Người dân đô thị miền Trung bao giờ hết cảnh chạy lụt?

Ngập lụt ở đô thị ít thiệt hại về người và nhà cửa nhưng thiệt hại kinh tế, xã hội đối với người dân đô thị từ năm này sang năm khác là vô cùng lớn.

 
LTS: Các đô thị tại khu vực miền Trung đều nằm gần cửa sông, sát biển. Từ xưa tới nay, các đô thị này đều là các trung tâm chính trị kinh tế của địa phương, rất ít bị ngập lụt. Thế nhưng, mấy năm gần đây, cứ có mưa là ngập. Đợt mưa lớn cuối năm nay, hầu hết các đô thị miền Trung đều chìm trong biển nước. Trong bài viết trước, chúng tôi đã nêu thực trạng và nguyên nhân ngập lụt tại các đô thị miền Trung. Đó là do biến đổi khí hậu, mưa lớn bất thường, hệ thống thoát nước còn nhiều bất cập, nhiều công trình hạ tầng xây dựng ồ ạt… đã cản trở dòng chảy, ảnh hưởng quá trình thoát lũ tại đô thị. Giải pháp nào để giải quyết ngập lụt ở các khu đô thị miền Trung đã và đang là bài toán khó.

Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân cuối năm nay của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, hầu hết các phiên chất vấn, trả lời chất vấn đều nóng về vấn đề đô thị ngập lụt khi mưa không lớn. Ông Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận, mặt trái của quá trình đầu tư, phát triển đô thị, trong đó có việc đầu tư xây dựng các khu dân cư, khu đô thị trong thời gian gần đây đã làm giảm khá nhiều vùng trũng chứa nước tự nhiên trong đô thị; quá trình thi công xây dựng chưa kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước chính của thành phố.

Để có các giải pháp về lâu dài, giảm thiểu tối đa tình trạng ngập nước trong khu vực nội thành thành phố, theo ông Hoàng, cần có sự nghiên cứu đánh giá toàn diện, chuyên sâu, đồng thời của các chuyên gia, tổ chức tư vấn, các sở chuyên ngành và chính quyền đô thị về hiện trạng và các tác động ảnh hưởng đến việc thoát nước.

Người dân các đô thị miền Trung phải sắm phương tiện thủy.Ông Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đề xuất: “Chúng ta cần thực hiện lộ trình hướng đến đô thị thông minh, xây dựng phần mềm để quản lý ngập  và thoát nước đô thị. Từ mô hình này, chúng ta xây dựng kịch bản chống ngập để có dự báo kịp thời cho người dân kịp thời ứng phó. Từ đó, cơ quan chức năng làm công tác quản lý, xây dựng kế hoạch chiến lược đầu tư theo kế hoạch ưu tiên để từng bước giải quyết hạn chế tối đa tình trạng ngập lụt nội khu vực nội thành thành phố”.

TP Tam Kỳ là đô thị trẻ, đa số các khu đô thị hình thành từ ngày chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vào năm 1997. Từ ngày hình thành cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và dự án Quốc lộ 1A được cải tạo nâng cấp, bên cạnh đó là nhiều dự án giao thông ngăn chảy dòng chảy thoát lũ làm cho thành phố này thường xuyên ngập úng khi mưa lớn.

Khi làm đường giao thông cần tính toán hạn chế cản trở dòng thoát lũ.Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đang phối hợp các nhóm nghiên cứu và các cơ quan chuyên môn đánh giá tổng thể và toàn diện về tình trạng ngập lụt tại TP Tam Kỳ.

Theo ông Lê Trí Thanh, trong quá trình hoàn thiện quy hoạch chung của tỉnh Quảng Nam và quy hoạch vùng Đông, tỉnh sẽ có sự điều chỉnh, tính toán đến các giải pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục tình trạng ngập lụt tại các đô thị.

“Trong việc ngập úng có phần tác động của các công trình giao thông, những vấn đề này cần được nhận diện và khẩn trương đánh giá lại tổng thể quy hoạch. Trong quá trình lập quy hoạch, chúng tôi rà soát, đánh giá lại các công trình giao thông trọng yếu trên địa bàn, đặc biệt là những công trình gây cản trở dòng chảy. Những công trình giao thông xây dựng ở vùng thấp trũng hoặc các công trình dân cư, đô thị có nguy gây cản trở dòng chảy, gây nên ngập úng thì phải xem xét một cách cẩn trọng, điều chỉnh cho phù hợp”, ông Thanh nói.

Phía Tây TP Nha Trang bị ngập lụt nặng nề.Những giải pháp mà các địa phương đưa ra đều cần có thời gian và nguồn kinh phí lớn. Về giải pháp chống ngập của tỉnh Khánh Hòa cho khu vực phía tây và ven TP Nha Trang thời gian tới, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có kế hoạch dài hơi cho cả thành phố.

Hiện nay, 2 dự án vệ sinh môi trường bền vững đang triển khai nhằm mục đích thoát lũ cho phía Nam và Bắc Nha Trang. Còn phía Tây, tỉnh cũng đang thực hiện các giải pháp nạo vét và kết nối hệ thống thoát lũ giữa các con sông trên địa bàn.

Ông Nguyễn Duy Quang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho rằng, cần phải có các giải pháp công trình như nạo vét các dòng sông, thi công 1 dòng sông đào nối giữa 2 sông của TP Nha Trang gồm sông Cái và sông Tắc - sông Quán Trường để kết nối, thoát lũ ra biển nhanh hơn so với hiện nay.

Tuy nhiên, để làm được các công trình này cần phải có thời gian vì kinh phí lớn. Ông Nguyễn Duy Quang cho biết, trước mắt, việc điều tiết xả lũ của các hồ phía thượng nguồn cần căn cứ triều cường để giảm ngập sâu cho hạ du: “Cần phải có những hệ thống liên thông giữa lưu vực sông Cái thông qua sông Quán Trường, sông Tắc. Để khi có lượng mưa, dòng chảy tập trung vào cánh nào đó thì cánh kia sẽ gắn bớt lưu lượng tải lũ trên các dòng sông hiện có trên địa bàn TP. Nha Trang”.

Nước sông ở mức thấp nhưng khu đô thị ngập sâu hơn 2m.Giải quyết tình trạng ngập lụt đô thị, năm 2014, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt dự án xây dựng cấp bách kè chống sạt lở và cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát lũ chống ngập úng hạ lưu sông Hà Thanh, TP Quy Nhơn. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 90%, ngân sách địa phương 10%, do Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2015 - 2020.

Dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng, chậm tiêu thoát lũ tại các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú và khu vực lân cận TP. Quy Nhơn. Tuy nhiên, tiến độ triển khai dự án rất chậm, đến tháng 3 năm ngoái, UBND tỉnh Bình Định đã ra quyết định tạm dừng.

Trước mắt, UBND tỉnh Bình Định giao UBND TP Quy Nhơn thực hiện phần xây dựng tuyến kè từ cầu Đôi đến cầu Hoa Lư và giao Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai dự án xây dựng hệ thống tiêu thoát nước sông Dinh. Dự án này có mức đầu tư 295 tỉ đồng, được triển khai tại 2 phường Nhơn Bình và Nhơn Phú từ năm 2021 - 2024. Dự án này sẽ mở rộng và nạo vét đáy sông, mở rộng khẩu độ cầu Chợ Dinh trên Quốc lộ 19 cũ để đảm bảo khả năng tiêu thoát lũ.

Là người từng tham gia dự án nâng cao sức chống chịu của các khu đô thị với thời tiết mưa lũ, biến đổi khí hậu tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn và nhiều địa phương khác, chuyên gia thời tiết Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, cố vấn về biến đổi khí hậu của Tổ chức Oxfam cho biết, tình trạng ngập lụt xảy ra phổ biến là do mật độ xây dựng quá cao, bê tông kín mít, khi mưa xuống thì thoát không kịp thì gây ngập.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy cho rằng, nguyên tắc khi xây dựng, nếu lấy đi không gian của nước bao nhiêu thì chúng ta phải trả lại không gian của nước bằng chừng đó, đặc biệt là cần tôn trọng không gian của nước chảy: “Đô thị mới hồi xưa là đồng ruộng, bây giờ người ta nâng nền cao lên. Nếu khi xây ở khu vực dưới hạ lưu thì chúng ta hoàn toàn có thể được kiểm soát thượng nguồn chảy xuống. Khi chúng ta quy hoạch tất cả các khu đô thị mới, luôn luôn phải tính đến yếu tố cân bằng giữa đào và đắp”.

Tình trạng các khu đô thị lớn ở miền Trung ngập lụt bất thường những năm gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những bất cập trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị. Theo ông Văn Phú Chính, nguyên Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, hiện nay rất nhiều địa phương chưa có sự quan tâm cần thiết đối với vấn đề thoát nước tại các đô thị. Việc lồng ghép các giải pháp phòng chống thiên tai trong quá trình quy hoạch đô thị cần phải được thực hiện ngay.

“Hiện nay, thiên tai ngày càng cực đoan, mưa lớn, cho nên cần phải tính toán một cách đầy đủ hơn. Việc xây dựng công trình hay làm bất cứ điều gì đều có thể tác động đến dòng chảy và tình trạng ngập lụt cả. Vì khi lấp chỗ này thì đô thị sẽ không còn không gian cho nước thì chắc chắn sẽ dẫn đến ngập”, ông Chính nói.

Nước ngập sâu, người dân trở tay không kịp.Kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vào ngày 3/12 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đô thị miền Trung có chung một đặc điểm là gần biển. Vấn đề đặt ra là tại sao đô thị gần biển lại bị ngập lụt?

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, khi quy hoạch đô thị các địa phương chưa tính toán độ thoát nước ra sông, ra biển. Vấn đề thứ hai là tình trạng phát triển nóng của các đô thị, ảnh hưởng đến thoát nước bề mặt, hạn chế toàn bộ các dòng chảy để thoát lũ. Vấn đề thứ 3 là đô thị miền Trung độ dốc cao, địa hình ngắn, từ núi ra đến biển ngắn, chính vì thế nước tràn từ thượng lưu đến biển rất nhanh. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, đối với đô thị nói chung và đô thị ở miền Trung nói riêng, quan trọng nhất là hạ tầng thoát lũ, bởi vì rất gần biển, điều kiện thoát lũ rất tốt. Vấn đề đặt ra lúc này là nhanh chóng quy hoạch hệ thống thoát lũ. Thứ 2, khi đã có hệ thống thoát lũ rồi thì đảm bảo năng lực thoát lũ.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị: “Chúng tôi đề nghị phải có giải pháp ở thượng lưu làm thế nào để khi có mưa lớn cục bộ từ thượng lưu đổ dồn về các đô thị phía biển và chảy ra biển thì ngăn chặn được dòng nước này càng nhiều càng tốt bằng cách các hồ chứa thủy lợi mà có cắt lũ nghiên cứu để làm nhiều nhất có thể. Thứ 2 là đảm bảo độ che phủ và thảm thực vật ở thượng lưu”.

Miền Trung xác định tâm thế sống chung với lũ lụt. Tuy nhiên, các giải pháp chống chịu với ngập lụt, biến đổi khí hậu tại các đô thị lớn ở miền Trung chưa được tính toán kỹ lưỡng dẫn tới tình trạng ngập lụt diện rộng. Ngập lụt ở đô thị ít thiệt hại về người và nhà cửa nhưng thiệt hại kinh tế, xã hội đối với người dân đô thị từ năm này sang năm khác là vô cùng lớn. Để hạn chế tình trạng ngập lụt đô thị kéo dài, trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị, chính quyền các địa phương cần tính toán đầu tư đồng bộ giữa các giải pháp công trình và phi công trình./.

Nhóm PV/VOV-Miền Trung

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận