Hàng loạt công trình cao tầng vẫn đang phá vỡ quy hoạch khu phố cổ, phố cũ Hà Nội

Từ quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đến đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử các quận của Hà Nội đều hạn chế các công trình trong khu vực phố cổ, phố cũ.

 

Từ “Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc Khu phố cũ Hà Nội” (năm 2015) đến các Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử - năm 2021) đều thống nhất quan điểm không xây dựng các nhà cao tầng trong khu vực phố cổ, phố cũ.

Cụ thể, năm 2021, đồ án quy hoạch H1-1 (quận Hoàn Kiếm) được công bố khẳng định khu vực phố cổ, phố cũ quy hoạch các chức năng chủ yếu: Trung tâm văn hóa hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư, di tích lịch sử-văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng. Khu phố cũ là khu đô thị cũ có nhiều công trình có giá trị lịch sử và văn hóa, kiến trúc. Các chức năng chủ yếu: Di tích lịch sử - văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở, cơ quan, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hóa, y tế và các chức năng công cộng khác…

Theo đó, khu vực phố cổ, phụ cận hồ Hoàn Kiếm các công trình xây dựng ở mức từ 3 - 4 tầng chiều cao không quá 16m. Khu phố cũ được xây từ 4-6 tầng chiều cao từ 16 - 22 m.

Tuy nhiên, ngay trong khu vực phố cổ, phố cũ những công trình cao tầng phá vỡ quy hoạch vẫn được xây dựng, hoàn thiện. Như tại phố Hàng Bông khu vực hạn chế chỉ được xây mức 3 - 4 tầng (mặt ngoài 3 tầng giật cấp bên trong là 4 tầng). Nhưng dọc trên phố Hàng Bông không ít những nhà cao tầng, có những công trình vừa hoàn thiện xong nhưng cũng có những công trình đang xây dựng và vượt quá quy định, từ 5 đến 8 tầng vẫn tồn tại.

Tại khu vực vườn hoa 19 tháng 8, ngã tư phố Hai Bà Trưng - Phan Chu Trinh một công trình 7 tầng cũng đang được hoàn thiện trong khi quy định “Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc Khu phố cũ Hà Nội” mặt ngoài của công trình chỉ được xây 4 tầng (giật cấp lớp sau là 5 tầng). Dù đây là khu vực quảng trường và có công trình kiến trúc Nhà hát Lớn.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, quy định cụ thể, chặt chẽ về kiến trúc đã có nhưng vẫn xảy ra sai phạm, đây là trách nhiệm của chính chủ công trình và chính quyền các cấp trong quản lý. Chúng ta cần giám sát, làm nghiêm, xử lý các sai phạm không để “quy hoạch chỉ là quy hoạch” không sát với thực tế. Khu vực nội đô lịch sử, khu phố cổ, phố cũ có những giá trị lớn về kiến trúc, văn hóa và lịch sử cần được bảo vệ.

Đầu phố Hàng Bông, một khách sạn 10 tầng đã được hoàn thiện, dù quy định ở khu vực này tối đa từ 4 - 6 tầng.

“Tuy nhiên, cũng phải tách bạch rõ ràng, những vi phạm xây dựng để mục đính kinh doanh thương mại cần phải xử lý, đánh giá trách nhiệm trong quản lý, những sai phạm do nhu cầu ở bức thiết của người dân thì cũng cần phải có giải pháp. Nhà ở của người dân trong khu phố cổ, phố cũ quá chật hẹp, nhiều thế hệ ở cùng, nhà nước phải tính đến phương án hỗ trợ người dân được mua thêm diện tích tái định cư nơi khác để giãn dân, giảm áp lực về mật độ và giảm những vi phạm về xây dựng do nhu cầu ở thực” - ông Nguyễn Thế Điệp nói.

Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Kiến trúc sư Trưởng Hà Nội, khu phố cổ Hà Nội không chỉ là đặc trưng của Hà Nội, việc bảo tồn phố cổ không chỉ bảo tồn về mặt kiến trúc, khu phố cổ còn có giá trị về kinh tế, về văn hóa. Tuy nhiên, nó cũng bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến giải pháp để bảo tồn khu phố cổ. Quy hoạch phố cổ đã đi vào cuộc sống nhưng chưa được thực hiện một cách đồng bộ...

“Trước hết là bảo tồn hình dáng, không gian và kiến trúc cảnh quan phố cổ. Chúng ta cần kiên quyết xử lý triệt để những vi phạm trong quy hoạch phố cổ. Tập trung quản lý và bảo tồn những công trình kiến trúc có giá trị. Cần nhận diện kiến trúc nào cần bảo tồn, những kiến trúc nào phải giảm bớt đi” - TS. Đào Ngọc Nghiêm nói./.

Hoài Lam/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận