Lượng khách đông cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Trước tình trạng hành khách tập trung đông ở ga và đứng chật trên các toa tàu tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông trong lúc dịch bệnh COVID-19 tại Hà Nội đang có diễn biến phức tạp khi ghi nhận nhiều ca F0 ngoài cộng đồng, để hạn chế tập trung đông người, tuân thủ biện pháp phòng chống dịch cho hành khách đi tàu, ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, đơn vị vừa đưa ra 4 giải pháp nhằm giảm tình trạng này.
Theo ông Trường, hiện nay Hanoi Metro đã phát hành hơn 200.000 vé “0 đồng” để người dân đi tàu miễn phí trong 15 ngày vận hành đầu tiên cho nên nhiều người dân bày tỏ sự háo hức với loại hình vận tải mới.
Ông Trường cho biết, Hanoi Metro ghi nhận ngày 7/11 có 54.000 lượt hành khách đi tàu, so với ngày 6/11 số lượng này tăng gấp đôi.
Về lượt tàu vận hành, lãnh đạo Hanoi Metro cho biết, ngày 7/11, đơn vị đã huy động 141 lượt tàu ra các ga đón khách di chuyển trên tuyến.
“Trong ngày 8/11, tất cả các lượt tàu đều vận hành an toàn, không có sự cố nào xảy ra. Việc chỉ huy, vận hành các đoàn tàu và điều tiết khách ở các ga đều do cán bộ, nhân viên người Việt Nam tại Hanoi Metro đảm nhiệm”, ông Trường nói.
Về tình trạng khách trong ngày 7/11 đứng chờ tàu đông, hai bên ke ga (vị trí đón tàu) ở tầng 3 ga Cát Linh nhiều thời điểm không còn chỗ trống, hành khách đứng sát nhau kéo dài...lãnh đạo Hanoi Metro xác nhận, thời điểm khoảng 9h sáng qua, lượng khách đến ga Cát Linh tăng đột biến, dẫn đến lượng người đứng chờ tàu đông ở nhà ga tầng 3. Sau khi sự việc này xảy ra, Hanoi Metro đã có những điều chỉnh.
Theo ông Vũ Hồng Trường, từ ngày hôm nay (8/11) cũng như các ngày tiếp theo, để giảm việc hành khách tập trung đông người, ngay trong đêm qua Hanoi Metro đã có đề nghị, và từ sáng nay phối hợp với các bên có liên quan như Công an, Sở GTVT Hà Nội thực hiện 4 giải pháp.
Cụ thể, thứ nhất: Nhân viên Hanoi Metro phối hợp với công an điều tiết khách vào ga ở tầng 1 và tầng 2, theo hướng: nếu tầng 3 (tầng đón tàu) đông, lực lượng làm nhiệm vụ sẽ giảm người lên ga.
Thứ hai: Tại các cửa kiểm soát, giao dịch như phát vé, soát vé, cửa vào ga…Hanoi Metro tạo các đường dẫn để hành khách đi, chờ đợi theo hàng.
Thứ ba: Công an cùng với các đơn vị có liên quan như Thanh tra giao thông, Sở GTVT Hà Nội có phương án tổ chức, sắp xếp, giám sát hoạt động trông giữ xe trong thời gian tàu chạy 15 ngày đầu cho khách khi đến nhà ga.
Thứ tư: Hanoi Metro đưa ra khuyến cáo, với những người đi tàu để trải nghiệm nên tránh các giờ cao điểm sáng, chiều để giảm tình trạng tập trung đông người, phải chờ đợi lâu; với hành khách đi tàu khách nên chủ động quét mã khai báo y tế, check thông tin theo mã QR, biển hướng dẫn ở ga để nắm được quy định lên tàu, tránh đứng chờ làm thủ tục lâu.
“Việc người dân, hành khách quan tâm, yêu mến đường sắt đô thị ở Thủ đô là điều rất mừng cho Hanoi Metro và hệ thống vận tải hành khách công cộng Thủ đô. Tuy nhiên, hành khách đến ga, lên tàu và di chuyển cần thực hiện nghiêm các quy định, thông báo được đưa ra. Việc này vừa góp phần đảm bảo sức khỏe cho bản thân, cộng đồng và cho mỗi chuyến tàu được vận hành an toàn, bền vững”, ông Vũ Hồng Trường nói.
Theo khảo sát của phóng viên VOV.VN, đối tượng đi tàu khá đa dạng, ở nhiều lứa tuổi, trong đó phần lớn khách đi trải nghiệm, tham quan. Đây cũng là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và cả nước được đưa vào khai thác, vận hành.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05km, đi trên cao và có 12 nhà ga, được đưa vào khai thác, vận hành từ 6/11 và chở khách miễn phí trong 15 ngày đầu tiên, nhằm phục vụ người dân tham quan, trải nghiệm, làm quen với phương thức đi lại bằng tàu điện đô thị. Từ ngày 21/11, bắt đầu áp dụng chở khách có thu tiền.
Giống như vé xe buýt công cộng, vé tàu điện Cát Linh - Hà Đông được áp dụng cơ chế hỗ trợ giá, nhằm khuyến khích người dân sử dụng.
Theo đó, giá vé lượt là 8.000 - 15.000 đồng. Ngoài ra có các hình thức vé ngày (30.000 đồng, đi lại trong ngày, không giới hạn số lượt đi); vé tháng phổ thông (200.000 đồng/vé/30 ngày kể từ ngày phát hành vé), vé tháng ưu tiên cho đối tượng mua theo hình thức tập thể từ 30 người trở lên (140.000 đồng/vé); vé tháng ưu tiên (100.000 đồng/vé/kể từ ngày phát hành vé; dành cho học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp) và vé miễn phí (trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 60 tuổi, người có công, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo).
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở tối đa 960 hành khách. Vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc khai thác 35km/giờ, thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông (hoặc ngược lại) là 23,63 phút. Khi đưa vào khai thác thương mại sẽ hoạt động liên tục từ 5h-23h hàng ngày. Trong 6 tháng đầu tiên, tần suất hoạt động là 10 phút/chuyến tàu dừng đón, trả khách tại các ga./.
Phi Long/VOV.VN