Vì sao, sau 2 năm không có ai cược tiền để tự bảo quản phương tiện vi phạm?

Bộ Công an đang dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 31/2020 về việc cho phép người dân cược tiền để tự bảo quản phương tiện vi phạm giao thông.

 

Vừa đi thực hiện các thủ tục nộp phạt và nhận chiếc xe máy vì lỗi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, anh Nguyễn Văn Tuyền, ở Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội vẫn xót của vì vừa mất tiền phạt, chiếc xe lại bị phơi mưa, phơi nắng.

Hỏi lý do không cược tiền để tự bảo quản phương tiện, anh Tuyền cho biết do thủ tục quá nhiêu khê khi yêu cầu chủ phương tiện phải làm đơn, khai báo đủ các nội dung liên quan, giấy tờ xác nhận…

"Nhiều thủ tục như thế nó hơi rườm rà, nếu cần thiết thì chỉ cần một giấy cam đoan là được, bởi vì cái đó là phương tiện của mình".

Tương tự, tài xế Grab Nguyễn Văn Linh, ở Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội cũng thà bị giam xe chứ không cược tiền, vì dù bỏ ra số tiền không nhỏ để cược tiền và tự bảo quản, nhưng không được sử dụng.

Thống kê của Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho thấy, từ tháng 5/2020 đến nay đơn vị đã tạm giữ 1.421 phương tiện, trong đó có 1.360 moto, xe máy, 51 tô các loại.

Đến thời điểm này, chưa có trường hợp nào người dân thực hiện thủ tục cược tiền để tự bảo quản phương tiện vi phạm.

Lý giải về điều này, thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho biết:

"Nhiều người dân vẫn còn tâm lý ngại thủ tục hành chính giấy tờ hoặc không chuẩn bị đủ tiền để đặt cọc nên chưa tiếp cận được hình thức tự bảo quản phương tiện. Các phương tiện chủ yếu tạm giữ khoảng 7 ngày nhưng người dân cũng chưa có nhu cầu cấp thiết về tự bảo quản phương tiện".

Thống kê tại Đội CSGT số 14, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cũng cho thấy, từ khi Nghị định 31 có hiệu lực đến nay đơn vị đã tạm giữ 1.039 phương tiện, trong đó có 11 ô tô, còn lại là mô tô, xe gắn máy, nhưng chưa có trường hợp nào đặt tiền để tự bảo quản phương tiện.

Đại diện Đội CSGT số 14 cho biết, theo quy định, người vi phạm phải đặt tiền ít nhất bằng mức tối đa của khung hình phạt nên nhiều trường hợp không đủ tiền để bảo lãnh phương tiện.

Đại úy Nguyễn Tuấn Anh, Đội Tuyên truyền, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cũng cho biết, từ tháng 5/2020 đến nay, đơn vị đã tạm giữ hơn 19 nghìn phương tiện, trong đó có 811 ô tô, hơn 18 nghìn mô tô, xe ba bánh.

Ngoài số phương tiện đã trả lại cho người vi phạm và số phương tiện bị tịch thu. Hiện tại đơn vị đang tạm giữ 2.100 phương tiện, trong đó có 17 ô tô. Tuy vậy, đến nay đơn vị chưa tiếp nhận trường hợp nào người dân đặt tiền để tự bảo quản phương tiện. Đại úy Nguyễn Tuấn Anh lý giải: "Vẫn có nhiều quy định rườm rà, người vi phạm không được lấy phương tiện ngay tại thời điểm vi phạm, mà phải làm đơn đề nghị đảm bảo các thông tin quy định, có giấy tờ chứng minh về thường trú, tạm trú, xác nhận của cơ quan, tổ chức…; chờ người có thẩm quyền quyết định, từ 2 đến 3 ngày mới được giữ, bảo quản phương tiện, có thể phải đi lại nhiều lần, làm lại thủ tục…"

Việc người dân phải bỏ ra số tiền lớn, tương đương với mức phạt tối đa nhưng không được sử dụng phương tiện khiến người dân không mặn mà với việc cược tiền để tự bảo quản phương tiện.

Tượng tự, tại TP.HCM sau 2 năm triển khai việc cho người dân cược tiền để tự bảo quản phương tiện, nhưng cũng không có trường hợp nào người dân tiếp cận, sử dụng phương thức này.

Lý giải về điều này, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, trình tự, thủ tục để giải quyết việc cho người dân tạm giữ phương tiện hiện vẫn quá rườm rà, thực chất, nếu người dân cược tiền, với số tiền không nhỏ nhưng thực chất họ chỉ được bảo quản khoảng 4 ngày là không hợp lý: "Cách làm nghe có vẻ hợp lý nhưng rất nhiêu khê, tại sao lại phải cược số tiền lớn như thế? Cược số tiền nó phải phù hợp với túi tiền của người dân. Ở đây các cơ quan chức năng làm chưa được khoa học, chưa hợp lý, chưa hiệu quả và chưa phù hợp với thực tế".

Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng, việc người dân phải bỏ ra số tiền lớn, tương đương với mức phạt tối đa nhưng không được sử dụng phương tiện khiến người dân không mặn mà với việc cược tiền để tự bảo quản phương tiện: "Như vậy không thỏa đáng, cần phải cho tiếp tục lưu hành, chỉ có phương tiện đó không đảm bảo yêu cầu về đăng ký, đăng kiểm thì còn phải tính lại, chứ nếu đủ những tiêu chuẩn về an toàn giao thông mà không cho lưu hành thì cũng là cái làm nữa chừng".

Việc cho phép người vi phạm cược tiền để tự bảo quản phương tiện giao thông được kỳ vọng giúp giảm tải cho các bãi trông giữ phương tiện, tránh lãng phí. Tuy vậy, dưới góc nhìn của VOVGT, ngay cả khi mục đích tốt, song đích hướng tới chưa trúng khiến quy định chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Góc nhìn của VOVGT qua bài bình luận: Đừng đi lại vết xe đổ

Phải khẳng định rằng, việc đề ra giải pháp cho phép người vi phạm cược tiền để tự bảo quản phương tiện là một ý tưởng tốt nhằm tránh lãng phí, tránh nguy cơ cháy nổ tại các bãi tạm giữ phương tiện vi phạm.

Song nhìn nhận lại, có rất nhiều nguyên nhân khiến người dân chưa mặn mà.

Trước hết, theo quy định hiện hành, phương tiện chỉ bị tạm giữ đối với các trường hợp cần thiết, mà nếu không tạm giữ xe thì có thể gây nguy hiểm cho xã hội (như vi phạm ma túy, nồng độ cồn); tạm giữ để đảm bảo quyết định xử phạt được thực thi (đối với trường hợp phương tiện không mang theo giấy phép lái xe, giấy phép lưu hành phương tiện…)

Đối với trường hợp đầu tiên, thời hạn tạm giữ thường là 7 ngày, còn với trường hợp thứ 2, khi người vi phạm mang tiền nộp phạt, phương tiện sẽ được trả lại cho người sử dụng.

Mặc dù số trường hợp bị tạm giữ được thu hẹp, thời gian tạm giữ chỉ khoảng 7 ngày, song để hoàn thành các thủ tục cược tiền để tự bảo quản phương tiện, người dân phải chờ từ 2-3 ngày với rất nhiều giấy tờ, thủ tục liên quan, nhiều cơ quan xác nhận, thậm chí phải đi lại nhiều lần. Như vậy, thực chất, khi đã cược tiền, người dân cũng chỉ tự bảo quản phương tiện khoảng 4 ngày.

Đó là chưa kể, khi sử dụng biện pháp cược tiền, vi phạm này còn được báo về UBND xã phường nơi người vi phạm cư trú hoặc đơn vị công tác để phối hợp giám sát để người dân không đem phương tiện ra lưu thông. Đây là điều hầu như không ai mong muốn. Do vậy, gần 2 năm thực hiện nghị định 31/2020, không ai sử dụng hình thức này cũng là điều dễ hiểu.

Lâu nay, không ít trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật đưa ra những quy định thiếu thực tế, khiến văn bản luật “lỗi nhịp” với cuộc sống hoặc bất khả thi.

Điển hình như Nghị định 34/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có quy định xử phạt những người hành nghề xe ôm không đeo biển hiệu và không có trang phục do cấp tỉnh quy định để phân biệt với những người tham gia giao thông khác… chỉ để đó bởi không thực thi được.

Quy định phạt tiền chủ nuôi từ 600 đến 800 nghìn đồng theo Nghị định 90/2017 đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó, không có xích giữ chó hoặc không có người dắt khi đưa chó đến nơi công cộng… cũng trong tình trạng tương tự.

Trở lại nghị định 31/2020, vấn đề tồn tại thực chất của tình trạng lãng phí, nguy cơ cháy nổ của các bãi tạm giữ phương tiện nằm ở thủ tục xử lý xe tồn, xe vô chủ.

Phản ánh của các chủ bãi trông giữ phương tiện cho thấy, gần như toàn bộ những chiếc xe vô chủ từ 2-3 tháng sau đó đều không có người đến nhận, trong khi thủ tục thanh lý quá phức tạp, khiến những chiếc xe này bị tồn đọng, phơi mưa, phơi nắng, chứ không nằm ở việc cho phép người dân cược tiền để tự bảo quản phương tiện.

Đáng tiếc, dự thảo nghị định quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính thay thế nghị định 31/2020 do Bộ Công an đang hoàn thành, chuẩn bị trình Chính phủ vẫn quy định thời hạn giải quyết thủ tục cho người dân cược tiền để tự bảo quản phương tiện vẫn từ 2-3 ngày, vẫn những thủ tục hành chính rườm rà với rất nhiều xác nhận của nhiều cơ quan, đơn vị.

Trong khi vấn đề lớn nhất của các bãi trông giữ phương tiện vi phạm – đó là thủ tục thanh lý xe vô chủ vẫn chưa được tháo gỡ.

Vì vậy, dù mục đích là tốt, song do chưa nhắm trúng đích, dự thảo nghị định quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, thay thế nghị định 31 rất có nguy cơ lặp lại “vết xe đổ” của nghị định 31/2020 và tiếp tục “lỗi nhịp”./

Kiều Tuyết - Quách Đồng/VOVgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận