Di chứng hậu Covid-19: Phát bệnh tâm thần vì giãn cách

Theo tìm hiểu của phóng viên VTC News, sức khoẻ tâm thần nhiều người bị ảnh hưởng nghiêm trọng do di chứng nặng nề của Covid-19.

 

Sau nhiều ngày mất ngủ, bà Nguyễn Thị Tâm (*) - Tây Hồ, Hà Nội, tìm đến bệnh viện tâm thần thăm khám. Ông Chinh, chồng bà Tâm kể, dù phải sử dụng thuốc ngủ nhưng bà Tâm chỉ ngủ đc 2-3 tiếng. Trước đây, cứ chiều đến bà lại ra sân tâp thể dục, hoặc gặp gỡ bạn bè. Từ ngày dịch bệnh, con cái lại không có việc, bà Tâm lo lắng, suy nghĩ nhiều, dễ nổi nóng hơn.

Nhiều người cần tới sự trợ giúp của bác sĩ tâm thần sau đại dịch Covid-19.

Bà thường xuyên cáu gắt con cháu. Ngay cả việc các cháu chơi đùa ồn ào cũng khiến bà bị kích động, quát tháo. Thấy vậy, ông Chinh luôn theo sát vợ. Chỉ cần thiếu chú ý, bà Tâm đã vụt ra cổng, ông phải “nịnh khéo” bà mới về. Ngay cả chuyện ăn uống của bà Tâm cũng khó khăn. Ông Chinh phải liên tục tham khảo ý kiến bác sĩ để điều trị cho vợ tại nhà. Hết giãn cách, con cái bắt đầu công việc, đi làm, các cháu thì học online, cùng với sự động viên của cả gia đình, tình trạng của bà Tâm đã đỡ hơn.

Theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, bà Tâm từng điều trị tâm thần tại bệnh viện trước đây. Nhưng gần đây, bệnh tình bà tái phát. Bà Tâm được chỉ định điều trị thuốc tại nhà và theo dõi thêm.

TS. BS Trần Thị Hồng Thu cho rằng, trong cuộc sống hàng ngày, nhất là thời điểm dịch bệnh, ai cũng có thể bị rối loạn tâm thần. Điển hình như trường hợp phải nghỉ việc do dịch bệnh, không ra ngoài được do giãn cách, làm việc online quá dài, trẻ ít được vận động hơn so, người già thì thay đổi môi trường sống vốn đã quen thuộc… Tất cả những điều đó đều ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, trong đó hai bệnh lý thường gặp nhất đó là rối loạn lo âu, trầm cảm.

Để cân bằng trạng thái tâm lý, giảm căng thẳng, lo âu nói chung và trong giai đoạn dịch bệnh nói riêng, mọi người cần tránh hai thái cực tâm trạng.

“Trong cuộc sống, kể cả khi gặp sang chấn, điển hình như giai đoạn dịch bệnh này, mọi người cố gắng luôn giữ tinh thần lạc quan, nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực. Tinh thần vững vàng đồng nghĩa với việc có sức khỏe tâm thần tốt”, BS Thu khuyến cáo.

Dáng vẻ tiều tuỵ, gầy gò, ngồi thu mình ở một góc bệnh viện chờ lượt tới khám là Vũ Văn Thêm (*), ở Thạch Thất, Hà Nội. Thêm là sinh viên năm cuối đại học. Thanh niên này từng nhập viện điều trị vì nghiện game tới quên ăn, quên ngủ. Sau đó nhờ điều trị, em trở lại cuộc sống bình thường, tiếp tục học tập, sinh hoạt như bao người khác.

Thời kỳ Hà Nội áp dụng giãn cách, Thêm không thể tới trường. Hàng ngày, Thêm chỉ quanh quẩn trong phòng, không được ra ngoài, cũng không tập thể dục như trước đây. Là người vốn khép kín, không nhiều bạn bè, nay lại ở không gian bí bách, Thêm tìm mọi cách để giải trí. Và “ngựa quen đường cũ”, cậu tìm đến game để “giải trí”.

Ban đầu, Thêm tự dặn lòng chỉ chơi 15-30 phút để đảm bảo sức khỏe. Nhưng rồi càng chơi càng bị cuốn, hết chơi điện thoại, sang máy tính, không thể dứt. Những lúc học online, Thêm cũng chỉ nhớ đến những “nhiệm vụ” cần hoàn thành không gian ảo. Tắt máy tính, có lúc cậu tự ý thức rằng phải đọc sách để quên đi “cơn thèm” game. Nhưng cứ mỗi lần như vậy thì hình ảnh đao, kiếm trong game lại hiện lên khiến cậu không thể chịu nổi, lập tức ngồi dậy, bật máy tính.

Thời gian cho game quá nhiều hơn cả thời gian ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt. Kết quả học tập của Thêm cũng ngày càng sa sút, sức khoẻ thêm tiều tuỵ. Mới sinh viên năm cuối, nhưng trông cậu già hơn so với tuổi thật.

Là người điều trị cho Thêm và giúp cậu quay lại cuộc sống bình thường trước đây, TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương không mấy vui vẻ khi gặp lại cậu trong hoàn cảnh tương tự. “Phải bỏ hẳn game. Chỉ cần quay lại một phút thôi là mất công bao nhiêu thời gian điều trị. Giờ lại phải bắt đầu lại từ đầu”, bà Thu buồn bã nói.

Với những bệnh nhân như Thêm, ngoài tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ thì ý thức của bệnh nhân, sự quan tâm của gia đình là rất quan trọng, bởi bệnh nhân điều trị ngoại trú, các bác sĩ không thể theo sát cả ngày để nhắc nhở việc tránh chơi game.

(*) Tên nhân vật được thay đổi./.

Theo VTC News

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận