Kiểm lâm 'bó tay' trước nạn lâm tặc gùi gỗ Pơ Mu ra khỏi rừng

Thời gian qua, cơ quan chức năng huyện Krông Bông, Đắk Lắk liên tục phát hiện các vụ lâm tặc gùi gỗ Pơ Mu ra khỏi rừng.

 

Với sự tinh vi và lợi dụng sơ hở của pháp luật, các vụ việc hầu như không thể xử lý tận gốc.

Số vụ vi phạm ngày càng tăng, gỗ tang vật dần chất đống tại Hạt kiểm lâm, đồng nghĩa với việc rất nhiều gỗ lậu có thể đã đưa trót lọt ra khỏi rừng. Rừng Pơ Mu quý hiếm lớn nhất của Đắk Lắk có nguy cơ bị tận diệt.

Trực tiếp theo dõi, chỉ đạo và bắt một số vụ gùi gỗ Pơ Mu trên địa bàn, ông Trần Văn Tùng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết, thủ đoạn khai thác, vận chuyển gỗ quý của lâm tặc ngày càng tinh vi. Các đối tượng khai thác hiện nay không tập kết tập trung như trước mà để gỗ rải rác trong rừng. Sau đó, những đầu nậu không trực tiếp ra mặt mà gián tiếp thông qua một số đối tượng để thuê người dân địa phương đi gùi gỗ. Việc bắt đối tượng rất khó vì người gùi gỗ chỉ cần tháo dây đeo, bỏ chạy vào rừng sâu. Các vụ việc bắt được chỉ nhỏ lẻ, số lượng gỗ không đủ căn cứ khởi tố, xử lý hình sự. Trong khi đó, việc xử lý hành chính hiện nay lại đang vướng, cơ quan kiểm lâm chưa có chế tài: “Khi phát hiện đối tượng thì đa phần họ quăng họ chạy, nhưng vừa rồi chúng tôi cũng bắt được một số đối tượng họ gùi thuê. Quá trình xử lý vướng mắc theo Nghị định 35 về hành vi gùi. Con người thì không thể gọi là phương tiện, mà không phải phương tiện thì không thể xử lý về hành vi vận chuyển được".

Người dân địa phương được thuê gùi gỗ thuê được trả 200.000 - 300.000đồng/ngày/người (Ảnh do Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông cung cấp).

Từ đầu năm 2021 tới nay, Hạt kiểm lâm huyện Krông Bông phát hiện 35 vụ khai thác, vận chuyển gỗ Pơ Mu trái phép với tổng khối lượng 11,2m3. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, không chỉ ở Krông Bông, việc xử lý các đối tượng gùi, cõng gỗ quý ra khỏi rừng đang vướng trên toàn tỉnh. Nghị định 35 năm 2019 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp chưa có chế tài cụ thể cho hành vi gùi gỗ. Chi cục Kiểm lâm đã nhiều lần làm văn bản hỏi Tổng cục Lâm nghiệp hướng xử lý nhưng chưa được trả lời. Đối với thực trạng khai thác gỗ quý, ông Hưng khẳng định là phải có đường dây, có đầu nậu. Do đó, Chi cục đang chỉ đạo các hạt kiểm lâm đối với các vụ việc cần điều tra, làm rõ mới có thể xử lý: “Nếu không đi ngược lại chuỗi thì không có cơ sở để xử lý. Theo điều 13, Nghị định 35 thì phải xác định hành vi khai thác. Việc gùi gỗ là một hành vi trong chuỗi đó, phải kiểm tra, xác minh ngược lại. Ai thuê, gỗ vận chuyển có từ đâu, ai là người khai thác, khai thác cây gỗ nào. Chứ không thể xử lý hành vi vận chuyển, tại vận chuyển phải có phương tiện. Họ gùi trên vai không gọi là phương tiện được, không có cơ sở. Anh em hạt kiểm lâm báo không có chế tài là đúng".

Gỗ Pơ Mu bắt được qua các vụ gùi thuê dần chất đống tại Hạt Kiểm lâm. Một phách gỗ Pơ Mu thường trên dưới 1 tấc gỗ, nặng khoảng 1 tạ.

Rừng Pơ Mu quý hiếm ở Krông Bông và những rừng gỗ quý hiếm còn sót lại ở Đắk Lắk đang có nguy cơ bị tận diệt. Khác với cách thức khai thác gỗ trước đây dùng phương tiện, máy móc cơ giới vận chuyển gỗ, hiện nay lâm tặc lại dùng cách thô sơ nhất là dùng sức người để gùi, cõng, kéo gỗ ra khỏi rừng. Cách thức đơn giản nhưng lại rất hiệu quả trong việc lợi dụng sơ hở của luật, cơ quan chức năng rất khó xử lý. Điều này, đòi hỏi các cơ quan chức năng từ trung ương tới địa phương xem xét sửa đổi, điều chỉnh để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng vốn đang rất khó khăn./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận