Theo BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), trẻ em chiếm 1/3 tổng dân số thế giới. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nước, trong đó có Việt Nam, đã phải đóng cửa trường học. Trẻ em khi được cách ly tại nhà thì nguy cơ lây nhiễm bệnh rất thấp, nhưng khi đưa trẻ em trở lại trường trong tình trạng bình thường mới thì nguy cơ nhiễm bệnh sẽ rất cao. Do vậy, trẻ em cần được bảo vệ.
PV: Xin bác sĩ nêu nhận định về việc nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đang tính đến việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em? Và hiện nay có những vaccine phòng COVID-19 nào trên thế giới có thể sử dụng được cho trẻ em?
BS Trần Văn Phúc: Khi đa số người lớn đã có miễn dịch bằng 2 hình thức là được tiêm chủng hoặc đã nhiễm virus. Với tỷ lệ quá cao người lớn có kháng thể thì dẫn tới trẻ em, đang chiếm 1/3 tổng dân số thế giới, rơi vào tình huống trở thành nhóm yếu thế và rất dễ bị nhiễm virus.
Trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020, hầu hết các trường học trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam đã phải đóng cửa. Trẻ em, học sinh được cách ly tại nhà, theo đó, khả năng lây nhiễm với trẻ em rất thấp. Nhưng nếu trẻ em được trở lại trường học trong tình trạng bình thường mới hoặc cuộc sống bình thường trở lại khi COVID-19 trở thành căn bệnh đặc hữu thì nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao. Chính vì vậy trẻ em được coi là đối tượng cần thiết được tiêm chủng trong thời gian tới để bảo vệ trẻ.
Trong thời gian đại dịch bùng phát, trẻ em là đối tượng ít bị mắc COVID-19 và nếu có nhiễm virus thì tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong cũng rất thấp. Tuy nhiên, khi trẻ em trở thành đối tượng yếu thế thì dù mắc COVID-19 chỉ bị nhẹ nhưng số ca mắc chiếm tỷ lệ lớn sẽ trở thành một mối nguy hiểm. Chính vì vậy các nước trên thế giới phải đặt ra vấn đề cần phải tiêm vaccine cho trẻ em.
Vậy hiện có những vaccine COVID-19 nào cho trẻ em? Tại Mỹ đang đề nghị phê duyệt vaccine Pfizer cho trẻ em từ 12-15 tuổi. Ngoài ra vaccine Moderna cũng được đề xuất phê duyệt cho đối tượng trẻ em từ 12-15 tuổi.
Tại Trung Quốc, vaccine bất hoạt Vero Cell cũng được phê duyệt cho đối tượng trẻ em rộng hơn từ 3-17 tuổi.
Nhìn ở góc độ thế giới, các quốc gia đều lo lắng và sốt sắng việc tiêm vaccine cho trẻ em. Tất cả các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia y tế đều hướng tới làm thế nào để tiêm được vaccine COVID-19 cho trẻ, để trẻ đến trường an toàn, để trẻ em không là đối tượng yếu thế, đối tượng nguy hiểm... Tại Việt Nam, ước tính trẻ em chiếm 27% dân số, trong khi đó, đã có khoảng 10 tỉnh, thành trong đó có Hà Nội và TP.HCM đã tiêm được vaccine COVID-19 cho 100% dân số trên 18 tuổi. Như vậy, trẻ em trở thành đối tượng rất dễ bị virus tấn công.
PV: Thưa bác sĩ, tại sao lại phân loại lứa tuổi trẻ em khi thực hiện tiêm vaccine COVID-19?
BS Trần Văn Phúc: Tại Mỹ, châu Âu hay các quốc gia phát triển khác khi phê duyệt các loại vaccine cho trẻ em thì bao giờ cũng ưu tiên theo nhóm đối tượng. Trong đó, nhóm đối tượng được ưu tiên nhất là từ 12-15 tuổi.
Trẻ em dưới 18 tuổi được chia các nhóm phụ thuộc theo lứa tuổi đi học. Với nhóm 16-18 tuổi, các em đã có những hiểu biết nhất định, do vậy, rất dễ để hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch cá nhân. Đồng thời, cơ thể và sức khỏe của các em đã tương đối phát triển như người trưởng thành. Do vậy, nhóm đối tượng này hoàn toàn có thể học online tại nhà, không nhất thiết phải đến trường.
Nhưng với nhóm học sinh 12-15 tuổi, việc học online có thể hiệu quả không cao và có nhiều ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ, do vậy, các em cần sớm được quay trở lại trường. Như vậy, bắt buộc phải phê duyệt vaccine dành cho lứa tuổi này trước. Do vậy, tại Mỹ, đã có đề xuất phê duyệt vaccine Pfizer cho trẻ 12-15 tuổi.
Với lứa tuổi nhỏ hơn từ 6-11 tuổi, các em cũng cần được đến trường càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, với nhóm nhỏ tuổi nhất là học sinh cấp tiểu học, vẫn còn non nớt, sự cẩn trọng vẫn cần cao hơn. Do vậy, người ta đang đặt vấn đề phê duyệt trước vaccine cho nhóm học sinh ở cấp 2 từ 6-11 tuổi.
Với nhóm trẻ nhỏ hơn đang phụ thuộc vào cha mẹ và người thân trong gia đình, thì vẫn có thể để các em ở nhà và chưa vội phải phê duyệt vaccine cho lứa tuổi này. Đặc biệt, trẻ càng nhỏ cơ thể cần sự ổn định cao để phát triển, do vậy, người ta phải cân nhắc rất kỹ càng có tiêm vaccine cho lứa tuổi này hay không? Và khi tiêm phải đảm bảo an toàn.
Quy tắc phân lứa tuổi này cho thấy, học sinh cấp 2 từ 12-16 được ưu tiên. Sau đó, là lứa tuổi cấp 1, cấp 3 và cuối cùng là trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo.
PV: Như bác sĩ vừa nêu, trẻ em là đối tượng ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và trong trường hợp mắc COVID-19 thì trẻ cũng bị triệu chứng nhẹ và nguy cơ tử vong không cao. Điều này dẫn đến tâm lý không muốn cho con tiêm vaccine của nhiều bậc phụ huynh. Vậy bác sĩ có lời khuyên nào với các bậc phụ huynh đang có tâm lý do dự này?
BS Trần Văn Phúc: Tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ các bậc phụ huynh về việc có nên tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em hay không? Và thực sự họ cũng khá là lo ngại. Tôi rất chia sẻ với các bậc phụ huynh về tâm lý này.
Bởi vì trẻ em không phải là một người lớn thu nhỏ. Trẻ em có sự khác biệt so với người lớn. Mọi bộ phận, cơ quan trong mỗi đứa trẻ đang ở giai đoạn phát triển và cần thời gian để hoàn thiện, do vậy, mọi tác động đến cơ thể trẻ đều phải rất cẩn thận và hết sức cân nhắc. Đặc biệt với, vaccine thì càng phải cẩn thận hơn.
Tuy nhiên, chúng ta phải xem xét khía cạnh vaccine được phát triển là để cứu người. Khi chưa có vaccine, tuổi thọ của con người rất thấp. Từ khi vaccine ra đời, vaccine đã cứu loài người khỏi các thảm họa và dịch bệnh. Trong lịch sử nhân loại, chưa có loại vaccine nào sinh ra lại có hại với trẻ em.
Với vaccine phòng COVID-19, tôi tin rằng, các nhà sản xuất đã nghiên cứu để làm sao an toàn và lợi ích cứu đứa trẻ sẽ cao hơn rất nhiều so với các dụng phụ khiến các bậc phụ huynh lo ngại có thể ảnh hưởng trước mắt và ảnh hưởng lâu dài sau này.
Trong thời gian qua, tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 rất thấp và tỷ lệ tử vong vô cùng nhỏ. Tuy nhiên, trong thời gian tới khi chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, sống chung với virus SARS-CoV-2, tôi cho rằng tác động của COVID-19 với trẻ em sẽ lớn hơn rất nhiều và tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong ở trẻ có thể sẽ tăng lên khá cao.
Chúng ta đã thấy có hàng loạt học sinh ở Hà Nam, Phú Thọ và các địa phương khác mắc COVID-19. Đây là chỉ dấu cho thấy, đã đến lúc chúng ta cần phải suy nghĩ về việc tiêm vaccine để trẻ đến trường.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ!
Theo Thiên Bình/VOV.VN
Thực hiện