Mở cửa giao thông: Đi lại đã thông suốt?

Mở cửa giao thông mở ra nhiều cơ hội cho cả người dân và doanh nghiệp. Song đi lại đã thực sự đảm bảo thông suốt?

 

Từ ngày 13/10, vận tải hành khách đường bộ, đường sắt (trước đó là đường hàng không) chính thức được thí điểm mở lại nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong tình hình mới. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo: vận tải hành khách phải tạo điều kiện thông suốt cho người dân di chuyển, kể cả nội tỉnh và liên tỉnh. Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, đây là một quyết định đúng đắn và hợp lý, phù hợp với nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, đồng thời khẳng định, giao thông luôn là mạch máu của nền kinh tế.

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải.Văn bản hướng dẫn của Bộ GTVT có nêu rõ, đối với vận tải hành khách giai đoạn thí điểm từ 13 - 20/10/2021 và chỉ thực hiện tối thiểu 5%, tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày của đơn vị theo lưu lượng đã được Sở Giao thông Vận tải công bố và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm).

Việc nới lỏng dần vận tải hành khách như vậy là hoàn toàn phù hợp với chiến lược chống dịch hiện nay. Tuy nhiên, thực tế là trong giai đoạn thí điểm, do những quy định về giãn cách, về các tiêu chí phòng chống dịch cần phải có... nên số lượng xe tham gia vận chuyển không nhiều, trong khi nhu cầu đi lại của người dân lại rất lớn, dẫn đến những khó khăn trong việc di chuyển.

Thủ tướng đã chỉ đạo yêu cầu phải nối lại vận tải liên tỉnh, không chia cắt, cát cứ ở mỗi địa phương, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu các địa phương phải thống nhất quy định, không có những quy định riêng để làm khó người dân khi tham gia giao thông. Thế nhưng tình hình này đến nay dường như vẫn chưa giải quyết được triệt để. Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, mỗi địa phương một quy định khác nhau đã khiến người dân gặp rất nhiều lúng túng trong quá trình di chuyển.

"Đã là giao thông thì phải liên thông, nối kết và phải tạo ra tốc độ. Nếu mỗi địa phương đều cát cứ, chia cắt là điều không nên. Xe khách liên tỉnh muốn hoạt động thì giữa 2 tỉnh điểm đi và đến phải thỏa thuận, thống nhất với nhau, do đó, Bộ GTVT phải là đầu mối, kết nối để đi đến một quy định chung thống nhất giữa các địa phương". TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.

Bến xe Gia Lâm (Hà Nội) vẫn đóng cửa trong ngày đầu thí điểm mở lại hoạt động vận tải hành khách. (13/10/2021)Nghị quyết mới nhất của Chính phủ (nghị quyết số 128) quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid 19” trong đó phân loại 4 cấp độ dịch.

Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh.

Cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng.

Cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam.

Cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Chính vì thế, theo TS Nguyễn Xuân Thủy, điều quan trọng ở đây là cần phải có một quy định rõ ràng, cụ thể, chi tiết cho từng vùng. Chẳng hạn như vùng màu xanh đến vùng màu đỏ thì phải như thế nào, rồi bao nhiêu chốt kiểm tra, kiểm tra bao nhiêu lần... tất cả đều phải được quy định thống nhất giữa Bộ Y tế, Bộ GTVT và các địa phương. TS Nguyễn Xuân Thủy cũng nhấn mạnh thêm là khi chúng ta đã xác định “sống chung với dịch” thì phải chấp nhận những rủi ro và giảm bớt những tiêu chuẩn quá cao, đồng thời ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe.

Hoạt động vận tải hành khách là nhu cầu cấp thiết hiện nay của người dân, tác động rất lớn đến quá trình “bình thường mới”. Mở cửa giao thông nhưng phải trên cơ sở an toàn, tiến tới từng bước phục hồi hoàn toàn hoạt động vận tải. Tuy nhiên, điều người dân cần nhất lúc này là một sự thống nhất quy định giữa các địa phương để việc đi lại được thuận tiện, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, mỗi địa phương quy định một kiểu. Chỉ có như vậy, mở cửa giao thông mới thực sự đảm bảo thông suốt./.

Ngọc Hà/VOV2

 

Bình luận

    Chưa có bình luận