Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 15/12, thành phố Hà Nội có 1.357 ca mắc COVID-19, trong đó có 611 ca cộng đồng. Đây cũng là số ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng cao nhất được ghi nhận trên địa bàn Hà Nội từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng khi thành phố thực hiện nới lỏng các hoạt động, việc người dân đi lại nhiều, tập trung đông người, nguy cơ tiếp xúc giữa người nhiễm SARS-CoV-2 với người lành là điều không thể tránh khỏi.
“Hiện nay đa phần số ca F0 đều không có triệu chứng, do đó tại những nơi đông người, nơi công sở nếu không thực hiện tốt 5K thì nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao, khi đó sẽ tạo ra nhiều F0, xuất hiện nhiều ổ dịch mới” - ông Phu nói.
Vì vậy theo PGS Trần Đắc Phu, việc số ca mắc tăng cao trên địa bàn thành phố trong thời điểm này là điều đương nhiên và có thể trong những ngày tới sẽ còn tiếp tục tăng.
PGS Trần Đắc Phu cho rằng, vấn đề hiện nay TP Hà Nội cần phải kiểm soát lại tình hình, không để số ca mắc tăng cao thêm nữa. Chuyên gia phân tích, nếu số F0 tăng cao quá sẽ khiến hệ thống y tế quá tải. Khi đó người bệnh sẽ không được tiếp cận với hệ thống y tế và được điều trị kịp thời, đặc biệt là các trường hợp mắc COVID-19 chuyển bệnh nặng, nguy cơ tỷ lệ ca mắc tử vong tăng cao. “Trong lúc này, cần phải thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh để hạn chế việc tăng F0 một cách thấp nhất”- PGS Trần Đắc Phu nêu rõ.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, để kiểm soát tốt dịch bệnh đòi hỏi cần sự vào cuộc có trách nhiệm của người dân và chính quyền, riêng ngành y tế sẽ không thể thực hiện thành công và kiểm soát được.
Vì vậy, đối với người dân, cần thực hiện tốt 5K, có ý thức thực hiện các hành vi an toàn.
“Nếu người dân cho rằng đã tiêm vaccine là buông xuôi, thả lỏng, chắc chắn số ca mắc sẽ tăng lên rất nhiều. Chúng ta phải ứng xử trong từng môi trường cho phù hợp, chỉ đến những nơi đông người khi thực sự cần thiết, tránh tụ tập, liên hoan, giảm số người trong các buổi hội họp, đặc biệt thời gian tới là dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, hạn chế tiếp xúc các nhóm người lạ với nhau”- ông Phu khuyến cáo.
Theo PGS Trần Đắc Phu, chính quyền cần tăng cường biện pháp tuyên truyền, kiểm tra giám sát. Ngành y tế cũng phải chuẩn bị đầy đủ hệ thống y tế dự phòng, nhân lực để nâng cao hệ thống y tế cơ sở; Đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cán bộ y tế để người dân không may nhiễm SARS-CoV-2 đều được tư vấn, theo dõi và điều trị kịp thời theo phân tầng điều trị, tránh tử vong. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế tại Hà Nội cũng cần nhanh chóng chuẩn bị thêm giường bệnh để phòng trường hợp có F0 diễn biến nặng sẽ được can thiệp ngay.
PGS Trần Đắc Phu cũng một lần nữa khuyến cáo việc tiêm vaccine hiện nay vẫn là cần thiết, vì vậy vẫn phải tiếp tục đẩy nhanh tiêm phủ đầy đủ 2 mũi vaccine cho người dân. Bên cạnh đó, chuẩn bị phương án tiêm mũi vaccine tăng cường cho những đối tượng bệnh nền, suy giảm miễn dịch, người cao tuổi và tiến tới tiêm những mũi nhắc lại cho tất cả người dân vì TP Hà Nội là địa bàn nguy cơ rất cao.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine của người dân trên địa bàn rất cao, chiếm tỷ lệ hơn 95% vì vậy hầu hết các ca mắc COVID-19 đều ở thể nhẹ và không có triệu chứng, có thể điều trị tại nhà hoặc ngay tuyến y tế cơ sở.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, TP Hà Nội đã có giải pháp đáp ứng điều trị 100.000 ca bệnh. Theo đó, TP đã thành lập các cơ sở thu dung tuyến thành phố. Các cơ sở này đã hoạt động tốt và đáp ứng được khoảng 22.000 giường bệnh. Các cơ sở thu dung quận, huyện đáp ứng khoảng 70.000 giường bệnh, còn lại các bệnh viện thu dung các bệnh nhân trung bình, nặng và nguy kịch là 8.000 giường bệnh. Đồng thời ngành y tế TP cũng tổ chức phân tầng đảm bảo khoa học, tránh việc quá tải tuyến trên. Với tầng 1, người nhiễm SARS-CoV-2 nhẹ, không triệu chứng có thể điều trị tại nhà, tại trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung tuyến thành phố. Tầng 2 là người bệnh được điều trị tại tuyến huyện, chuyên khoa tuyến thành phố. Tầng 3 là điều trị tại bệnh viện hạng 1 và các bệnh viện tuyến Trung ương.
Bà Hà cũng cho biết, Sở Y tế Hà Nội cũng quán triệt các bệnh viện tuyến trên không tiếp nhận bệnh nhân nhẹ và không có triệu chứng để giảm tải hệ thống y tế; Đồng thời thường xuyên tập huấn kiến thức, cập nhật phác đồ mới, kinh nghiệm điều trị các bệnh nhân Covid-19 tại các tỉnh phía Nam cho nhân viên y tế./.
Minh Khánh/VOV.VN