Hà Nội đầu tư gần 2.000 tỷ đồng để giảm thiểu ùn tắc giao thông

Trong 5 năm tới, TP Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để xây dựng GT-VT Thủ đô đồng bộ, thông minh, hiện đại.

 

Tại Kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố khóa XVI tới đây, UBND thành phố Hà Nội dự kiến trình HĐND thành phố xem xét ban hành Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, mục tiêu trong 5 năm tới Thành phố huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý điều hành giao thông, xây dựng GT-VT Thủ đô Hà Nội đồng bộ, thông minh, hiện đại, thuận lợi, trật tự, an toàn, chất lượng, hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố, nhất là trong khu vực đô thị trung tâm (từ vành đai 4 trở vào); các khu đô thị; các trục đường hướng tâm; các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh; các khu vực đầu mối giao thông (các nhà ga, bến xe).

Đường cầu vượt thấp Linh Đàm góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông khu vực Pháp Vân - Giải Phóng.

Hằng năm xử lý từ 7 đến 10 điểm thường xuyên ùn, tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông; không để xảy ra ùn tắc kéo dài trên 30 phút, xóa bỏ kịp thời các điểm đen tai nạn, qua đó góp phần giảm TNGT từ 5% - 10% hàng năm trên cả ba tiêu chí (về số vụ, số người chết và số người bị thương).

Để đạt mục tiêu Chương trình, Thành phố Hà Nội nhấn mạnh 11 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền các cấp, các đơn vị chức năng trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông.

Xây dựng cơ chế chính sách và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GT-VT: xây dựng 2 cơ chế chính sách và 5 văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực GT-VT trên địa bàn Thành phố đã được nêu tại Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành uỷ.

Rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tài thành phố Hà Nội: Tập trung rà soát Quy hoạch GT-VT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để cập nhật bổ sung vào quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch thành phố Hà Nội; Hoàn thiện thủ tục, phê duyệt 1 quy hoạch và 3 đề án đã được nêu tại Chương trình số 03 của Thành ủy

Tăng cường thực hiện quản lý quy hoạch xây dựng để kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng trong khu vực nội đô và di dân cơ học nhằm hạn chế tăng mật độ dân cư khu vực nội đô; Xây dựng kế hoạch để thực hiện di chuyển các cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện,... ra ngoài trung tâm Thành phố theo đúng lộ trình quy hoạch và ưu tiên bố trí quỹ đất này dành cho mục đích giao thông và các mục đích công cộng khác.

Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch đảm bảo tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị đến năm 2025 đạt 12%-15%, trong đó tỷ thông tĩnh đạt 1%-2%.

Gần 2.000 tỷ đồng đầu tư cho giao thông đô thị

Hà Nội đặt mục tiêu quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy hiệu quả tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, với tổng kinh phí hơn 1.802 tỷ đồng. Bao gồm: Thực hiện chỉnh trang đồng bộ 180 tuyến đường trên địa bàn 12 quận theo Chương trình số 03- của Thành uỷ: với kinh phí trên 566 tỷ đồng.

Cùng với đó là việc lắp đặt 168 nút đèn tín hiệu giao thông; Cải tạo hạ tầng, điều chỉnh tổ chức giao thông 46 tuyến đường, nút giao: với kinh phí là hơn 419 tỷ đồng. Nghiên cứu, tổ chức giao thông, sửa chữa các tuyến đường, các tuyến trục chính, các tuyến hướng tâm để giảm ùn tắc giao thông, với kinh phí gần 405 tỷ đồng đồng.

Đầu tư, lắp đặt một số cầu thép lắp ghép, dàn benley trên các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, Nhuệ... để kết nối giao thông khu vực 2 bên sông và dự phòng một số bộ dàn Benley để xử lý kịp thời các sự cố hư hỏng cầu do thiên tai hoặc cầu yếu trong quá trình khai thác: đầu tư, lắp đặt 5 dàn Benley, với kinh phí là 25 tỷ đồng.

Tiếp tục triển khai một số dự án nhằm thu hẹp dải phân cách đối với các tuyến đường đủ điều kiện để mở rộng tối đa mặt đường, tăng khả năng thông hành trên các tuyến đường mật độ, lưu lượng giao thông lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông: thu hẹp dải phân cách trên 9 tuyến phố với kinh phí là 225 tỷ đồng. Triển khai một số giải pháp điều chỉnh phương án tổ chức giao thông, cải tạo hạ tầng để kịp thời xóa điểm đen mất an toàn giao thông trên các tuyến đường trên địa bàn Thành phố với kinh phí là 20 tỷ đồng .

Lắp đặt, bổ sung biển báo, giá long môn, cột cần vươn, thiết bị an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, trục hướng tâm, vành đai để tăng cường năng lực đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, giảm thiếu nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông: triển khai trên 17 tuyến với kinh phí là 97 tỷ đồng. Lắp đặt hàng rào, hộ lan, dài phân cách trên các tuyến đường để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình: triển khai lắp đặt trên 7 tuyến đường với kinh phí là 45.000 triệu đồng. Mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống vận tải hành khách công cộng

Mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đảm bảo tỷ lệ đảm nhiệm vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30% - 35%: đưa vào vận hành 2 tuyến đường sắt đô thị, mở mới 50 tuyến buýt giai đoạn 2021-2025.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác đào tạo, sát hạch cấp, đổi giấy phép lái xe, công tác đăng ký, đăng kiểm xe cơ giới, nâng cao chất lượng phương tiện và người lái xe cơ giới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải, xây dựng hệ thống giao thông thông minh.

Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông với kinh phí là 29.78 tỷ đồng. Bên cạnh đó là việc phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý kiên quyết có hiệu quả các vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải, với kinh phí là 34,3 tỷ đồng

Tổng kinh phí để thực hiện chương trình mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là: 1.864,407 tỷ đồng và được phân bổ theo từng năm, bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố./.

Theo UBND thành phố Hà Nội sau 5 năm thực hiện Nghị quyết HĐND thành phố về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2020.

Ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của người dân đã từng bước được cải thiện. Nhiều công trình hạ tầng giao thông khung của Thành phố đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông so với diện tích xây dựng đô thị tăng từ 8,65% năm 2015 lên 10,07% năm 2020, bình quân tăng khoảng 0,3%/năm; Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2019 đáp ứng được 17,03% nhu cầu đi lại; năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỷ lệ VTHK công cộng đáp ứng được 14,85% nhu cầu đi lại.

Từ năm 2016, đến nay đã xử lý được 67 điểm ùn tắc giao thông; TNGT hằng năm đều giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương, bình quân mỗi năm TNGT giảm 135 vụ (giảm 9,5%), số người chết giảm 32 người (giảm 5,9%), số người bị thương giảm 153 người (giảm 14%).

Theo VOV.VN

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận