Giờ đây, công nhân ngành điện không phải trèo trụ điện để kiểm tra chỉ số công tơ hay ngày đêm trực giám sát ở trạm biến áp. Thay vào đó, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh được cài đặt 1 ứng dụng để quản lý từ xa là có thể ghi chỉ số công tơ hoặc biết khu vực nào, đường dây nào đang có sự cố và tình trạng vận hành, truyền tải như thế nào. Hiện nay, việc ứng dụng thiết bị bay không người lái (flycam) để kiểm tra hiện trạng đường dây truyền tải, giúp phát hiện sớm khiếm khuyết trên đường dây để có hướng xử lý là điểm nhấn trong quản lý lưới điện thông minh.
Công ty Điện lực Quảng Ngãi - đơn vị thành viên của Tổng Công ty Điện lực miền Trung - mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực sản xuất, vận hành lưới điện. Điểm nhấn trong quá trình chuyển đổi số, vận hành lưới điện thông minh là sử dụng trạm biến áp không người trực. Trước đây, mỗi trạm biến áp 110kv luôn phải duy trì 10 người trực. Đến thời điểm này, Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã xây dựng 10 trạm biến áp 110kv không người trực, đồng nghĩa giảm được 100 công nhân điện lực trực tại các trạm. Thay vào đó, Công ty Điên lực Quảng Ngãi xây dựng 1 trung tâm điều khiển từ xa đặt tại trụ sở công ty. Trung tâm này có nhiệm vụ giám sát toàn bộ trạm 110kv và giám sát, điều khiển 250 thiết bị đóng cắt điện trên toàn tỉnh.
Ông Lê Văn Hùng, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Điện lực Quảng Ngãi cho biết: “Vấn đề áp dụng khoa khọc công nghệ cũng đã đạt được mức rất tiến bộ trong quá trình quản lý, vận hành lưới điện hiện nay, dần tiến tới vận hành lưới điện thông minh. Về số liệu lưới điện, chúng tôi đã được số hóa thông qua việc thu thập tọa độ lưới điện, hình ảnh lưới điện để up lên chương trình. Trên cơ sở đó giúp người quản lý theo dõi, vận hành lưới điện linh hoạt”.
Tiến tới lưới điện thông minh, số hóa toàn bộ lưới điện, Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã đầu tư hạ tầng lưới điện và công nghệ thông tin. Cụ thể, Công ty Điện lực Quảng Ngãi tiên phong lắp đặt công tơ điện tử, nhờ đó, việc ghi số điện được thực hiện từ xa, công nhân ngành điện không phải leo cột điện như trước đây mà chỉ cần đứng dưới đất dùng thiết bị cầm tay để ghi chỉ số công tơ điện. Cùng với đó là ứng dụng sửa chữa điện nóng và vệ sinh lưới điện hotline.
Ông Phan Vũ Đông Quân, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi cho biết, năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lấy chủ đề là “chuyển đổi số” nên đơn vị đã thực hiện đồng bộ để thực hiện được mục tiêu này. “Về công nghệ thông tin, chúng tôi đẩy mạnh ứng dụng nhiều hơn nữa, đặc biệt trong công tác quản lý vận hành, chúng tôi áp dụng điện thoại thông minh. Đối với công nhân khi ra hiện trường từ công tác kiểm tra hiện trường, kiểm tra định kỳ, sổ nhật ký vận hành điện tử. Về công tác quản lý kinh doanh, chúng tôi 100% lắp đặt công tơ điện tử trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong năm 2021, từ đó đồng bộ việc ghi chỉ số ghi công tơ điện tử từ xa để quản lý cũng như phân tích các chỉ số sử dụng điện được tốt hơn”.
Năm nay, Tổng Công ty Điện lực miền Trung tập trung triển khai chương trình chuyển đổi số trong mọi mặt hoạt động, với mục tiêu cơ bản trở thành doanh nghiệp số vào năm 2022 và hoàn thành toàn bộ lộ trình chuyển đổi số vào năm 2025 đối với 13 công ty điện lực khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Trong lĩnh vực kỹ thuật sản xuất, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đang triển khai và phấn đấu hoàn thành trong năm nay việc số hóa toàn bộ các thiết bị chính trên lưới điện 110kV và trung hạ áp. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 134 trạm biến áp 110kV, 4.000km đường dây 110kV, 30.000km đường dây trung áp và gần 30 nghìn trạm biến áp phân phối… Do đó, việc hoàn thành số hóa dữ liệu các thiết bị trên lưới điện là một bước tiến rất lớn. Trên cơ sở dữ liệu số này, ngành điện có thể triển khai giải pháp sửa chữa, bảo dưỡng dựa trên tình trạng thiết bị, tối ưu hóa chi phí và hạn chế thời gian cắt điện. Bên cạnh đó, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã đưa vào sử dụng thiết bị flycam để thu thập hình ảnh, đánh giá hiện trạng, đưa ra cảnh báo trên đường dây truyền tải.
Ông Nguyễn Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung, cho biết: “Chúng tôi sử dụng các thiết bị như bay fly cam để ghi nhận tất cả hình ảnh công trình đường dây và tình trạng hành lang tuyến để lưu trong bộ nhớ. Qua quá trình kiểm tra định kỳ sẽ cho các máy bay kiểm tra, đặc biệt vị trí hiểm trở khó tiếp cận hoặc mất thời gian nhiều thì cho thiết bị bay đến so sánh để đánh giá, nếu có trường hợp bất thường thì sẽ có cảnh báo để quản lý vận hành biết kịp thời đến xử lý, rất đỡ cho chông nhân vận hành và phát hiện sớm những khiếm khuyết trên đường dây để ngăn ngừa sự cố”./.