Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa thành lập 2 đoàn đi kiểm tra thực tế tại các địa phương, thời gian bắt đầu kiểm tra từ ngày 13/12/2021.
Ghi nhận của đoàn kiểm tra tại các tỉnh phía Bắc, trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên, việc lắp đặt camera đã được các tỉnh triển khai đến các doanh nghiệp tương đối đầy đủ, các doanh nghiệp cũng đã nắm bắt được thông tin.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên việc lắp đặt camera giám sát tại tất cả các tỉnh, thành phố đều chậm và chưa đạt yêu cầu. Cá biệt, có 15 tỉnh, thành phố có tỷ lệ lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải thấp, đoàn kiểm tra yêu cần đẩy nhanh lắp đặt theo quy định.
Mỗi tỉnh chỉ vài chục xe lắp camera
Tại Hà Nội, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm này mới có gần 11.000 xe/ 34.151 xe đã lắp camera, đạt tỷ lệ gần 30%.
Theo ông Long, chỉ còn nửa tháng nữa là hết thời hạn, tuy nhiên có thể do dịch bệnh ở Hà Nội đang có dấu hiệu phức tạp hơn nên một số doanh nghiệp mang tâm lý muốn “nghe ngóng” xem có sự thay đổi điều chỉnh của cơ quan chức năng hay không, hoạt động kinh doanh vận tải có phải dừng lại không…sau đó đến “giờ chót” mới lắp đặt.
“Nhiều doanh nghiệp đề nghị được lùi thời hạn do dịch Covid-19 kéo dài. Song, quan điểm của Chính phủ, Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội là sẽ không tiếp tục kéo dài thêm thời gian lắp đặt camera cho các doanh nghiệp nữa”, ông Long khẳng định.
Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, việc lắp đặt camera còn giúp doanh nghiệp, cơ quan quản lý giám sát, kiểm tra được công tác phòng chống dịch. Vì thế, việc lắp đặt theo tiến độ Chính phủ yêu cầu là cần thiết, các đơn vị phải hoàn thành xong trước ngày 31/12/2021.
Tại Bắc Ninh, đến nay, số lượng phương tiện đã lắp đặt camera đạt tỷ lệ rất thấp so với tổng phương tiện phải lắp đặt. Cụ thể, số xe của các doanh nghiệp mới lắp được 60%; số xe của các hộ kinh doanh mới lắp được 30%.
Theo Sở GTVT tỉnh Bắc Giang, hiện trên toàn tỉnh mới có khoảng 300 phương tiện đã thực hiện, tỷ lệ đạt dưới 10%.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là hầu hết các xe vẫn đang tạm dừng hoạt động, các hộ, doanh nghiệp cho biết tại thời điểm này không có khả năng chi trả cho khoản tiền này vì không có việc làm, thu nhập, nợ ngân hàng...
Còn ở Yên Bái, đến nay số lượng phương tiện đã lắp đặt camera đạt tỷ lệ 28%. Nguyên nhân cũng được Sở GTVT Yên Bái lý giải giống như Bắc Giang hay các địa phương khác.
Tại Quảng Ninh, đến nay số lượng phương tiện đã lắp đặt camera trên địa bàn tỉnh là 598 xe, bằng 25%/tổng số xe thuộc đối tượng phải lắp (2.375 xe) và bằng 39,8%/tổng số xe đang hoạt động (1.501 xe).
Trong khi đó, tại khu vực phía Nam, tình hình cũng không khá hơn, khi rất nhiều địa phương có tỷ lệ xe lắp camera thấp.
Điển hình, tại TP.HCM mới có trên 2.183 xe kinh doanh vận tải lắp camera trong tổng số 51.879 xe. Tại Long An, hiện cũng mới có 90/1.356 ô tô kinh doanh vận tải lắp đặt camera.
Tại Đồng Nai, có khoảng 10.000 xe thuộc đối tượng ô tô kinh doanh vận tải phải lắp camera giám sát. Tuy nhiên, đến nay số lượng xe đã lắp đặt camera giám sát còn rất hạn chế.
Nhiều nhà xe nại lý do tuyến vận tải chưa hoạt động trở lại, gặp khó khăn về tài chính nên chưa lắp đặt.
Từ chối đăng kiểm, xử phạt từ 1/1/2022
Theo ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam để thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 10/2020 và Nghị quyết số 66/2021 của Chính phủ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi 63 UBND tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo đẩy mạnh việc lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải và hoàn thành xong trước ngày 31/12/2021.
“Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có con số thống kê cụ thể tỷ lệ phương tiện lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải của tất cả các địa phương. Tổng cục Đường bộ chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm theo quy định”, ông Thủy cho biết.
Để mạnh tay xử lý những trường hợp cố tình “né” không chịu lắp camera giám sát, Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm trên toàn quốc từ chối cấp đăng kiểm nếu phương tiện không lắp đặt camera theo quy định.
“Đề nghị Cục CSGT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện hoạt động trên đường không chấp hành việc lắp đặt camera. Đây là chế tài quan trọng để các chủ phương tiện thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật”, đại diện Sở GTVT Bắc Ninh nêu ý kiến.
Theo ông Nguyễn Quyền, Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, hiện đơn vị đang xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý xe kinh doanh vận tải không chấp hành việc lắp đặt camera, bắt đầu từ ngày 1/1/2022.
Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó đội trưởng Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) thông tin, địa bàn Đội CSGT số 14 phụ trách có 2 bến xe lớn là Giáp Bát và Nước Ngầm.
Thời điểm sau ngày 31/12/2021, lực lượng CSGT sẽ thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định 10 và Nghị định 100.
Theo lãnh đạo một số trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội và các địa phương phía Bắc như: Hải Phòng, Hưng Yên, Tuyên Quang, Phú Thọ…việc kiểm định thiết bị camera được lắp bổ sung trên xe ô tô (thuộc đối tượng phải lắp) không gặp khó khăn, vướng mắc gì.
“Các chủ xe, người đi đăng kiểm đều nắm được quy định đến ngày 31/12/2021 là thời hạn cuối phải lắp camera giám sát, nhưng khoảng 2/3 xe tại thời điểm đăng kiểm vẫn chưa lắp. Chúng tôi đã tuyên truyền, nhắc chủ phương tiện biết sau ngày 31/12/2021 nếu không lắp sẽ không được tiếp nhận kiểm định”, ông Phạm Trọng Tạo, Phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-09D Hà Nội cho biết.
Làm việc với các địa phương, một số Sở GTVT kiến nghị đoàn công tác tổng hợp ý kiến các đơn vị vận tải và đề nghị Tổng cục xem xét, báo cáo Bộ GTVT trình Chính phủ có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, như kéo dài thời gian không xử phạt xe chưa lắp camera.
Một số Sở GTVT kiến nghị Tổng cục Đường bộ thông báo danh sách các đơn vị cung cấp camera đảm bảo theo yêu cầu để các đơn vị lựa chọn lắp đặt. Trước những ý kiến, kiến nghị, đoàn sẽ tổng hợp báo cáo Bộ GTVT./.
Theo VOV.VN