Tại phiên chất vấn và trả lời chất vẫn tại Kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố Hà Nội sáng 9/12, các đại biểu đã đặt câu hỏi theo nhóm vấn đề đối với Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà về dự báo, giải pháp kiểm soát dịch hiệu quả, kiểm soát F1, điều trị F0 tại nhà, cung cấp thuốc cho F0, phân tầng điều trị, khả năng đáp ứng chống dịch theo cấp độ 4, giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở vật chất cho hệ thống y tế cơ sở.
Các ca F0 tăng cao nhưng nhiều ca nhẹ do đã tiêm đủ 2 mũi vaccine
Bà Trần Thị Nhị Hà cho biết, thực hiện Nghị quyết 128, thích ứng linh hoạt, trong thời gian qua tình hình dịch bệnh tại Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ 11/10, số ca mắc tăng cao và riêng chỉ trong đầu giờ sáng nay, Hà Nội đã ghi nhận 172 ca mắc Covid-19. Theo bà Hà, với tình hình này, số ca tại Hà Nội có thể lên đến 1.000 ca ngày. Thời điểm cuối năm giao thương cao, thời tiết giao mùa cùng tâm lý chủ quan có thể dẫn đến số ca mắc tại Thủ đô tăng cao trong thời gian tới.
Hiện dịch Covid-19 đã lây lan trong cộng đồng tại tất cả các quận, thị xã và cũng không loại trừ khả năng có thể xuất hiện biến chủng mới Omicron lây truyền nhanh chóng hơn Delta. Tuy nhiên, với tỷ lệ tiêm chủng vaccine 2 mũi hiện nay tại Hà Nội cao trên 95%, nên dù số ca mắc tăng cao, nhưng nhiều ca nhẹ, nhiều ca F0 điều trị tại nhà và tại tuyến y tế cơ sở. Với quyết tâm tập trung của cả hệ thống chính trị, Hà Nội đã chủ động, cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Biến chủng mới Omicron xuất hiện ở Nam Phi, có khả năng lây lan cao hơn Delta. Theo WHO, vaccine có thể bảo vệ được người đã tiêm chủng trước biến chủng này. Dù chưa ghi nhận ca mắc biến chủng mới này trong cộng đồng, nhưng Hà Nội luôn chủ động, tăng cường cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế; chỉ đạo CDC Hà Nội giải trình gene những trường hợp nghi ngờ; kiến nghị dừng chuyến bay từ các quốc gia có biến chủng này.
Thành phố cũng đã quyết định điều trị F0 thể nhẹ và cách ly F1 tại nhà. Chủ trương này cho thấy phù hợp nguyện vọng người dân. Tuy nhiên, cũng cần sự giám sát chặt chẽ để quản lý F1, điều trị F0 tại nhà, tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Thực hiện tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, Hà Nội đã có giải pháp cụ thể, các quận, huyện chủ động đánh giá cấp độ dịch tuần một lần để có biện pháp hành chính tương ứng cho hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn. Biện pháp hành chính phải bảo đảm thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống người dân. Về phía ngành y tế, tiếp tục kiên định điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch, xét nghiệm, cách ly hẹp nhất có thể. Nâng cao năng lực y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở tập trung chăm sóc người dân, giảm tải cho tuyến trên.
“Ngành y tế tiếp tục thực hiện tiêm phòng vaccine cho những người chưa đủ 2 mũi, có kế hoạch tiêm mũi 3 theo sự phân bổ vaccine của Bộ Y tế; ứng dựng phần mềm công nghệ thông tin trong công tác xét nghiệm, quản lý F0, F1, vận chuyển người bênh, không chủ quan lơ là, nhưng cũng không lo sợ để người dân là chủ thể, chiến sỹ trong công tác phòng chống dịch. Ngành y tế luôn cập nhật, theo dõi, cập nhật thông tin F0 trên phần mềm, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế phù hợp. Đồng thời quán triệt bệnh viện tuyến trên không tiếp nhận bệnh nhân nhẹ”, bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
Về giải pháp trong công tác điều trị cách ly, Thành phố cũng đã có giải pháp đáp ứng điều trị cho 100.000 ca bệnh “Chúng tôi đã có phương án phân tầng, phân luồng khoa học tránh quá tải tuyến trên và bệnh nhân nhẹ, bệnh nhân không triệu chứng được điều trị ngay taị y tế cơ sở”- bà Hà nhấn mạnh.
Y tế cơ sở tuyến đầu chống dịch chưa được đầu tư đúng mức
Theo Giám đốc Sở Y tế, Hà Nội chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc theo quy định Bộ Y tế khi điều trị tại mọi tuyến để người bệnh được tiếp cận thuốc sớm nhất. Đối với điều trị F0 tại nhà và cách ly F1 tại , ngành y tế cùng với chính quyền cơ sở tiếp cận rà soát trên 2,1 triệu hộ gia đình và có khoảng 805.000 hộ đủ điều kiện điều trị và quản lý tại nhà. Lực lượng y tế cơ sở cũng chủ động phương án theo dõi người dân ngay tại nhà thông qua Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm SARS-CoV-2.
Bà Trần Thị Nhị Hà cho biết, thời gian qua, hệ thống y tế cơ sở trở thành trụ cột nòng cốt vừa điều tra truy vết khoanh vùng dập dịch tiêm chủng, xét nghiệm. Theo chủ trương mới của Thành phố y tế cơ sở lại tiếp tục thêm một nhiệm vụ quan trọng là quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà là “lực lượng tuyến đầu của tuyến đầu” không ngừng nghỉ suốt 2 năm, trong bối cảnh nhân lực mỏng, chất lượng nhân lực chưa cao, trang thiết bị ... quá tải chưa đáp ứng được công tác phòng chống dịch.
Về giải pháp đối với thực trạng quá tải ở các trạm y tế và chất lượng nhân lực, cơ sở vật chất ở y tế cơ sở chưa cao, chưa đáp ứng tốt công tác phòng chống dịch. Bà Hà cho biết, Sở Y tế sớm có chính sách thu hút, đãi ngộ cho hệ thống nhân lực y tế cơ sở, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu sức khỏe người dân; chủ động đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ cho hệ thống y tế nhằm nâng cao chất lượng y tế cơ sở./.
Theo VOV.VN