Trước sự xuất hiện của biến thể mới được cho là có khả năng lây lan quá mạnh, làm tăng mức độ nặng và giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ngay lập tức triệu tập một nhóm chuyên gia, Nhóm tư vấn kỹ thuật về sự tiến hóa của virus, để đánh giá biến thể này và đã chỉ định biến thể này là một biến thể đáng quan ngại mới với tên gọi là Omicron. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu ở Nam Phi và khắp nơi trên thế giới đang tiến hành các nghiên cứu để hiểu rõ hơn về nhiều khía cạnh của Omicron và sẽ tiếp tục chia sẻ những kết quả của những nghiên cứu này ngay khi có số liệu.
Để có những góc nhìn về những đánh giá ban đầu về những đột biến của biến thể Omicron, phóng viên VOV đã phỏng vấn TS Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam.
PV: Thưa TS Kidong Park, biến thể COVID-19 mới mang tên Omicron được WHO đưa ra đánh giá, nhận định ban đầu như thế nào?
TS Kidong Park: Về khả năng lây lan, vẫn chưa rõ ràng rằng liệu Omicron có dễ lây lan hơn so với các biến thể khác, bao gồm cả Delta hay không (ví dụ: dễ lây lan từ người sang người hơn). Số lượng người có kết quả xét nghiệm dương tính đã tăng lên ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi biến thể này tại Nam Phi, nhưng các nghiên cứu dịch tễ học đang được tiến hành để tìm hiểu xem liệu đó có phải là do Omicron hay các yếu tố khác gây ra hay không.
Về mức độ nghiêm trọng của bệnh, hiện tại vẫn chưa rõ liệu nhiễm Omicron có gây ra bệnh nặng hơn so với nhiễm với các biến thể khác, bao gồm cả Delta hay không. Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ nhập viện ngày càng tăng ở Nam Phi, nhưng điều này có thể là do tổng số người bị nhiễm bệnh ngày càng tăng, chứ không phải là kết quả của nhiễm chủng Omicron.
Về nguy cơ tái nhiễm, bằng chứng ban đầu cho thấy có thể có tăng nguy cơ tái nhiễm Omicron (tức là những người đã từng mắc COVID-19 có thể bị tái nhiễm dễ dàng hơn với Omicron), so với các biến thể đáng quan ngại khác, nhưng thông tin vẫn còn hạn chế. Thông tin về vấn đề này sẽ được cập nhật thêm trong những ngày và tuần tới.
Về hiệu quả của vaccine, WHO đang làm việc với các đối tác kỹ thuật để hiểu tác động tiềm tàng của biến thể này đối với các biện pháp ứng phó hiện có của chúng ta, bao gồm cả vaccine. Vaccine vẫn rất quan trọng trong việc giảm thiểu bệnh nặng và tử vong, bao gồm cả việc chống lại virus đang lưu hành chủ yếu, chủng Delta. Các loại vaccine hiện tại vẫn có hiệu quả chống lại bệnh nặng và tử vong.
Về hiệu quả của các xét nghiệm, xác xét nghiệm PCR được sử dụng rộng rãi tiếp tục phát hiện nhiễm khuẩn, bao gồm cả nhiễm Omicron và các biến thể khác. Các nghiên cứu đang được tiến hành để xác định xem liệu có bất kỳ ảnh hưởng nào đến các loại xét nghiệm khác, bao gồm cả xét nghiệm kháng nguyên nhanh hay không.
Về hiệu quả của các phương pháp điều trị hiện tại, các phương pháp điều trị được sử dụng hiện tại vẫn sẽ có hiệu quả trong việc quản lý bệnh nhân bị COVID-19 nặng.
Trong những ngày tới, WHO sẽ tổ chức một cuộc họp để điều phối và sắp xếp các nghiên cứu toàn cầu về vấn đề này. Song song đó, Nhóm Cố vấn Kỹ thuật của chúng tôi về Cấu phần vaccine COVID-19 đang được triệu tập để thảo luận về dữ liệu hiện có và các nghiên cứu cần được ưu tiên nhằm hỗ trợ đưa ra các quyết định về hiệu quả vaccine. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là vaccine vẫn rất quan trọng để giảm bệnh nặng và tử vong.
PV: Từ những phân tích ban đầu này, WHO đưa ra cảnh báo gì đối với các quốc gia và người dân về biến thể mới này?
TS Kidong Park: Vì Omicron đã được chỉ định là Biến thể đáng quan ngại, WHO khuyến nghị các quốc gia thực hiện một số hành động, bao gồm: Tăng cường giám sát và giải trình tự các ca bệnh; chia sẻ trình tự bộ gen trên cơ sở dữ liệu có sẵn một cách công khai, ví dụ như GISAID; báo cáo các ca bệnh hoặc cụm dịch bệnh ban đầu cho WHO; thực hiện các cuộc điều tra thực địa và đánh giá trong phòng thí nghiệm để hiểu rõ các đặc điểm của Omicron về lây truyền hoặc bệnh tật hay tác động đến hiệu quả của vaccine, phương pháp điều trị, chẩn đoán hoặc các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng.
Các quốc gia cần tiếp tục thực hiện các biện pháp y tế cộng đồng hiệu quả để giảm lây lan COVID-19 nói chung, sử dụng phương pháp phân tích nguy cơ và cách tiếp cận dựa trên cơ sở khoa học. Các quốc gia nên tăng cường một số năng lực y tế và sức khỏe cộng đồng để quản lý tình hình tăng các ca bệnh. WHO đang sẵn sàng cung cấp cho các quốc gia sự hỗ trợ và hướng dẫn để ứng phó.
Ngoài ra, điều rất quan trọng là sự bất bình đẳng trong tiếp cận với vaccine COVID-19 cần được giải quyết khẩn cấp để đảm bảo rằng các nhóm dễ bị tổn thương ở khắp mọi nơi, bao gồm cả nhân viên y tế và người cao tuổi, nhận được liều đầu tiên và liều thứ hai, cùng với việc tiếp cận điều trị và chẩn đoán một cách công bằng.
Đối với các cá nhân, WHO sẽ nhắc nhở thực hiện 5K và vaccine nhất quán: giữ một khoảng cách vật lý với những người khác; đeo khẩu trang vừa vặn; tránh không gian thông gió kém hoặc đông đúc; giữ vệ sinh tay sạch sẽ; tuân thủ việc khai báo y tế; và tiêm phòng khi đến lượt.
PV: Xin cám ơn TS Kidong Park./.
Theo Vũ Dũng/VOV