Một làn sóng trẻ em, trong đó có học sinh theo cha mẹ về quê từ vùng dịch. Việc đón nhận và tạo điều kiện hòa nhập cho các em, trong đó có cả việc học tập không đơn giản chỉ ở việc giảm thiểu thủ tục, tìm lớp học phù hợp trình độ...
Áp lực từ làn sóng học sinh trở về từ vùng dịch
Kể từ thời điểm bắt đầu năm học mới, Cà Mau thuộc một trong những địa phương tiếp nhận và bố trí học cho 858 em học sinh mắc kẹt trên địa bàn tỉnh cũng như trở về từ vùng dịch. Việc dạy học trực tuyến đã giúp ngành giáo dục địa phương không quá nhiều xáo trộn trong việc bố trí cho các em vào các lớp học thuộc các cấp học khác nhau.
Theo ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau, hồ sơ học sinh được xử lí nhanh gọn hoặc tạm gác để ưu tiên việc học. Đã có 14 học sinh mắc kẹt hoàn toàn không thể liên lạc được với các trường cũ vẫn được tạo điều kiện học tập đúng lớp, đúng cấp học. “Không để học sinh nào thiệt thòi trong việc học tập”, ông Nguyễn Minh Luân khẳng định.
Tuy nhiên, con số 858 em đã được tiếp nhận học tập là chưa tính đến số các em học sinh trở về từ vùng dịch vừa tròn 2 tuần còn đang ở khu cách li tập trung, sẽ còn thêm 14 ngày cách li tại gia đình. Vì vậy theo ông Luân, sớm nhất cũng phải đến đầu tháng 11 các em học sinh ở diện hồi hương mới đăng kí đi học trở lại.
Dù chưa biết con số chính xác, chưa tiếp cận học sinh nhưng đã có rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra. Về phía các nhà trường sẽ vất vả trong việc liên hệ với trường cũ của các em trong việc khâu thủ tục, hồ sơ khi nhiều địa phương các hoạt động vẫn chưa trở lại bình thường mới.
Còn học sinh, các em phải tự mình đối diện cùng lúc quá nhiều vấn đề như hổng kiến thức, tổn thương tinh thần do mồ côi cha, mẹ hoặc cả hai cũng như việc đột nhiên bước vào một môi trường học tập hoàn toàn mới mẻ.
Trong hơn 10 ngày trở lại đây, Cà Mau lại đang tiếp nhận thêm một lượng khá lớn học sinh cùng cha mẹ trở về quê từ TP HCM và các tỉnh công nghiệp trọng điểm phía Nam sau khi chỉ thị 16 được nới lỏng. Theo ông Luân, đến lúc này, ngành giáo dục địa phương vẫn chưa thể thống kê chi tiết số học sinh theo từng độ tuổi cũng như nhu cầu học tập.
“Không thể tiếp xúc với người trở về. Ngay từ cửa ngõ thành phố, họ đã được tiếp nhận và đưa thẳng về các khu cách li tập trung. Số người trở về có thể biết, còn không thể có chính xác bao nhiêu học sinh trong số đó. Chúng tôi đã chỉ đạo sớm nắm bắt số lượng, bù đắp kiến thức cũng như chữa lành phần nào những tổn thương tinh thần cho các em”. Ông Luân chia sẻ.
Hà Tĩnh, một tỉnh miền Trung hiện đang tiếp nhận và bố trí cho 608 học sinh mắc kẹt theo học các cấp trên địa bàn các huyện. Đây cũng là địa phương có tỉ lệ lớn lao động tại các khu công nghiệp phía Nam. Theo chiều ngược lại, Hà Tĩnh cũng có gần 1700 học sinh đang kẹt ở các tỉnh chưa thể về quê.
Theo ông Cao Ngọc Châu, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh, số trẻ em, đặc biệt học sinh về theo cha mẹ thời gian này cũng chưa thể phân loại hay có con số chính xác.
Để đảm bảo dạy học cũng như phòng dịch, Giáo dục Hà Tĩnh cũng lên phương án cho việc đi học trở lại dựa trên kế hoạch của ngành y tế. Theo đó, học sinh cùng cha mẹ các em trở về sau khi thực hiện cách li tập trung hoặc tại nhà sẽ được bố trí trở lại học đúng trình độ các em đang học tại trường cũ sớm nhất, thuận lợi nhất và chưa có những yêu cầu về thủ tục, giấy tờ.
Học sinh di cư số lượng lớn do dịch bệnh, điều chưa từng có trong tiền lệ đã và đang đặt trách nhiệm lên ngành giáo dục nhiều địa phương. Không chỉ đơn giản việc nhận học sinh mà các nhà trường, thầy cô phải chuẩn bị để học sinh trở lại nếp học trong điều kiện bình thường mới.
Không nên áp đặt dạy học như bình thường
Trong bối cảnh hiện tại, do lượng người hồi hương quá lớn, nhiều địa phương chỉ có thể tập trung vào việc khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh cũng như đảm bảo nơi ăn chốn ở cho người dân, chưa thể nghĩ tới hoặc có giải pháp chăm lo hoặc hỗ trợ về tinh thần cho trẻ em trở về cùng cha mẹ từ vùng dịch. Đặc biệt với các em học sinh buộc phải bước vào môi trường học tập mới với sự đứt đoạn về tri thức, đứt gãy các mối quan hệ và tổn thương tinh thần có thể ở mức nghiêm trọng.
Bà Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban nghiên cứu đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng trẻ em nói chung, học sinh trong đó nói riêng đang phải đối diện với những vấn đề chưa từng có trong tiền lệ. Điều gì sẽ xảy ra nếu đặt mục tiêu tất cả trẻ em trở về từ vùng dịch phải đạt chuẩn như các em được học tập trong điều kiện bình thường?
"Đó là gánh nặng không chỉ riêng với các em. Thầy cô, cha mẹ cũng chịu tác động và thêm một lần nữa tác động ngược trở lại với học sinh cũng như con em mình. Cần phải thoát bỏ áp lực này." Bà Chu Cẩm Thơ chia sẻ quan điểm cùng VOV2.
"Điều gì sẽ xảy ra nếu đặt mục tiêu tất cả trẻ em trở về từ vùng dịch phải đạt chuẩn như các em được học tập trong điều kiện bình thường?" - PGS.TS Chu Cẩm Thơ.
Thời điểm này, không thể khắc phục ngay lập tức tất cả những tác động lên cuộc sống, học tập của trẻ em trở về từ vùng dịch. Điều đó đòi hỏi người lớn buộc phải lựa chọn những vấn đề cần ưu tiên giải quyết thay vì đòi hỏi tất cả giống như trạng thái trước dịch.
Theo thông tin từ PGS.TS Chu Cẩm Thơ, một nhóm chuyên gia tâm lý của Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh do Giáo sư Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng nhà trường tổ chức nhằm hỗ trợ trẻ em chịu tổn thương từ dịch Covid-19 cũng khẳng định chưa thể xác định chính xác số lượng cũng như những tổn thương tâm lí các em phải gánh chịu trong giai đoạn này. Cùng với nơi ăn chốn ở thì những hỗ trợ về mặt tinh thần lúc này cực kì cần thiết.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, chăm sóc sức khỏe, tăng cường giao tiếp, quan tâm tới cảm xúc... của trẻ em học sinh về từ vùng dịch cần được quan tâm hàng đầu trong thời điểm này. Kiến thức học tập nhà trường không nên đặt nặng vì trong điều kiện bình thường vẫn xảy ra tình trạng hổng kiến thức với một bộ phân học sinh. Cắt giảm nội dung chương trình sẽ tạo cơ hội để học sinh đang trong điều kiện đặc biệt đạt được trình độ tối thiểu.
"Bù đắp một cách đầy đủ nội dung chương trình học hoặc học theo mô hình cũ như tất cả các học sinh trong điều kiện bình thường sẽ không hợp lí cũng như tạo gánh nặng, áp lực quá tải lên cả thầy và trò". Bà Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh.
Các địa phương cần linh hoạt xử lí tình huống dựa vào các tình huống cụ thể. Tuy nhiên cần có sự chỉ đạo chung trong việc quan tâm, phối hợp giữa các đơn vị trong vấn đề ổn định tâm lí cho các em. "Trẻ em mồ côi chẳng hạn. Việc hòa nhập trở lại với trường lớp, thầy cô, bạn bè và môi trường sống mới sẽ cực kì khó khăn, lâu dài và không thể đong đếm được. Tôi đã từng biết nhiều trường hợp tương tự cần 10-15 năm để trẻ tự tin và hòa nhập xã hội, với điều kiện được hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần cùng sự vào cuộc của thầy cô, chuyên gia tư vấn tâm lí, người giám hộ".
Học sinh lớn hơn khả năng ổn định trở lại có thể tốt hơn. Nhưng học sinh nhỏ, đặc biệt ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học, những tổn thất sẽ nặng nề và khó khắc phục hơn. Học sinh nghỉ khoảng trên 40 buổi học sẽ khá khó khăn để tiếp thu chuỗi tri thức học tập. Theo quan sát từ góc nhìn của nhà giáo dục, bà Thơ cho nhiều trường học chưa có kinh nghiệm khi vội vàng đưa các em trở lại ngay môi trường học tập với những yêu cầu như bình thường.
"Sự học là vô bờ. Chúng ta có một xã hội học tập và học tập suốt đời. Có thể vì dịch bệnh hoặc biến động xã hội, việc học có thể sẽ đứt gẫy tạm thời. Vậy nên chúng ta cần lạc quan để từng bước giải quyết các khó khăn. Tôi mong các đồng nghiệp hướng tới sự hài hòa trong hòa nhập cho các em, cắt giảm tất cả những nội dung ít quan trọng để hướng vào vấn đề cốt lõi, không áp đặt việc tổ chức dạy và học giống nhau". Bà Thơ nhấn mạnh một lần nữa về câu chuyện đón nhận và hỗ trợ trẻ em di cư dưới tác động của đại dịch Covid 19./.
Theo Ý Dịu/VOV2