Khởi động chiến dịch 'Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì'

Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì - chiến dịch y tế công cộng nhằm nâng cao nhận thức về dự phòng HIV và loại bỏ những kỳ thị liên quan đến HIV.

 

Cục Phòng, Chống HIV/AIDS (VAAC) khởi động chiến dịch về dự phòng HIV tại Việt Nam với chủ đề “Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì”.

Chiến dịch sẽ được triển khai từ ngày 17/11 đến 15/12 cùng với các hoạt động khác nhằm hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới Phòng chống AIDS năm 2021. Chiến dịch sẽ tạo ra những đóng góp vào nỗ lực đạt được mục tiêu quốc gia về kết thúc đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

“Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì” nhằm quảng bá các biện pháp dự phòng HIV mới nhất - so sánh sự tương phản giữa những khó khăn của tình yêu với sự dễ dàng, an toàn và hiệu quả trong việc áp dụng các phương pháp mới nhất hiện nay trong sử dụng các thuốc kháng virus để dự phòng HIV. Chiến dịch giúp thúc đẩy nhận thức của người dân nói chung và nhóm người trẻ có hành vi nguy cơ cao rằng: với những loại thuốc an toàn và hiệu quả trong dự phòng lây truyền HIV, không có lý do gì để e ngại khi biết về tình trạng HIV của một ai đó; và chiến dịch cũng muốn chuyển tải thông điệp: chúng ta đang sống trong một thời đại khi mà tình trạng HIV không còn là vấn đề gây cản trở khi nói về các mối quan hệ, tình yêu và chăm sóc sức khỏe.

Chia sẻ về bối cảnh xã hội của chiến dịch này, TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, Chống HIV/AIDS nhấn mạnh: trong gần 40 sự kiện mà Cục cùng các đối tác thực hiện, có một chiến dịch quan trọng “Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì” nhắm đến những người trẻ, đặc biệt là những người đang có nguy cơ cao đối với HIV. Chiến dịch này quảng bá một thông điệp then chốt là: hiện nay, việc phòng ngừa và điều trị HIV bằng thuốc kháng virus (ARV) là an toàn và hiệu quả hơn bao giờ hế… vì thế, mọi người có nhu cầu cần tiếp cận dịch vụ này càng sớm càng tốt để được tư vấn và nhận dịch vụ.

Chiến dịch truyền thông này thúc đẩy ý tưởng rằng việc biết được tình trạng HIV của bản thân có thể tạo điều kiện, động lực cho mọi người bắt đầu điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) nếu họ có HIV âm tính hoặc điều trị kháng virus (ARV) nếu họ có HIV dương tính. Với, một người có H điều trị bắng ARV khi đạt được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (nói cách khác, không phát hiện được virus trong cơ thể người đó) sẽ không làm lây truyền virus HIV sang cho bạn tình của họ. Đây chính là nội dung thông điệp “Không phát hiện = Không lây truyền” (K=K).

Với PrEP và K=K, không có lý do gì để sợ hãi về việc biết về tình trạng HIV của ai đó nữa bởi vì cả hai công cụ này đều an toàn và hiệu quả để giúp bạn giữ vững sức khỏe và dự phòng lây truyền cho bản thân hoặc những người khác. Đồng thời, cũng không còn lý do gì nữa để e ngại khi đến với các mối quan hệ trái dấu, trong đó một người có H và người kia thì không, hoặc phân biệt đối xử với những bạn tình có HIV. Một thế giới mà trong đó tình trạng HIV không còn là vấn đề nữa trong các mối quan hệ, trong tình yêu, và các hoạt động chăm sóc sức khỏe hay còn được gọi là “trạng thái trung tính”.

Chiến dịch cũng kêu gọi chăm sóc y tế dành cho mọi người một cách bình đẳng, bất kể tình trạng HIV, với sự tiếp cận an toàn và hiệu quả với các thuốc ARV để giữ sức khỏe và dự phòng lây truyền. Cách tiếp cận này giúp bình thường hóa các xét nghiệm HIV thường quy và tạo điều kiện cho các chăm sóc không kỳ thị dành cho cả người có H lẫn không có H.

TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, tính từ đầu năm 2021 tới nay cả nước ghi nhận 10.925 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84,8% là nam giới, trong đó tới 46% là độ tuổi chủ yếu từ 16 - 29 và 29% là độ tuổi từ 30  39, nguyên nhân chủ yếu do quan hệ tình dục không an toàn. Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao giảm nhưng tỷ lệ này trong nhóm MSM đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới triển khai cung ứng sinh phẩm tự xét nghiệm HIV qua trang thông tin điện tử, hiện đang triển khai tại Cần Thơ, Hà Nội, Nghệ An và Bình Dương bước đầu ghi nhận kết quả khoảng 10% người nhận sinh phẩm có phản hồi kết quả “có phản ứng” và được kết nối với dịch vụ xét nghiệm khẳng định và điều trị ARV.

Theo ông Cảnh, việc hướng dẫn địa phương triển khai nhiều chiến dịch trực tuyến mang tên “Hãy ở nhà và tự xét nghiệm” đã đưa ra phương án lựa chọn cho phép mọi người có thể đặt hàng bộ tự xét nghiệm qua điện thoại, tin nhắn hoặc qua nền tảng đặt hàng trực tuyến. Hoạt động này có ý nghĩa duy trì sự sẵn có của dịch vụ tự xét nghiệm HIV trong và sau lệnh phong tỏa do Covid-19 là một biện pháp cần thiết để đảm bảo những người có nguy cơ nhiễm HIV, trong đó bao gồm cả những người chưa từng thực hiện xét nghiệm HIV trước đó, có thể tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV an toàn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 mà không bị gián đoạn./.

PV

 

Bình luận

    Chưa có bình luận