Tour kết nối các "vùng xanh"
Với kinh nghiệm từ các đợt kích cầu du lịch trước đây, ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, điểm đến, lữ hành, nhà cung cấp dịch vụ, chính quyền và cơ quan quản lý, tổ chức hiệp hội sẽ tạo ra những sản phẩm đặc sắc, độc đáo, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch và đáp ứng nhu cầu của du khách. Tiêu biểu là năm 2020, hàng loạt sản phẩm du lịch kết nối Hà Nội với Quảng Ninh, Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Phú Thọ... đã được triển khai. Tuy nhiên, việc phục hồi du lịch lần này sẽ có nhiều sự thay đổi.
"Trong tình hình hiện nay cần tạo ra các sản phẩm du lịch xanh, đó là khách an toàn, lộ trình di chuyển an toàn, lưu trú an toàn, vui chơi - giải trí an toàn. Chúng ta phải sớm liên kết được các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng này với nhiều gói sản phẩm để giới thiệu tới du khách. Các đơn vị không đảm bảo điều kiện an toàn phòng chống dịch Covid-19 sẽ không được phép hoạt động" - ông Trần Trung Hiếu nhận định.
Ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho biết chiến dịch "Xanh Xanh" bao gồm các sản phẩm du lịch kết nối điểm đến an toàn về dịch bệnh Covid-19 (hay còn gọi là "vùng xanh"). Đây là chiến dịch thúc đẩy du lịch nội địa, trước mắt là kết nối đường bộ giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố lân cận. "5 xanh" gồm thẻ thông hành xanh, doanh nghiệp xanh, hành lang xanh, điểm đến xanh và dịch vụ xanh.
"Đẩy mạnh du lịch nội địa giữa các”'vùng xanh” sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp và địa phương được tham gia và hưởng lợi, nhất là khi không ít doanh nghiệp đã rất khó khăn như hiện nay. Đây là các tour du lịch khép kín, được giám sát, kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo an toàn. Du khách và các cá nhân tham gia đều cần tiêm vaccine Covid-19 hoặc xét nghiệm âm tính" - ông Phùng Quang Thắng nói.
Theo ông Thắng, trong thời gian tới hoạt động du lịch không thể diễn ra tự do, tự phát như trước mà cần sự kiểm soát cùng các điều kiện để hoạt động. Cụ thể là phải có các điều kiện cho tất cả các bên tham gia vào chuỗi cung ứng du lịch như lữ hành, lưu trú, điểm đến, ăn uống, vui chơi… Các cơ quan quản lý tại địa phương sẽ cấp phép và giám sát để đảm bảo an toàn và chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn.
Hội Lữ hành Hà Nội và các doanh nghiệp đã xây dựng một số sản phẩm du lịch an toàn để thí điểm, như tour khám phá Đường Lâm, đoàn xe du lịch tự lái (caravan) Đông Tây Bắc hoặc tour đạp xe an toàn Hà Nội - Ninh Bình - Nam Định… Ông Phùng Quang Thắng cho biết đã gửi phương án tổ chức những sản phẩm này tới các địa phương và kỳ vọng được hỗ trợ, tạo điều kiện chạy thử một số tour thí điểm vào tháng 10, 11 tới.
Cần được thống nhất, có đơn vị chủ trì
Hiện nay tại Hà Nội nhu cầu du lịch tăng cao và nhiều người đã được tiêm vaccine, vì vậy ông Phùng Quang Thắng tin rằng việc tổ chức các hành trình đường bộ từ Hà Nội tới các địa phương đang là "vùng xanh" sẽ thành công, nếu có sự hỗ trợ và đồng bộ giữa các tỉnh, thành phố.
"Nhiều công ty lữ hành tại Hà Nội đã sẵn sàng, nhân sự đã tiêm vaccine, sản phẩm đã được xây dựng cùng phương án tổ chức an toàn. Hà Nội rất rộng lớn, nhiều nơi đã là “vùng xanh” và người dân nhu cầu du lịch rất cao. Tuy nhiên du lịch phụ thuộc rất nhiều vào quy định giãn cách, quan trọng là địa phương nào sẵn sàng đón khách. Ngoài ra, tuyến du lịch giữa các 'vùng xanh' có thể phải đi qua “vùng đỏ”, vì vậy cũng rất mong chính quyền tại “vùng đỏ” có cơ chế hỗ trợ" - ông Phùng Quang Thắng nói.
Ngoài ra, Hội Lữ hành Hà Nội cũng đề nghị sau khi thống nhất sản phẩm thì các địa phương sẽ đứng ra quảng bá tới người tiêu dùng, vì doanh nghiệp du lịch không còn nguồn lực nữa. Các địa phương cũng cần có cơ chế linh hoạt trong ban hành chính sách, thiết lập kênh thông tin nhanh chóng, chính xác tới doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình dịch bệnh thay đổi liên tục như hiện nay.
Tuy nhiên, ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho rằng việc khôi phục hoạt động du lịch không nên vội vàng, cần thí điểm một số tour tại 1-2 địa phương và do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đứng ra chủ trì, ban hành các tiêu chí chung cho doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ, lưu trú… nếu không sẽ vướng rất nhiều rào cản. Ví dụ, du khách có thể bị cách ly khi đến địa phương khác hoặc quay về nơi cư trú nếu dịch bệnh bất ngờ bùng phát.
Theo ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Giang, các bên liên quan cần thống nhất về một kịch bản mới để phục hồi du lịch. Ngành du lịch Hà Giang xác định tập trung thu hút khách nội địa nên đã xây dựng sản phẩm cho thị trường này, dự kiến đón khách đủ điều kiện vào tháng 10. Hà Giang cũng đôn đốc các cơ sở kinh doanh dịch vụ, khu, điểm du lịch ra soát điều kiện an toàn để sẵn sàng đón khách. Tương tự, các địa phương muốn thu hút du khách thì cũng phải đặt ra các tiêu chí, mục tiêu cụ thể như vậy./.
Theo VOV.VN