Hà Nội cho phép xe khách, bến xe được hoạt động 100% trở lại

Xe khách tại Hà Nội được hoạt động bình thường trở lại, bỏ quy định khách phải test COVID-19 trước khi lên xe...

 

Sở GTVT Hà Nội vừa có thông báo cho các bến xe, trung tâm quản lý và đơn vị vận tải trên địa bàn Hà Nội về việc tổ chức vận tải trong tình hình mới “Thích ứng an toàn, linh hoạt”.

Văn bản do ông Đào Việt Long-Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội ký cho biết, căn cứ vào các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT về việc phối hợp chỉ đạo triển khai hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, các đơn vị khai thác bến xe, cảng hàng không, ga đường sắt, đơn vị cung cấp phần mềm kết nối trong hoạt động vận tải trên địa bàn thành phố tổ chức lại hoạt động vận tải trên địa bàn.

Xe khách Hà Nội được hoạt động bình thường trở lại.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 21/10, tuân thủ các yêu cầu chung tại phần 1, Quyết định số 1812 của Bộ GTVT, gồm: Khôi phục lại hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không cho phù hợp với công tác phòng, chống dịch COVID để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; đưa đời sống sinh hoạt của người dân dần trở lại tình trạng bình thường mới.

Văn bản của Sở GTVT Hà Nội nêu: Do Hà Nội đang là vùng 1 (vùng xanh), trong phần hướng dẫn về lĩnh vực hoạt động vận tải đường bộ cần thực hiện hướng dẫn tại mục II phần 2 quyết định của Bộ GTVT. Cụ thể: “Tổ chức hoạt động vận tải hành khách với tần suất bình thường”.

Không test COVID-19 đối với khách Vùng 1, 2, 3 theo quy định

Sở GTVT Hà Nội yêu cầu, với hành khách đi trên các tuyến vận tải liên tỉnh, cần tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Văn bản của Sở GTVT Hà Nội nêu rõ quy định về xét nghiệm COVID-19: Theo đó, đối với hành khách chỉ phải xét nghiệm, test COVID-19 trong các trường hợp: có biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng; hành khách đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 (vùng đỏ) hoặc cách ly y tế trong vùng phong tỏa; không yêu cầu xét nghiệm khi di chuyển trong cùng một địa bàn.

Không test COVID-19 đối với khách Vùng 1, 2, 3 theo quy định.

Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh đi xe khách, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp: khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng phong tỏa. Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh có giá trị trong vòng 72 giờ.

“Yêu cầu các bến xe, trạm dừng nghỉ, xây dựng và triển khai phương án, kế hoạch đón, trả hành khách bảo đảm an toàn; bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR; niêm yết số điện thoại đường dây nóng của cơ quan chức năng địa phương để thông tin khi có vi phạm quy định về phòng, chống dịch; bố trí khu cách ly cho các trường hợp có các triệu chứng nghi nhiễm COVID”, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long yêu cầu./.

Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo “khơi thông” vận tải

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, sau đợt 1 thực hiện tổ chức hoạt động vận tải hành khách của các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Với vận tải khách đường bộ, từ ngày 13 - 18/10/2021, có 48 địa phương đã được UBND tỉnh đồng ý cho thực hiện khôi phục hoạt động tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh. 15 Sở GTVT đã báo cáo UBND tỉnh kế hoạch khôi phục lại tuyến.

Do còn tâm lý e dè, nhiều nơi còn quy định chặt khiến vận tải khách đường bộ còn gặp nhiều khó khăn, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo “khơi thông” cho vận tải.

"Có 38 địa phương đã tổ chức khai thác với tổng số tuyến đăng ký là 793. Trong đó, số tuyến thực chạy là 588. Số chuyến đăng ký hoạt động/ngày là 1.970 chuyển. Số chuyến hoạt động thực tế là 1.037. Số xe hoạt động là 944 xe. Số khách vận chuyển là 5.641", Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay.

Đánh giá về khó khăn trong quá trính thí điểm, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, bên cạnh đó, tâm lý khách còn e ngại, lo lắng nên chưa tự tin đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng. Mặt khác, nhiều địa phương còn có quy định quá chặt chẽ việc xét nghiệm, cách ly đối với hành khách về địa phương.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu lái xe, phụ xe phải tiêm đủ liều vaccine khó thực hiện. Bởi thực tế, lái xe, phụ xe, nhân viên phục vụ trên xe ở hầu hết các địa phương đều mới được tiêm 1 liều vaccine, tỷ lệ tiêm đủ liều vaccine còn thấp.

"Do điều kiện hành khách khi đi xe phải đảm bảo các quy định tại Quyết định 1777 của Bộ GTVT nên tại một số tỉnh, số lượng người được tiêm vaccine mũi hai còn thấp, dẫn đến lượng khách từ các tỉnh nhỏ đi các thành phố lớn hoặc các tỉnh lớn không cao. Một số tỉnh thành phố thuộc vùng xanh nhưng vẫn duy trì chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và chưa cho hoạt hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh vào hoạt động bình thường", ông Thọ nêu lý do.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định các tỉnh thành phố xác định cấp độ dịch trên địa bàn, tuy nhiên việc công bố cấp độ dịch tại các địa phương còn chưa kịp thời, đến nay mới chỉ có một số tỉnh, thành phố nên dẫn đến việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách tại địa phương còn lúng túng, gây khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với hoạt động vận tải theo quy định.

"Mặt khác, việc công bố cấp độ dịch chưa có tổng hợp chung trên toàn quốc mà mỗi tỉnh công bố tại một trang web riêng, gây khó khăn cho đơn vị kinh doanh vận tải trong việc theo dõi và cập nhật thông tin để có phương án hoạt động phù hợp", Bộ GTVT cho biết.

Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo về kế hoạch khai thác vận tải (đường bộ, hàng không, đường sắt và đường thủy) trong thời gian tới. Cùng đó, chỉ đạo UBND tỉnh, thành phố tiếp tục ủng hộ việc mở lại hoạt động vận tải hành khách trên các lĩnh vực.

Yêu cầu các địa phương công bố kịp thời cấp độ dịch tại địa phương để Sở GTVT địa phương đó tra cứu và thống nhất tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh cho phù hợp theo quy định tại Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế; Có kế hoạch khẩn trương tiêm vaccine cho lái xe, nhân viên phục vụ và cán bộ công nhân viên tại bến xe, trạm dừng nghỉ để đảm bảo nhân sự cho công tác tổ chức vận tải./.

Theo Phi Long/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận