Cả làng không có hộ khẩu, dự án ổn định dân cư vẫn trên giấy

Để ổn định cuộc sống người dân, năm 2020, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có chủ trương đầu tư dự án cấp bách ổn định dân cư tự do tại Vụ Bổn.

 

Tuy nhiên việc thực hiện dự án quá chậm trễ và có nguy cơ bị thu hồi vốn...

Xã Vụ Bổn, huyện Krông Păk tỉnh Đắk Lắk có hơn 2.500 người dân di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào sinh sống. Hàng chục năm qua, đời sống của bà con còn rất khó khăn, hầu hết không có hộ khẩu, không có chứng minh nhân dân và khó tiếp cận các chính sách ưu đãi.

Để ổn định cuộc sống người dân, năm 2020, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có chủ trương đầu tư dự án cấp bách ổn định dân cư tự do tại Vụ Bổn. Tuy nhiên việc thực hiện dự án quá chậm trễ và có nguy cơ bị thu hồi vốn.

Ông Giàng A Giang, dân tộc H’Mông, quê ở tỉnh Sơn La đã đến sinh sống tại thôn 12, xã Vụ Bổn, huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk từ năm 2009. Ông cho biết, gần như cả thôn không có hộ khẩu, không có chứng minh nhân dân, rất khó tiếp cận các chế độ chính sách ưu đãi.

Con cái lấy vợ gả chồng không thể đăng ký kết hôn, trẻ em sinh ra được làm giấy khai sinh thì chỉ mang họ mẹ, trái với phong tục của người H’Mông. Bản thân ông A Giang hiện đang làm thôn phó thôn 12, nhưng cũng chưa có hộ khẩu và chứng minh nhân dân. Bà con mong mỏi từng ngày dự án ổn định dân cư.

 

“Cho đến nay những thủ tục hành chính thì xã, thôn cũng quan tâm nhưng không đủ điều kiện làm hộ khẩu, chứng minh thư rồi khai sinh cho con. Gặp rất nhiều khó khăn cho bà con ở đây, thiệt thòi cho bà con rất nhiều. Dự án tái định cư cho làng Mông ở đây thì cấp trên bảo có đấy, cứ chờ thôi nhưng không biết chờ đến bao giờ. Thì bây giờ mong mỏi của bà con là Đảng, Nhà nước sớm quan tâm làm đất thổ cư, rồi cho bà con ổn định đời sống, có quyền lợi cho bà con để sống an tâm hơn”, ông Giàng A Giang nói.

Ông Lê Ngọc Tú, Phó chủ tịch UBND xã Vụ Bổn, huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, toàn xã có gần 500 hộ dân với hơn 2.500 nhân khẩu di cự tự do từ các tỉnh phía Bắc vào sinh sống tại 5 thôn, trong đó tập trung đông nhất tại thôn 12.

Hiện gần như toàn bộ bà con đang sinh sống và canh tác trên đất có nguồn gốc lâm nghiệp. Theo quy định thì không làm được sổ hộ khẩu thường trú lẫn tạm trú cho bà con, dẫn đến những giấy tờ tuỳ thân khác cũng không làm được. Do đó, chính quyền xã cũng rất mong muốn các cấp có thẩm quyền triển khai thật nhanh dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do tại Vụ Bổn.

“Đất ở, đất sản xuất của bà con là không có rồi đến nước sạch, vệ sinh môi trường cho đến các vấn đề khác liên quan đến an sinh xã hội đối với bà con cũng gặp rất nhiều khó khăn. Sổ tạm trú theo quy định không cấp được, rồi sổ hộ khẩu cũng không làm được cho bà con. Về dự án thì địa phương cũng rất mong mỏi các cấp quan tâm, tạo điều kiện để có thể xúc tiến thật nhanh dự án để ổn định đời sống bà con nhân dân. Tiện cho công tác quản lý hành chính của địa phương cũng như đáp ứng yêu cầu về an sinh xã hội”, ông Tú cho hay.

Người dân và chính quyền cơ sở mong mỏi là vậy nhưng “Dự án bố trí ổn định dân di cư tự do tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk” lại có nguy cơ bị thu hồi vốn do triển khai quá chậm. Ông Phạm Văn Hạ, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, chủ đầu tư dự án cho biết, triển khai từ tháng 7/2020, dự án này có tổng mức đầu tư hơn 318 tỷ đồng, thuộc nhóm B, thực hiện bằng vốn ngân sách Trung ương. Dự án có mục tiêu cung cấp đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội cho 484 hộ, 2.510 nhân khẩu tại Vụ Bổn.

Đất ở và đất sản xuất có nguồn gốc lâm nghiệp là một trong những lý do khiến hàng nghìn người dân Vụ Bổn hàng chục năm không có hộ khẩu, không chứng minh nhân dân.

Là dự án cấp bách nhưng ngay trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư đã bị vướng, có nguy cơ bị thu hồi vốn. Hơn 1 năm qua, luỹ kế vốn bố trí cho dự án ổn định dân di cư tự do tại xã Vụ Bổn được 15 tỷ đồng, nhưng hiện mới giải ngân chưa đạt 2 tỷ đồng. Dự án chậm triển khai, một phần là vì quy trình, thủ tục đầu tư còn nhiều điểm chưa hợp lý, nhưng quan trọng là các sở, ban, ngành của tỉnh Đắk Lắk chưa thực sự vào cuộc, thiếu trách nhiệm.

“Các sở ngành đáng lẽ phải tổ chức hội đồng thẩm định họp để chủ đầu tư và tư vấn báo cáo, giải trình và các anh nghe có ý kiến phản biện ngay, để tranh luận, có thông tin hai chiều và để thống nhất giữa các sở ngành, lĩnh vực. Nhưng đây cứ vác văn bản cho các sở ngành lấy ý kiến, vừa lâu và thông tin chỉ một chiều thôi, cứ trả đi trả về, lâu là do thẩm định phương pháp bằng văn bản. Trách nhiệm ở đây là chỉ trả về thôi, chưa làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ. Trong trường hợp như vậy thì phải có hướng xử lý chứ không phải cứ trả về cho chủ đầu tư muốn làm gì thì làm, thì chúng tôi tắc. Kiểm điểm chúng tôi chấp nhận thôi”, ông Phạm Văn Hạ phân tích.

Dự án ổn định dân di cư tự do tại xã Vụ Bổn chỉ là một trong 3 dự án sử dụng vốn ngân sách dự phòng Trung ương triển khai năm 2021 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có nguy cơ bị thu hồi vốn.

Hai dự án còn lại là “Dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do cho đồng bào Mông xã Ea Đăh, huyện Krông Năng” với tổng mức đầu tư 168 tỷ đồng; và “Dự án kè chống sạt lở bờ sông Krông Pách và đê bao ngăn lũ đoạn qua xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc” với tổng mức đầu tư 128 tỷ đồng.

Sự thiếu trách nhiệm của các bên liên quan là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ của các dự án được đánh giá là quan trọng, cấp bách này. Hiện chủ đầu tư và các sở ngành đang giải trình với Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ Đắk Lắk về nguyên nhân chậm triển khai và hướng khắc phục./.

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận