Trạm y tế lưu động tại Hà Nội góp phần giảm gánh nặng cho các cơ sở điều trị Covid-19

  • 16/12/2021 09:57:24
  • Nguyễn Hà
  • Xã hội
  • 0

Nhằm thích ứng với tình hình mới, mô hình trạm y tế lưu động tại Hà Nội ra đời và bước đầu phát huy hiệu quả trong việc điều trị F0 thể nhẹ.

 

Gấp rút xây dựng nhanh trạm y tế lưu động

Tình hình dịch bệnh ở Hà Nội đang có những diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 đã vượt mốc 1.000 ca/ngày tại hầu khắp các quận huyện của Thủ đô. Riêng quận Hoàn Kiếm, các ca bệnh có xu hướng tăng, những ngày gần đây lên tới 20-40 ca/ngày.

Thực hiện chỉ đạo của thành phố về triển khai trạm y tế lưu động, quận Hoàn Kiếm đã khẩn trương rà soát các địa điểm đủ điều kiện trên địa bàn để thành lập trạm y tế lưu động, thu dung điều trị F0 thể nhẹ, không triệu chứng. Tới nay, quận đã xây dựng được 3/38 trạm y tế lưu động ở Hàng Thiếc, Đồng Xuân và số 9 Hai Bà Trưng.

Một trạm y tế lưu động thuộc phường Hàng Gai, Hoàn Kiếm.

Tại phường Hàng Gai, địa phương cũng đã xây dựng được 2 trạm y tế lưu động có diện tích từ 60-80m2 với đầy đủ nguồn nhân lực theo công văn của ngành y tế. Từ ngày đi vào hoạt động, nhân viên trạm đã thực hiện chăm sóc cho 11 F0.

Về trang thiết bị phục vụ tại trạm y tế lưu động, theo bà Phùng Thị Phi Nga, Phó Chủ tịch phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, dưới sự hỗ trợ của quận và trung tâm y tế, trạm đã được trang bị cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo cho công tác điều trị F0. Theo đó mỗi trạm y tế lưu động đều được chuẩn bị 2 giường, có tủ thuốc theo danh mục theo quy định của Thông tư 19 Bộ Y tế, các vật dụng khác như kính chắn, nước sát khuẩn, khẩu trang, máy đo huyết áp, nhiệt kế, ống nghe và các sinh phẩm phục vụ cho công tác xét nghiệm.

Trạm y tế lưu động ra đời, người dân địa phương được tiếp cận công tác chăm sóc sức khỏe sớm và nhanh nhất.

Ngoài ra tại mỗi trạm còn được trang bị máy đo SpO2, mặt nạ thở. Các trạm cũng có đầy đủ máy tính để nhập liệu được kết nối với internet, bàn ghế phục vụ công việc.

Tại quận Hà Đông cũng đã thành lập 17 trạm y tế lưu động tại 17 phường. Những nơi được lựa chọn xây dựng làm nơi điều trị F0 thể nhẹ là Nhà văn hóa, các trường học chưa tổ chức dạy học. Ngoài ra, quận này cũng đã tổ chức khu thu dung điều trị F0 được đặt tại ký túc xá trường Đại học Đại Nam với quy mô 300 giường, khi cần vẫn có thể mở rộng đến 600 giường.

Theo bà Lê Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Y tế quận Hà Đông, hiện tại nhân viên ở các trạm y tế lưu động trên địa bàn đang thực hiện điều trị tại nhà cho hơn 20 F0, còn tại cơ sở thu dung là 148 F0.

Công tác phân tầng thực hiện ngay tại trạm y tế

Ở trạm y tế lưu động, lực lượng y tế tham gia thăm khám, điều trị cho bệnh nhân F0 chủ yếu là cán bộ y tế mới nghỉ hưu. Ngoài ra mỗi địa phương còn huy động thêm lực lượng y tế trường học trên chính địa bàn tham gia góp sức. Bên cạnh đó còn có thành phần y tế tư nhân sẵn sàng tình nguyện, làm "dày" thêm quân số của trạm y tế lưu động.

Nhân viên y tế tại trạm theo dõi, phát thuốc cho F0 thể nhẹ mỗi ngày. 

Ngoài nhân lực y tế chủ chốt, ở mỗi trạm còn có sự tham gia hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên tình nguyện, hội phụ nữ.

Theo bà Lê Thị Thanh Bình, việc chăm sóc F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng, nếu đủ điều kiện sẽ cho bệnh nhân cách ly, điều trị tại nhà dưới sự theo dõi và chăm sóc sức khỏe của tổ y tế lưu động. Ngược lại, với F0 không đủ điều kiện để cách ly và theo dõi tại nhà sẽ được đưa đến cơ sở thu dung của quận.

“Ngay khi nhận các trường hợp F0, chúng tôi thực hiện ngay công tác phân tầng, phối hợp với cơ quan y tế quận để đưa những trường hợp nặng điều trị ở các khu điều trị của thành phố, còn các trường hợp nhẹ được cách ly y tế tại nhà. Tại trạm y tế lưu động, các ca khi vào làm việc đều tuân thủ nghiêm 5K”, bà Bình chia sẻ thêm.

Lực lượng y tế lưu động lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân trong vùng phong tỏa.

Công việc hằng ngày của nhân viên y tế ở trạm là duy trì trực 24/7. Khi có danh sách F0, nhân viên y tế sẽ quản lý theo từng nhóm bệnh nhân đã được phân chia. Cán bộ y tế sẽ thường xuyên liên hệ với người mắc Covid-19 qua điện thoại để nắm bắt được tình hình sức khỏe và có hướng điều trị khi cần thiết.

Ban ngày, nhân viên y tế sẽ tiếp nhận thông tin phản ánh cũng như thực hiện việc cấp phát thuốc cho F0 thể nhẹ. Tại trạm cũng thực hiện việc khám và phát thuốc trong danh mục thuốc thông thường theo quy định.

Đến buổi chiều, nhân viên trực sẽ tiếp tục thăm khám và tiếp nhận các trường hợp F0 nếu có. Buổi tối, ca trực tiếp tục làm việc và có sự hỗ trợ của công an, lực lượng dân quân tự vệ địa phương.

Tại mỗi trạm y tế lưu động, ngoài lực lượng y tế chủ chốt, còn có sự hỗ trợ của công an, dân quân tự vệ và thanh niên tình nguyện.

Dù mới được triển khai, nhưng các trạm y tế lưu động tại Hà Nội bước đầu đã phát huy tác dụng trong công tác giảm tải cho các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố; chăm sóc và điều trị có hiệu quả F0 thể nhẹ tại nhà; kịp thời phát hiện các trường hợp diễn biến nặng để chuyển tuyến và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu trong hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.

Hàng hóa của bên ngoài đưa vào vùng phong tỏa đều được phun khử khuẩn.

Trong bối cảnh thích ứng linh hoạt theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, dịch bệnh Covid-19 có chiều hướng lan rộng toàn thành phố, số người mắc Covid-19 vượt khả năng thu dung của các cơ sở điều trị và cơ sở cách ly tập trung, trạm y tế lưu động đã phát huy vai trò trong việc phân loại và góp phần giúp người dân tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế sớm và nhanh nhất./.

Theo Nguyễn Hà/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận