Vaccine và điều kiện để trẻ em trở lại trường

  • 30/09/2021 03:35:22
  • Hương Giang
  • Xã hội
  • 0

Cho đến lúc tiếp cận được vaccine tiêm cho trẻ, để mở cửa lại trường học cần đảm bảo lớp học/trường học phải an toàn, thầy cô và trò/phụ huynh đưa đón an toàn.

 

Đại dịch Covid-19 kéo dài không chỉ làm đảo lộn đời sống, kinh tế xã hội mà còn tác động tiêu cực đến trẻ em. Việc tính toán mở cửa lại trường học cần đảm bảo điều kiện gì để thích ứng với bình thường mới?

Sống chung an toàn với dịch

Mới đây, tỉnh Hà Nam phát hiện 14 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 5 học sinh đang theo học tại các trường mầm non, tiểu học và THCS ở TP Phủ Lý. Lập tức UBND tỉnh Hà Nam đã ra văn bản thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố và cho các cháu từ bậc mầm non tới học sinh, sinh viên, học viên các trường tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục nghỉ học từ ngày 27/9/2021, chuyển sang học trực tuyến đến khi kiểm soát tốt được dịch bệnh. Trước đó (ngày 23/8), lớp học ở xã Phú Nhuận (huyện Như Thanh, Thanh Hóa) có cô giáo nhiễm Covid-19 tiếp xúc với học sinh trong ngày tựu trường, khiến toàn xã Phú Nhuận phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Hà Nội sẽ tiếp tục chuẩn bị phương án phủ vaccine mũi 2 cho người dân vào nửa đầu tháng 11 để tính phương án cho học sinh, sinh viên quay trở lại trường.

Dịch bệnh kéo dài gần 2 năm qua, cùng với các ngành nghề khác, ngành giáo dục cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức do sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT đến tối ngày 19/9, cả nước ta có 25 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp; 24 tỉnh, thành phố dạy học trực tuyến và 14 tỉnh kết hợp giữa các phương thức. Học sinh Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác đã phải ở nhà, học trực tuyến từ năm học trước kéo dài sang năm học này và ngày trở lại trường vẫn đang phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Việc dạy và học trực tuyến được xem là giải pháp tạm thời để đảm bảo quyền học tập của học sinh. Tuy nhiên, với những hệ lụy từ việc học tập trực tuyến kéo dài đang là vấn đề được nhiều quốc gia lưu tâm. Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF) nhận định thế giới đang chứng kiến “tình trạng khẩn cấp về giáo dục”, bởi đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực tới quyền học tập và hưởng các phúc lợi xã hội tại trường học, đồng nghĩa với việc tương lai và hạnh phúc của trẻ em cũng chịu tác động.

Trước vấn đề học sinh phải đối diện với việc học trực tuyến kéo dài, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) tỏ ra rất đồng tình khi ngành giáo dục đang lên phương án an toàn cho việc sớm mở cửa lại trường học. Ông cho rằng: “Việc các cháu ở nhà mãi, không được vận động, không tương tác còn có thể ảnh hưởng tới tinh thần và thể chất, và có thể mắc một số bệnh béo phì và các bệnh không lây nhiễm. Cho nên, việc nhanh chóng cho các cháu đi học trở lại là cần thiết nhưng lớp học/trường học và cô trò cũng như phụ huynh đưa đón phải an toàn”.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế). Ảnh: KT

“Vaccine là rất quan trọng để bảo vệ trẻ nhưng chúng ta không nên chờ đợi vào vaccine mà cần có phương án an toàn cho các cháu đến trường. Bởi nếu học online kéo dài, trẻ sẽ có nguy cơ bị khiếm khuyết về năng lực học tập và thể chất và tinh thần”.

PGS.TS Trần Đắc Phu

Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, trong các cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch, tinh thần “phải an toàn, an tâm mới đi học trở lại”, “mở cửa trường học là phải an toàn, an toàn thì mới mở cửa”… luôn được nhấn mạnh. Gần đây, tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã luôn nhấn mạnh tới việc chung sống với dịch bệnh an toàn khi trở về trạng thái bình thường mới, bởi chúng ta không thể xác định là “Zero Covid".

“Chúng ta phải thích ứng nhưng mà thích ứng an toàn, linh hoạt, thích ứng có kiểm soát với dịch bệnh; và chúng ta phải hoàn thành quy định thích ứng này cho phù hợp nhưng mà thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thì cần những 6 nguyên tắc, trong đó vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo TS.BS Phạm Quang Thái, Việt Nam đã có kế hoạch đặt mua bổ sung 20 triệu liều vaccine để đáp ứng đủ tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi (khoảng 9-10 triệu trẻ). Ảnh: KT

Điều kiện để mở cửa lại trường học

Sở GD-ĐT TP.HCM đã đề xuất các yếu tố để mở cửa trường học, trong đó địa phương (bao gồm thành phố Thủ Đức và các quận, huyện) phải được xác định là an toàn theo bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong trường học. Đội ngũ giáo viên phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine trước ngày đến trường ít nhất 2 tuần. Đồng thời Sở GD-ĐT TP.HCM cũng có tờ trình gửi UBND TP đề xuất tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho học sinh trong độ tuổi từ 12-18 trên địa bàn trước khi kết thúc học kỳ 1 để học sinh có thể đến trường học tập. UBND TP Hà Nội cũng ra Chỉ thị số 21/CT-UBND yêu cầu Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các quận, huyện thị xã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch.

Về việc phủ vaccine được xem là yếu tố quyết định để sớm đưa học sinh trở lại trường trong trạng thái "bình thường mới", TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng phía Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Trong các loại vaccine Covid-19 đang được tiêm, hiện chỉ có vaccine Pfizer đã có hồ sơ an toàn và được phê duyệt để tiêm cho người từ 12-18 tuổi tại Mỹ cũng như đã được duyệt hồ sơ tại Việt Nam. Hãng này cũng đã thử nghiệm lâm sàng cho nhóm dưới 12 tuổi. Tại Mỹ, vaccine này được yêu cầu bổ sung đối tượng cho thử nghiệm lâm sàng trước khi FDA Mỹ thông qua cho nhóm trẻ nhỏ hơn. Trong khi đó, một số vaccine như Moderna cũng đã xong thủ tục thử nghiệm lâm sàng và được công nhận tiêm cho trẻ em ở một số quốc gia ở châu Âu và một số vaccine khác cũng đã được phê duyệt cho nhóm tuổi này nhưng ở mức độ quốc gia thay vì mức độ toàn cầu.

TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng phía Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. (Ảnh: KT)

Theo ông Phạm Quang Thái, trước đây, với chủng cũ chỉ cần độ phủ vaccine 70% thì có thể yên tâm, tuy nhiên trước biến chủng Delta ở đợt bùng phát dịch thứ 4 này, có rất nhiều người đã tiêm 2 mũi vaccine rồi vẫn có thể bị nhiễm và lây tiếp virus SARS-CoV-2 cho người khác. Điều đó có nghĩa khi nào cả cộng đồng được bảo vệ bởi vaccine thì lúc đấy mới thực sự an toàn. “Hiện nay, ngoài những đối tượng ưu tiên tiêm vaccine thì còn có người già bệnh nền và trẻ em chưa được bảo vệ. WHO, CDC Hoa Kỳ và nhiều tổ chức khác cũng khuyến cáo, để đạt miễn dịch cộng đồng thì tỷ lệ bao phủ vaccine lúc này không phải 70%, mà cần đạt 90%. Đây cũng là điều rất khó để nước ta thực hiện trong thời điểm hiện tại khi mà khả năng cung ứng vaccine vẫn còn rất khó khăn”, ông Thái cho hay.

Ông Phạm Quang Thái cho biết, Bộ Y tế có kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em và các địa phương đã thu thập danh sách trẻ em để tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cung ứng vaccine cho Việt Nam còn rất hạn chế, nên hiện Việt Nam mới chỉ nhắm đến đối tượng nguy cơ cao hơn trong khi trẻ em nếu mắc Covid-19 thường có triệu chứng, biến chứng nhẹ hơn rất nhiều so với người lớn. Tại nước ta, tỷ lệ bệnh nhi mắc Covid-19 trở nặng và tử vong hiện thấp hơn nhiều so với nhóm người lớn. Do vậy các chuyên gia cho rằng, để mở cửa lại trường học thích ứng với trạng thái bình thường khi chưa có vaccine thì địa phương và trường học phải có phương án an toàn nằm trong tổng thể chung an toàn trong bình thường mới.

Hiện, Hà Nội đã đạt 94,2% mũi 1 với người trên 18 tuổi, nhưng trạng thái thành phố vẫn chưa thể về "bình thường mới", vì mũi 2 mới đạt tỷ lệ 12%. Trong khi Bộ Y tế quy định, muốn trở về "bình thường mới", phải trên 70% mũi 1 và trên 20% mũi 2. Theo Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong, Hà Nội sẽ tiếp tục chuẩn bị phương án phủ vaccine mũi 2 cho người dân vào nửa đầu tháng 11 để tính phương án cho học sinh, sinh viên quay trở lại trường.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết thêm: “Cũng như người lớn, vaccine cũng không bảo vệ cho trẻ được 100% mà vẫn có thể nhiễm virus, nhưng vaccine giúp giảm nguy cơ mắc cũng như giảm nguy cơ bệnh nặng và nguy cơ tử vong. Nếu WHO công nhận vaccine an toàn cho trẻ, phụ huynh không nên lo lắng về độ an toàn khi trẻ tiêm”.

Theo TS.BS Phạm Quang Thái, Việt Nam đã có kế hoạch đặt mua bổ sung 20 triệu liều vaccine để đáp ứng đủ tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi (khoảng 9-10 triệu trẻ). Cho đến lúc tiếp cận được số vaccine này, để mở cửa lại trường học cần đảm bảo lớp học/trường học phải an toàn, thầy cô và trò/phụ huynh đưa đón an toàn. Ông Thái lưu ý: “Các cháu trở lại trường an toàn thì đầu tiên các thầy cô phải an toàn (tiêm xong) và cộng đồng (phường/xã/thị trấn) nơi các cháu ở phải an toàn. Việc quan trọng là rà soát kiểm soát tốt dịch trong cộng đồng chứ trường học không phải nơi khuyến cáo xét nghiệm sàng lọc, bởi vì vừa lãng phí vừa không giải quyết được vấn đề gì. Học sinh tới trường từ rất nhiều địa phương khác nhau nhất là các trường chuyên, trường điểm, việc kiểm soát tại nguồn, tức là từ cộng đồng mới là giải pháp an toàn khi tiến hành mở cửa trở lại. Muốn cộng đồng đó an toàn thì cần quản lý tốt đối tượng xâm nhập vào cộng đồng có an toàn hay không, độ nhạy của giám sát dịch bệnh càng cao thì trường học sẽ càng an toàn”./.

Hương Giang

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận