnh và phá huỷ. Việc sản xuất vaccine cũng dựa chủ yếu vào mã di truyền của protein này nên dự báo là sẽ gây lây lan rất nhanh, vì đột biến do Omicron gây ra gấp đôi so với đột biến của Delta và có thể vô hiệu hóa vaccine. Còn triệu chứng có nặng không thì hiện này chưa được làm rõ. Tất cả những kết luận về chủng mới đang ở phía trước nên phải hết sức cảnh giác với vấn đề này vì số mắc tăng cao thì số ca bệnh nặng sẽ tăng gây quá tải hệ thống y tế, dẫn đến số tử vong cũng sẽ nhiều, cần có phương án kiểm soát tốt nhất, tránh những điều bất ngờ xảy ra.
Theo BS Trương Hữu Khanh, bên cạnh công tác chuẩn bị các điều kiện về dự phòng, vaccine và thuốc điều trị Covid-19, ngành y tế cần được xây dựng, củng cố và vực dậy tinh thần.
Bởi theo ông, sau hơn 1 năm chống dịch miệt mài, lực lượng y tế cơ sở có phần mệt mỏi và rệu rã. Để ứng phó với tình huống Covid-19 còn kéo dài thì tăng cường nhân lực và tiếp thêm sức mạnh cho y tế cơ sở là điều cấp thiết.
"Cần tăng cường thêm nhân lực cho y tế địa phương, tăng cường bác sĩ từ bệnh viện để vừa hỗ trợ chăm sóc F0, vừa song song hướng dẫn chuyên môn"- BS Trương Hữu Khanh đề xuất.
Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính trong quá trình theo dõi, chăm sóc, điều trị F0 cũng nên được đơn giản hóa.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cũng nhấn mạnh rằng trong giai đoạn này, việc nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở là vấn đề mấu chốt.
"Cần triển khai thật tốt việc cách ly, điều trị F0 tại nhà, không thể F0 tăng bao nhiêu thì xây dựng lên bấy nhiêu bệnh viện dã chiến, đảm bảo khi Omicron xâm nhập, dứt khoát không để tái diễn tại những câu chuyện đau lòng như giai đoạn trước", PGS.TS Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.
Theo PGS Nguyễn Việt Hùng, để chuẩn bị cho các kịch bản ứng phó với biến chủng mới tốt nhất, cần thực hiện 4 giải pháp gồm: Tuân thủ quy định cách ly để hạn chế lây lan dịch bệnh; Theo dõi y tế sớm, phát hiện sớm F0 có nguy cơ chuyển nặng; Điều trị đúng theo phác đồ để F0 được chăm sóc tốt nhất và nhanh khỏi bệnh; Hệ thống hỗ trợ khám, chữa bệnh và hỗ trợ người bệnh từ xa. Mọi tỉnh, thành phố đều phải vận hành tốt hệ thống này./.
Minh Khánh-CTV Châu Nhi/VOV.VN
Reuters