Nhận thức của người dân về sở hữu trí tuệ đã tốt hơn

Những tranh cãi liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ gần đây là chỉ dấu tốt của một xã hội dần trở nên văn minh.

 

Ở Việt Nam, sở hữu trí tuệ là lĩnh vực xảy ra nhiều tranh chấp. Điển hình là tranh chấp gần đây giữa nhạc sĩ Giáng Son và Công ty BH Media với ca khúc Giấc mơ trưa. Câu chuyện đó một lần nữa xới lên những hiểu nhầm, nhận thức sai lệch về tác quyền, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở Việt Nam.

Thực trạng đáng buồn

Tình trạng xâm phạm quyền SHTT và các quyền liên quan ở Việt Nam diễn ra nghiêm trọng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có âm nhạc, văn học, nghệ thuật. Thế nhưng đặc điểm của giới văn nghệ sĩ là khá cảm tính và không muốn dính líu nhiều đến các tranh chấp, kiện tụng. Nhiều vụ việc về quyền tác giả, quyền liên quan đã kết thúc bằng một cái lắc đầu: “Thôi thì anh em nghệ sĩ đóng cửa bảo nhau”. Nguyên nhân của tình trạng này là thói quen văn hóa đã ăn sâu bám rễ vào công chúng. Một nguyên nhân khác nữa là hệ thống luật pháp về SHTT ở Việt Nam mới chỉ ở mức tiệm cận và đáp ứng được các công ước quốc tế về SHTT mà Việt Nam là thành viên như Công ước Berne và Hiệp định Xuyên Á Thái Bình Dương (CPTPP), chứ chưa bao phủ hết tình hình thực tế.

Hậu quả của việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là làm thui chột khả năng sáng tạo, nhu cầu sáng tạo của những người sáng tạo (ở đây có thể là nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn, có thể là nhà sáng chế...). Do thành quả lao động trí tuệ không được bảo vệ đúng mức, người sáng tạo không được những lợi ích vật chất tương xứng với lao động sáng tạo của họ. Tiếp đó là hậu quả đối với người tiêu dùng và xã hội nói chung, bởi họ không còn được thụ hưởng những tác phẩm, sản phẩm tốt, mà chỉ những bản sao chép, hàng lậu, hàng nhái mà vẫn phải trả với mức giá của tác phẩm gốc, sản phẩm chính hàng. Đây là điều đáng tiếc xét về mặt xã hội nói chung.

Hậu quả tiếp theo là đối với nền kinh tế. Trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0 hiện nay, giá trị của SHTT trong các hàng hóa/dịch vụ được đưa ra thị trường chiếm một tỷ trọng khá lớn. Nếu như quyền SHTT không được bảo hộ một cách đầy đủ, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài, sẽ ngần ngại khi đầu tư vào thị trường Việt Nam do rủi ro tài sản trí tuệ bị mất cắp hay đơn giản là không được bảo vệ đúng mức. Nguồn lực từ đầu tư nước ngoài là hết sức quan trọng trong nền kinh tế hiện nay, và việc giảm nguồn lực này chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Nhạc sĩ Giáng Son và Công ty BH Media tranh chấp ca khúc Giấc mơ trưa.

Tranh cãi là chỉ dấu tốt cho xã hội văn minh

Điều đáng mừng là thời gian gần đây nhận thức của người dân về vấn đề SHTT đã tốt hơn. Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Luật Tầm nhìn và Liên danh, thành viên Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho rằng: "Công chúng đã quan tâm nhiều hơn những vụ việc về quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng và về SHTT nói chung. Gần đây, tôi nhận thấy các bên có liên quan tới những tranh chấp hay xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đã lên tiếng với công luận, đã dám đưa vụ việc của mình ra trước các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay thậm chí là tòa án để giải quyết, dám theo đuổi vụ việc và chấp nhận thủ tục tố tụng kéo dài, tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, thậm chí nhờ đến luật sư để bảo vệ tốt hơn quyền lợi chính đáng của mình. Từ góc độ nghề nghiệp của mình, tôi thấy đây là điều đáng mừng".

Từ những tranh chấp gây ồn ào dư luận thời gian qua, luật sư Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, đó là chỉ dấu tốt của một xã hội dần trở nên văn minh, nơi mà các quyền SHTT được tôn trọng và thực thi đúng mực. Các chủ thể quyền (tác giả, nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình…) cần tự nâng cao ý thức pháp luật của chính mình trong lĩnh vực SHTT. “Tôi khuyến nghị các chủ thể quyền tham khảo ý kiến tư vấn của luật sư trước khi tham gia vào mỗi giao dịch thương mại liên quan tới quyền SHTT, đặc biệt là khi giao dịch đó có liên quan tới hợp đồng, để tránh các tranh chấp phát sinh do hợp đồng được soạn một cách không đầy đủ, rõ ràng, dẫn đến các cách hiểu khác nhau. Khi có tranh chấp, nếu như không thể hòa giải hữu nghị mà buộc phải dùng đến các biện pháp pháp lý để giải quyết, thì sự tham gia của luật sư cũng là hết sức cần thiết để bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho chủ thể”, luật sư Nguyễn Thị Thu Hà nêu ý kiến.

Luật sư Hà cho biết thêm, Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam luôn theo sát dự thảo Luật SHTT sửa đổi qua từng dự thảo và đã có những đóng góp chi tiết, liên quan tới mọi lĩnh vực của Luật SHTT gửi tới Ban soạn thảo, cũng như sẵn sàng có những tư vấn và hỗ trợ kịp thời cho các chủ thể quyền nếu có nhu cầu. "Chúng tôi nhận thấy, Ban soạn thảo đã có nhiều tiếp thu đối với ý kiến đóng góp, thể hiện qua các thay đổi trong từng lần dự thảo, cũng như trong các trao đổi về dự án Luật SHTT sửa đổi trong kỳ họp Quốc hội vừa qua".

: Mong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi được thông qua đúng kế hoạch

 “Hệ thống pháp luật thực thi quyền hiện nay chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng và thống nhất. Điều này dẫn tới cách hiểu, cách giải thích khác nhau về cùng một điều luật, từ các cơ quan khác nhau, và như vậy, rõ ràng là giảm tính hiệu quả của hệ thống pháp luật trong lĩnh vực thực thi quyền. Về biện pháp thực thi quyền, hiện nay, mặc dù pháp luật quy định 3 biện pháp xử lí xâm phạm quyền SHTT, đó là biện pháp dân sự, biện pháp hành chính và biện pháp hình sự, nhưng trên thực tế, biện pháp hành chính là biện pháp cơ bản để giải quyết các hành vi xâm phạm quyền SHTT, chiếm tới 90% các vụ xâm phạm quyền. Chúng tôi hy vọng là Luật SHTT sửa đổi sẽ được hoàn thiện và thông qua đúng kế hoạch vào tháng 5/2022, và sau đó tình hình bảo hộ cũng như thực thi quyền SHTT sẽ có nhiều bước tiến rõ nét hơn nữa so với hiện nay”, luật sư Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Luật Tầm nhìn và Liên danh,

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận