Liên tục nhiều ngày nay, các ca mắc Covid-19 ở Hà Nội tăng cao ở mức 3 con số, trong đó, phần lớn là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Cá biệt, ngày 3/12 vừa qua, Hà Nội ghi nhận 791 ca mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ. Đây là số ca mắc kỷ lục được ghi nhận trong một ngày tại thủ đô.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.309.092 ca nhiễm, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.303.823 ca.
Sau khi mọi hoạt động trở về trạng thái bình thường mới, dịch bệnh trên địa bàn thành phố diễn biến rất phức tạp, nhiều ổ dịch liên tục xuất hiện F0 với lịch trình di chuyển phức tạp… Đáng lo ngại, trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh thì nhiều người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.
Có thể thấy một thực tế, nhiều hàng quán trên địa bàn thành phố vẫn phục vụ 100% khách hàng, không đảm bảo giãn cách, không có tấm chắn; Theo yêu cầu của TP Hà Nội, tất cả hàng quán, siêu thị, trung tâm thương mại hoạt động phải dán mã QR code trước cửa để khách hàng quét mã khai báo y tế. Thế nhưng, một số cửa hàng không yêu cầu khách quét mã QR khi vào sử dụng dịch vụ, phớt lờ những quy định phòng, chống dịch của TP.
Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, lượng người đi mua sắm, tập trung rất đông, không thể đảm bảo giãn cách, nhất là vào những ngày cuối tuần. Cùng với đó là tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm vaccine. Nhiều người cho rằng, đã tiêm 2 mũi vaccine là có thể yên tâm đi lại và không sợ bị mắc bệnh nữa.
Ngoài ra, nhiều quán nước vỉa hè hoạt động trở lại, nhiều người đến tụ tập thành nhóm, ngồi uống nước, tán gẫu nhưng không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng quy định...
Các chuyên gia y tế cảnh báo, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn trước do nguy cơ xâm nhập biến chủng Omicron; số ca mắc và tử vong do Covid-19 có xu hướng tăng; nhiều ca bệnh trong cộng đồng gia tăng và không rõ nguồn lây. Nếu người dân lơ là, chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch thì sẽ không thể kiểm soát được dịch bệnh và phá vỡ thành quả chống dịch của toàn xã hội. Do đó, ý thức trách nhiệm của người dân trong phòng, chống dịch quan trọng hơn bao giờ hết. Người dân nên tuân thủ 5K, khai báo y tế phải trung thực, nghiêm túc.
Trước những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc phát hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng khi cuộc sống trở lại bình thường là điều không tránh khỏi và đã được dự báo trước, chúng ta phải chấp nhận sống chung với dịch bệnh. Tuy nhiên, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ngày một tăng cao, đây là điều đáng lo ngại, phản ánh một thực tế là người dân thực hiện các khuyến cáo phòng dịch và thực hiện 5K chưa tốt.
Cũng theo ông Phu, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải chấp nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng, thế nhưng, phải có biện pháp khống chế, không được để số ca mắc tăng quá cao và hạn chế số bệnh nhân nặng, nếu không sẽ gây quá tải hệ thống y tế. Quan trọng hơn cả là thực hiện tốt Nghị quyết 128, phải kiểm soát được ca bệnh; phấn đấu tiêm chủng đạt tỷ lệ cao, đặc biệt là tiêm chủng cho người già và người có bệnh nền.
“Cần thực hiện các hoạt động an toàn, không được buông trôi, thả lỏng; Người dân phải thực hiện tốt 5K, không để dịch bệnh bùng phát mạnh. Như vậy thì mới có thể chung sống bình thường mới với dịch bệnh; Người dân dù đã tiêm 2 mũi vaccine thì vẫn cần nâng cao cảnh giác, hạn chế tụ tập đông người, thực hiện tốt 5K. Vì hiện nay, có nhiều người đã được tiêm vaccine phòng vaccine Covid-19 nhưng vẫn có thể sẽ nhiễm virus mà không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, họ không biết và đi lại trong cộng đồng, dễ lây nhiễm cho người khác, đã có hàng chục người tử vong dù đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Cùng với đó, cần cảnh giác cao với sự xâm nhập của biến chủng Omicron”, ông Trần Đắc Phu cho hay.
Theo TS. Đinh Việt Hòa – Đại học Quốc gia Hà Nội, trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường như hiện nay, chúng ta phải xác định sống chung với Covid-19. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, cần thực hiện đúng những chỉ dẫn phòng, chống dịch Covid-19 mà Bộ Y tế ban hành; Chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch làm việc thích ứng trong điều kiện dịch bệnh; Tăng cường sử dụng các công cụ phù hợp, trong đó có những công cụ công nghệ cao để hỗ trợ làm việc 4.
TS. Đinh Việt Hòa cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng đưa ra những biện pháp ứng phó với dịch bệnh. Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh, xử lý nghiêm sai phạm trong việc không thực hiện các quy định phòng, chống dịch, không thực hiện nghiêm thông điệp "5K" của Bộ Y tế…
Mới đây, Tiểu ban Truyền thông, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ban hành kế hoạch với thông điệp “Cảnh giác, chủ động để bảo vệ thành quả phòng, chống dịch".
Kế hoạch nêu rõ: Chính phủ nhận định, sau hơn một tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; tâm thế và nhận thức của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, của người dân và doanh nghiệp đã được nâng lên, vừa đảm bảo cuộc sống hoạt động ở trạng thái bình thường mới, không chủ quan lơ là với dịch bệnh, vừa từng bước khôi phục và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, số ca nhiễm mới trong cộng đồng có dấu hiệu tăng lên ở hầu hết các địa phương, tình hình biến chủng mới xuất hiện trên thế giới, có thể có diễn biến phức tạp, đã gây tâm lý lo ngại, người dân một số nơi lại có biểu hiện chủ quan, lơ là. Điều đó đặt ra áp lực đối với các cơ quan thường trực phòng, chống dịch và các cơ quan truyền thông phải tiếp tục tuyên truyền để thống nhất nhận thức đối với toàn xã hội.
Đặc biệt, tiếp tục nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống dịch; người dân phải vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm công thức “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”./.
Chung Thủy/VOV.VN