Có địa phương thiếu hụt tới 40.000 - 50.000 lao động
Dịch Covid-19 đã khiến nhiều người lao động (NLĐ) lâm vào cảnh khốn khó do mất việc làm, không đủ tiền để duy trì cuộc sống. Nếu như trước đây NLĐ chấp nhận “ly hương” đổ xô vào các thành phố lớn với mong muốn có thu nhập ổn định nuôi sống gia đình thì nay họ lại tìm mọi cách về quê. Mặc dù Chính phủ, địa phương sở tại, các bộ, ban, ngành, cộng đồng… đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nhưng không ngăn được dòng người hồi hương, ngay cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần phục hồi hoạt động trở lại. Điều này khiến doanh nghiệp (DN) phía Nam thiếu lao động trầm trọng trong mong muốn tái sản xuất, thực hiện nhiều đơn hàng…
Xét về tỉ lệ lây nhiễm thì Bình Dương đang ở mức cao. Trong số 2,6 triệu người đang sinh sống và làm việc tại đây, số người nhiễm Covid-19 khoảng 200.000 người, chiếm tỉ lệ hơn 7%. Do đó, hoạt động của các DN trên địa bàn bị ảnh hưởng nhiều. Trong tổng số 1,2 triệu lao động có tới khoảng 750.000 lao động phải ngừng việc. Theo dự báo Bình Dương có thể thiếu hụt 40.000 - 50.000 lao động khi các DN hoạt động trở lại.
Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cũng gặp trở ngại tương tự. Hiện TP.HCM có trên 470.000 DN đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, DN vừa và nhỏ chiếm 98% nên khi dịch bệnh xảy ra trong thời gian dài, hầu hết các DN không đủ sức chống chịu, nhiều DN phá sản. Kinh tế bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là ngành may mặc, giày da, dịch vụ thương mại, giao thông… Ước tính có 1,7 triệu lao động phải nghỉ việc.
Ông Phạm Thanh Trực, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, đầu năm 2021, tổng số lao động làm việc tại đây là 288.000 lao động. Dịch bệnh bùng phát chỉ có 720 DN thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” với số lao động sử dụng tại thời điểm này là 64.000 người. Số lao động về quê vào khoảng 31.000 người. Tuy nhiên, hầu hết lao động rời về các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... nên khả năng số lao động này quay lại làm việc nhiều khả quan.
Không may mắn như Hepza, Công ty Phát triển hạ tầng KCN Tân Tạo tiến hành cuộc khảo sát chuẩn bị nhân lực cho tháng 10 thì kết quả chỉ có 40 % lao động mong muốn quay trở lại làm việc. Ông Trần Việt Anh, Giám đốc dự án Công ty, phân tích, có thể chia lực lượng lao động thành 4 nhóm gồm: lực lượng làm trong các DN FDI, nhóm lao động làm trong các khu công nghiệp, nhóm lao động làm việc ngoài khu công nghiệp và lao động tự do. Hai nhóm đầu là lực lượng lao động kỹ thuật thu nhập tương đối ổn định nên tỉ lệ dịch chuyển thấp hơn. Tuy nhiên, cả 4 nhóm hầu hết sống ở các xóm trọ, chật hẹp, tạm bợ, không thể đảm bảo 5K. Sống trong môi trường như vậy, nhiều người lao động sẽ muốn về quê, nhất là nhóm lao động tự do bởi họ không được mua bảo hiểm, tiếp cận công nghệ chậm, việc tiêm vaccine cũng đi sau các nhóm lao động khác.
“Đón lao động trở lại như đón người thân về với gia đình doanh nghiệp”
TS Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, để khôi phục đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu phải mất từ 3 - 9 tháng, còn để khôi phục nguồn nhân lực, cả lao động phổ thông và lao động có tay nghề, những vị trí lao động kỹ thuật, phụ trách chuyên môn sẽ phải gặp khó khăn và thời gian gấp 3 lần như thế. Đây là vấn đề thực sự nan giải cần sự nỗ lực chung của tất cả các bên.
Ông Tiến đề xuất, chính quyền và DN cần tập trung ưu tiên 5 nội dung nhằm hướng tới sự an tâm cho NLĐ. Cụ thể, chính quyền thực hiện tiêm vaccine đầy đủ; còn DN thông qua mạng xã hội, điện thoại, zalo… hoặc gửi thư kêu gọi cho từng NLĐ và gia đình họ, đồng thời phối hợp để tổ chức đón họ từ quê ra như đón người thân trở về với gia đình là doanh nghiệp. Công bố và thực hiện tốt các chế độ tiền lương, tiền thưởng, làm thêm giờ, phúc lợi, an toàn vệ sinh lao động… Có chính sách khuyến khích đặc biệt cho những NLĐ gắn bó với doanh nghiệp lúc khó khăn đặc biệt này này. DN phải nghiêm túc đầu tư và kiện toàn đầy đủ nhân lực, thiết bị của bộ phận y tế, bộ phận phụ trách an toàn, vệ sinh lao động tại DN theo quy định. Cải tạo, nâng cấp để cải thiện môi trường làm việc, nơi sinh hoạt của NLĐ được tốt hơn.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM cho biết, vấn đề lao động việc làm được các cấp lãnh đạo, trong đó có lãnh đạo TP.HCM rất quan tâm để phục hồi phát triển kinh tế. Sở sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lao động các tỉnh trở lại làm việc. Ngoài ra, ông Tấn cho rằng lực lượng lao động nước ngoài cũng rất quan trọng bởi họ là nhà quản lý, chuyên gia, lao động chất lượng cao. Thành phố đang cấp phép cho 27.000 lao động của 141 quốc gia, vùng lãnh thổ làm việc tại TP.HCM. Sở sẽ tiếp tục tạo điều kiện để lao động nước ngoài nhập cảnh thuận lợi hơn.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh, chính sách an sinh là điều vô cùng quan trọng để giữ chân người lao động. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân, DN như Nghị quyết 42 gói 62.000 tỉ đồng; Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đưa ra gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng…Tổng 4 gói mà Chính phủ đã hỗ trợ người dân và DN là khoảng 10,2 tỉ USD, tương đương 2% GDP. Ngoài ra hỗ trợ 135.000 tấn gạo cho các tỉnh, thành phía Nam. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đã tung ra các gói hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, tổ chức sản xuất an toàn để thu hút NLĐ và giúp họ yên tâm làm việc. Cần củng cố xây dựng năng lực y tế bài bản để kịp thời điều trị các ca F0. Bên cạnh đó có chính sách lương, phúc lợi thỏa đáng cho NLĐ.
Về phía với DN, Thứ trưởng đề nghị cần có chế độ phúc lợi cũng như bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân. Đồng thời, triển khai giải pháp an sinh xã hội và chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của NLĐ để họ yên tâm công tác. Cùng với đó là đào tạo lại lao động bởi đây là giải pháp quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3: “Đại dịch đã khiến lãnh đạo Công ty CP May Sài Gòn 3 có cái nhìn sâu hơn về việc chăm sóc sức khoẻ cho người lao động. Chúng tôi đã lập quỹ chăm lo cho NLĐ trong suốt thời gian đại dịch diễn ra. Nhờ đó, NLĐ gắn bó lâu năm và chia sẻ khó khănvới DN. Thời gian tới 70 - 80% số lượng NLĐ sẽ quay lại làm việc. Nguồn đơn hàng của các DN cũng khá dồi dào nên việc gia tăng sản xuất sẽ diễn ra trong quý IV”.
Ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực và Thực phẩm TP.HCM, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn:
“Chăm lo tốt sẽ giữ chân NLĐ trong đại dịch. Khi thực hiện “3 tại chỗ”, ban lãnh đạo công ty cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với NLĐ và chủ động chăm lo suất ăn tốt hơn cho họ. Với những NLĐ không tham gia “3 tại chỗ” công ty tiến hành các công việc chăm lo như đi chợ hộ. Đồng thời, tiếp cận và tiêm vaccine từ rất sớm cho NLĐ. Hiện tại đa số lao động của công ty đều đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Vì thế chỉ có khoảng 20 trong tổng số 400 lao động của công ty về quê, số này sẵn sàng quay lại nhà máy trong nay mai”.
Ông Trần Việt Anh, Giám đốc dự án Công ty Phát triển hạ tầng KCN Tân Tạo:
“Để bảo đảm nguồn lực lao động tại TP.HCM, trong tương lai, TP cần quan tâm xây dựng các khu lưu trú, khu nhà ở cho công nhân, xây dựng các trung tâm y tế phục vụ NLĐ tự do. Cộng đồng DN phải mời NLĐ trở lại bằng các thông tin cụ thể về chế độ đãi ngộ cũng như chuẩn bị sẵn các biện pháp an toàn phòng chống dịch Covid-19 để họ an tâm trở lại làm việc. Mỗi khu công nghiệp cần có một bệnh viện dã chiến mini để công nhân trong trường nhiễm bệnh có thể được điều trị”.
|