Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, tỉnh Tiền Giang đã thành lập hệ thống trạm y tế rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng bước đầu nhiều trạm y tế lưu động hoạt động có hiệu quả, góp phần cùng với chính quyền và nhân dân địa phương từng bước đẩy lùi đại dịch.
Từ tháng 7 năm nay, xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho thành lập Trạm y tế lưu động đặt tại Trường mầm non Mạ Xanh (thuộc ấp Bình Phong). Dù chỉ có 6 thành viên gồm: các y sĩ, cử nhân nữ hộ sinh, bác sĩ y học cổ truyền, cán bộ công an, quân sự xã, nhưng trạm y tế lưu động xã Tân Mỹ Chánh đã ngày đêm tích cực với các hoạt động: truy vết tầm soát F0, F1, chăm sóc, quản lý người mắc Covid-19 tại nhà, tư vấn, sơ cứu, khám, điều trị và cấp thuốc cho người mắc các bệnh khác. Đa số các thành viên của trạm kiêm nhiệm, nhưng qua “đường dây nóng” sẵn sàng có mặt kịp thời để làm nhiệm vụ.
Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Diệu, trưởng trạm y tế lưu động xã Tân Mỹ Chánh, Thành phố Mỹ Tho chia sẻ: “Trạm y tế lưu động phục vụ dưới cộng đồng. Chúng tôi chăm sóc sức khỏe khi họ cần thì đi, nhất là trong các khu phong tỏa, các F0, F1 khi có vấn đề về sức khỏe, thì chúng tôi phục vụ. Dù nửa đêm khi có thông tin qua điện thoại có ca trở nặng, mọi người cũng tích cực làm".
Đến thời điểm này, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định thành lập 172 trạm y tế lưu động ở 100% các xã, phường thị trấn theo Quyết định số 4042 của Bộ Y tế. Trong đó, các đơn vị sớm có 100% xã, phường, thị trấn đều thành lập trạm y tế lưu động và ổn định hoạt động là huyện Chợ Gạo (19 trạm), Gò Công Tây (13 trạm), Thành phố Mỹ Tho (17 trạm).
Thực tế tại Tiền Giang, đa số các Trạm y tế lưu động sử dụng cơ sở vật chất của Nhà văn hóa ấp, liên ấp và Nhà văn hóa xã, thị trấn, trường học làm trụ sở làm việc; được trang bị cơ bản các trang thiết bị y tế. Mỗi Trạm y tế lưu động có từ 5-6 nhân lực gồm bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ y học cổ truyền và các tình nguyện viên hoặc cán bộ công an, quân sự...
Các trạm y tế chấp hành sự chỉ đạo, phân công của Ban chỉ đạo, Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch bệnh Covid-19 cấp cơ sở; tích cực triển khai các nhiệm vụ theo quy định. Dù ngày, đêm, mưa gió, các thành viên trạm y tế lưu động đều bám sát địa bàn, khu phong tỏa, trực điện thoại, lắng nghe thông tin, đề nghị của người dân để phục vụ kịp thời. Công việc này khá vất vả và hiểm nguy, nhất là thời điểm dịch bệnh bùng phát nhưng vì trách nhiệm của mình, cán bộ, nhân viên trạm y tế lưu động phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Với sự hỗ trợ tích cực của các trạm y tế lưu động đã giúp cho 114 trong tổng số hơn 200 F0 điều trị tại nhà đã khỏi bệnh và còn hơn 90 F0 đang tiếp tục điều trị tại nhà.
Theo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, đến nay toàn tỉnh đã điều trị khỏi bệnh cho hơn 15.500 ca, chiếm gần 83% tổng số F0 toàn tỉnh. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có trên 6.700 người là F1, F2 và người về từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe tại nhà.
Ông Nguyễn Minh Quang, người dân xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo cho biết, trạm y tế lưu động rất cần thiết lúc này nhưng “đường dây nóng” của trạm phải luôn nóng để tiếp nhận thông tin, yêu cầu cấp thiết của người dân. Ông Quang bày tỏ: "Trạm y tế lưu động nằm trong nhà văn hóa xã. Tôi thấy trạm y tế này lúc nào ban đêm cũng có trực hết. Mỗi xã cần thiết có 1 trạm y tế để chống dịch. Trạm y tế lưu động cần phải có “đường dây nóng” hoặc thông báo lên cho toàn dân để biết, để khi có dịch bệnh người dân cần liên hệ để đến kịp thời".
Huyện Gò Công Tây được đánh giá là đơn vị có hệ thống trạm y tế lưu động hoạt động ổn định, có chất lượng nhất trong tỉnh. Toàn huyện có 13 trạm y tế lưu động ở 13 xã, thị trấn; các trạm đều có ít nhất 1 bác sĩ và được bổ sung các trang thiết bị cần thiết từ nguồn xã hội hóa hoặc vận động nhà tài trợ.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Gò Công Tây chia sẻ: “Trạm y tế lưu động ở dưới này có ưu thế hơn các nơi khác là xin được từ TP.HCM các bình ôxy sau khi giải thể các bệnh viện dã chiến với các nhóm từ thiện cho nhiều bình ô xy và máy tạo ô xy khí trời. Còn lại chỉ cấp nhiệt kế, huyết áp cho bệnh nhân với kết nối zalo. Dù tỉnh không có hướng dẫn đội cấp cứu lưu động, nhưng chúng tôi đã thành lập đội cấp cứu lưu động tại huyện. Khi đêm hôm có sự cố gì thì đội này sẽ chạy xuống yểm trợ cho trạm y tế lưu động”.
Bên cạnh mặt đạt được, hoạt động trạm y tế lưu động ở tỉnh Tiền Giang đang tồn tại một số khó khăn, bất cập cần được quan tâm chấn chỉnh. Đó là không ít xã, phường đã thành lập trạm y tế lưu động nhưng chưa chính thức hoạt động. Một số trạm y tế lưu động giao cho trưởng trạm y tế xã, phường , thị trấn kiêm nhiệm, điều hành công việc còn bị động; cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện, nguồn nhân lực cần thiết dành riêng cho trạm y tế lưu động còn hạn chế.
Đặc biệt chế độ thù lao cho cán bộ trạm chưa được quy định rõ, nguồn kinh phí các F0 chi trả khi điều trị tại nhà hay kinh phí xét nghiệm định kỳ cho F1 phải chi trả, còn bất cập so với F0, F1 khi đi điều trị, cách ly tập trung.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chỉ huy Phó, Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch bệnh huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho rằng: "Trạm y tế lưu động được trang bị tốt, nhưng con người chủ yếu tập trung tại trạm y tế xã, khi nào cần lắm mới đến trạm y tế lưu động. Trạm y tế lưu động theo cơ cấu như vậy nhưng số người làm việc được có chuyên môn không nhiều".
Mô hình hoạt động trạm y tế lưu động tại địa phương có dịch bệnh Covid-19 ở mức cao như tỉnh Tiền Giang là cần thiết, bước đầu đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng chống dịch tại cộng đồng. Hiện nay, các trạm y tế lưu động đang được củng cố, kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động, trở thành những “pháo đài” không chế dịch bệnh tại khu dân cư, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát./.
Nhật Trường/VOV-ĐBSCL