Hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch

Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII. Trong đó, chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được xem là yếu tố 'then chốt' thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Đảng và Nhà nước đối với nguồn lực này.

 

Người lao động và doanh nghiệp ảnh hưởng nặng nề

Theo Tổng cục Thống kê, kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu khởi phát cho đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch, trong đó đợt bùng phát đầu tiên và đợt thứ tư ảnh hưởng nặng nề nhất đến thị trường lao động. Đợt dịch thứ tư kéo dài và diễn biến phức tạp đã làm cho nhiều doanh nghiệp không còn sức chống đỡ, phải rời khỏi thị trường, hàng vạn lao động phải về quê do mất việc.

Trên phạm vi toàn quốc, tính riêng trong quý III năm 2021, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1.700.000 người, tăng 532.200 người so với quý trước. Cả nước có hơn 28.200.000 người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Lao động có việc làm tiếp tục giảm sâu chưa từng thấy từ trước tới nay, giảm gần 2.600.000 người so với quý trước và giảm 2.700.000 người so với cùng kỳ năm trước. Số lượng lao động có việc làm là 47.200.000 người, mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Thu nhập bình quân tháng của lao động quý III năm 2021 là 5.200.000 đồng, giảm 877.000 đồng so với quý trước và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Dịch bệnh kéo dài cùng với việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch khiến hàng nghìn doanh nghiệp gặp khó khăn, hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, một số hoạt động cầm chừng chỉ với 30 - 50% số lao động do phải đảm bảo yêu cầu giãn cách. Hiện trạng người nhập cư “bỏ phố về quê” vì lo sợ dịch bệnh hoặc phải cách ly dẫn đến thiếu hụt lao động ở nhiều doanh nghiệp. Kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc cho thấy, trong số 22.764 doanh nghiệp có 17,8% doanh nghiệp bị thiếu lao động.

Đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine là một trong những cách hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch.	Ảnh: Hà Nguyên

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, quý IV năm 2021, kinh tế - xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen do kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Mặc dù nhiều nước trên thế giới đã triển khai mạnh mẽ tiêm chủng vaccine Covid-19 nhưng cơ hội phục hồi của kinh tế thế giới vẫn mong manh, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn bị gián đoạn, tác động tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Hỗ trợ phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục...

Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo sát sao, cụ thể và quyết liệt phòng chống dịch, ban hành nhiều nghị quyết, chính sách chỉ đạo các ngành, địa phương vừa tập trung dập dịch, vừa sản xuất kinh doanh. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30 phân cấp mạnh mẽ cho Chính phủ trong phòng chống dịch và Chính phủ dành nhiều thời gian cho công tác này, có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hỗ trợ phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận. Quy mô hỗ trợ phải tương xứng với mức độ ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi. Các quy trình, thủ tục để hưởng hỗ trợ phải được đơn giản hóa tối đa. Đồng thời, có cơ chế giám sát, kiểm tra sát sao việc thực hiện và chế tài xử lý để tránh lợi dụng, trục lợi chính sách.

Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động: Quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát và đẩy lùi Covid-19, nhất là tại thành phố lớn, các địa phương có nhiều khu công nghiệp. Đẩy mạnh chiến lược tiêm vaccine, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm tiêm đủ vaccine phòng Covid-19 cho người dân, tạo cơ chế miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất.

Triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch. Xây dựng và thực hiện chương trình, chính sách khuyến khích người lao động, đặc biệt là thanh niên tích cực học tập nâng cao trình độ để có kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh của nền kinh tế; Các địa phương cần thiết lập kênh thông tin chính thống, chuyên ngành để cập nhật cho doanh nghiệp và người lao động về chiến lược phát triển kinh tế. chính sách hỗ trợ lao động và thu hút lao động, kế hoạch kiểm soát bệnh dịch của địa phương để doanh nghiệp chủ động xây dựng và thực hiện phương án khôi phục và phát triển sản xuất.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận