BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết, biến chủng Omicron có sự thay đổi nhiều về đoạn gene trên protein S, do đó WHO xếp biến chủng này vào dạng “biến chủng đáng quan ngại”.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, hiện chưa có kết luận về mức độ nặng do biến chủng Omicron gây ra với con người. Các nhà khoa học còn đang nghiên cứu, theo dõi về tốc độ lây lan, mức độ nhiễm hay tỷ lệ tử vong đối với biến chủng này. Bên cạnh đó, các vaccine đang có liệu có ngăn chặn được biến chủng này hay không cũng cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Hà cho rằng, cần lấy mẫu, làm xét nghiệm sinh học phân tử để giải trình tự gene.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, biến chủng Omicron có số lượng đột biến cao bất thường, với khoảng 32 đột biến về protein gai, loại protein quyết định khả năng bám dính và xâm nhập vào các tế bào mà chúng tấn công. Đáng chú ý, biến chủng Delta chỉ có 9 đột biến tại protein gai, nên con số 32 đột biến là hết sức lớn. Vì vậy, các nhà khoa học lo ngại những đột biến đó có thể làm cho biến chủng này dễ lây lan hơn và có thể dẫn đến việc né tránh miễn dịch. Thực tế đã chứng minh điều này là đúng bởi so sánh với biến chủng Delta, Omicron dễ lây lan hơn nhiều.
TS.BS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, thông thường, phải mất vài tháng để một chủng biến thể chiếm ưu thế, lây lan trong một khu vực, trong khi biến chủng Omicron lây lan rất nhanh chóng ở Nam Phi, chỉ trong vài ngày đến vài tuần chứ không phải vài tháng.
“Trong mọi trường hợp, cần định kỳ giải trình tự gen theo tỷ lệ của các bệnh nhân mới ghi nhận, nhất là các ổ dịch mới phát sinh, ổ dịch có yếu tố lây về từ nước ngoài để không bỏ lọt những chủng virus nguy hiểm. Kèm theo đó, việc tiếp cận với các quốc gia, các hãng dược/vaccine để có được thông tin mã di truyền giúp điều chỉnh công nghệ vaccine trong nước là việc cũng phải nhắm tới ngay để có thể có sản phẩm vaccine trong nước cho tiêm mũi tăng cường đặc biệt cho chủng mới”- TS Phạm Quang Thái nêu rõ.
TS Phạm Quang Thái cũng cho biết, hiện nhiều quốc gia đã bắt đầu thực hiện các lệnh đóng cửa du lịch, đặc biệt với những quốc gia nguy cơ. Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đồng ý đưa ra các hạn chế tạm thời đối với tất cả các chuyến đi vào EU từ miền nam châu Phi vì lo ngại về biến thể này, gồm những nước Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe. Canada sẽ cấm nhập cảnh những công dân nước ngoài đã từng đi qua miền nam châu Phi trong 14 ngày qua...
Phòng ngừa biến chủng mới phải tăng thêm một bậc
Theo TS Phạm Quang Thái, đối với Việt Nam, từ kinh nghiệm chiến đấu với chủng Delta trong thời gian qua cho thấy, chỉ cần lọt một trường hợp đã có thể để lại những hậu quả rất lớn. Việc dự phòng và kiểm soát đối với chủng mới là vấn đề mang tính sống còn. Do đó, trong khi còn trong giai đoạn biến chủng mới chưa xuất hiện, công tác chuẩn bị và phòng ngừa lại phải tăng cường thêm một bậc.
“Ngành y tế cần bám sát thông tin lưu hành của biến chủng và khuyến nghị tăng cường rà soát nhập cảnh với các quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến chủng mới. Ngành an ninh cần kiện toàn sớm hệ thống kiểm soát định danh để trong thời gian ngắn nhất xác định được các tiếp xúc nguy cơ nếu xác định được trường hợp đầu tiên. Công tác truyền thông cũng cần tăng cường trong thời gian tới nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức và tự dự phòng tốt hơn”- TS Phạm Quang Thái nêu rõ.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, mặc dù các nhà khoa học vẫn còn đang nghiên cứu về biến chủng Omicron, song Việt Nam cũng cần có kế hoạch để ứng phó. Tuy nhiên ông Nga cho rằng, chúng ta không nên hoảng loạn vì chưa có kết luận về việc biến chủng này có tăng tỷ lệ tử vong ở người bệnh.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, trước lo ngại biến chủng mới, chúng ta phải cảnh giác, thắt chặt biên giới, kiểm soát chặt những người đi từ Nam Phi về. “Tất cả các nước châu Âu đã báo động thì hệ thống cảnh báo của chúng ta cũng nên báo động, có phương án dự phòng trước. Khi có thông tin cụ thể biến chủng này không quá nguy hiểm thì có thể dỡ báo động”- PGS Nga cho hay.
Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM, người dân không nên quá lo lắng với biến chủng Omicron. Hiện nay biện pháp phòng dịch hiệu quả nhất vẫn là vaccine + 5K./.
Sáng 30/11, tại buổi làm việc giữa Bộ Y tế với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại khu vực Đông Nam Á và Chương trình An ninh Y tế toàn cầu CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam để trao đổi thông tin về cách thức phòng, chống biến chủng Omicron, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến sáng 30/11, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 với biến thể này. Để chủ động ứng phó và kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong nước và đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào Việt Nam từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, ngày 28/11, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.
Lãnh đạo Bộ Y tế cùng đại diện WHO, CDC Hoa Kỳ Khu vực Đông Nam Á và CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đã thống nhất sẵn sàng chia sẻ và cập nhật kết quả giải trình tự gene các ca bệnh COVID-19 để có thêm thông tin cùng tìm phương pháp ứng phó.
"Bộ đang phối hợp chặt chẽ với WHO, CDC trong công tác phòng chống dịch COVID-19, cũng như trong ứng phó với biến chủng mới. Người dân cần tuân thủ các quy định phòng chống dịch, tuy nhiên không nên quá hoang mang, lo lắng"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ.
Theo VOV.VN