Tiếp sức để doanh nghiệp gượng dậy
Là một ngành kinh doanh tổng hợp, bao gồm rất nhiều hoạt động kinh tế tham gia như: tham quan nghỉ dưỡng, vui chơi, mua sắm, ăn uống, lưu trú, di chuyển,... nên du lịch được ví như một dàn nhạc giao hưởng. Cho nên trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước phải đóng vai trò là người nhạc trưởng để dẫn dắt. Ngoài việc lập các kế hoạch tổng thể, ban hành các cơ chế chính sách, các bộ tiêu chí an toàn… để địa phương và doanh nghiệp làm “kim chỉ nam” thực hiện, Nhà nước cần có giải pháp tiếp sức như thực hiện các gói ưu đãi, giãn giảm thuế, miễn giảm ký quỹ… Các gói giải cứu phải dễ tiếp cận, giảm bớt thủ tục rườm rà gây khó cho doanh nghiệp.
Theo ông Đặng Mạnh Phước - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn và Quản lý Điểm đến OUTBOX, sau 2 năm gần như bị đóng băng bởi dịch bệnh, hơn 50% doanh nghiệp kinh doanh du lịch bị phá sản, ngưng hoạt động hoặc phải chuyển đổi sang lĩnh vực khác để hoạt động tạm thời khiến mối liên kết ngành du lịch giờ đây khá lỏng lẻo, nội lực của ngành bị suy giảm nghiêm trọng. Vì vậy, một chiến lược quốc gia phục hồi du lịch là rất cần thiết lúc này.
“Việc khôi phục lại hoạt động của toàn ngành du lịch đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể, một tầm nhìn và mục tiêu cụ thể hơn, xa hơn từ cơ quan quản lý du lịch ở cấp Trung ương, cụ thể là Tổng cục du lịch Việt Nam. Chúng tôi vẫn hy vọng là sẽ có một chiến lược tổng thể đó hơn là những phong trào mở cửa hay khôi phục du lịch cho từng địa phương”, ông Đặng Mạnh Phước chia sẻ.
Sản phẩm phải phù hợp bối cảnh “bình thường mới”
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch và Xã hội kiêm Giám đốc Công ty Golden Smile Travel cho rằng, du lịch là một ngành cần sự liên kết chặt chẽ giữa các vùng, các địa phương. Nếu chỉ một mình TP.HCM hay bất kỳ địa phương nào mở cửa mà các nơi khác chưa hoạt động trở lại thì cũng không thể tổ chức được tour tuyến.
Thêm vào đó, để hoạt động du lịch trong bối cảnh “bình thường mới” sẽ rất cần sự hợp tác, hỗ trợ từ các ban, ngành khác như: Ngành giao thông vận tải trong việc tạo “luồng xanh” cho du lịch; ngành y tế trong vấn đề tiếp nhận, điều trị khi xảy ra rủi ro có ca mắc COVID-19 trong hành trình;... Để kết nối được các ban, ngành này thì không ai có thể làm được ngoài các cơ quan quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương cũng cho rằng, trong vai trò kết nối, công tác quản lý Nhà nước không nên quá cứng nhắc mà cần cho phép các địa phương được sáng tạo, được tổ chức tour tuyến phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế: “Cần trao quyền cho các địa phương tự chủ động triển khai các giải pháp của mình. Không thể nói Chính phủ đặt ra Phú Quốc thì chỉ có Phú Quốc được làm. Tôi nghĩ những nơi như: Bình Định, Lý Sơn, hòn Một - hòn Mun của Nha Trang hay các khu đảo Nam Du,... vẫn có thể chủ động xây dựng được”.
Các chuyên gia nhận định rằng, dịch Covid-19 đã khiến hành vi và tâm lý của khách hàng thay đổi. Điều du khách quan tâm nhất là giải pháp an toàn. Vì thế, các doanh nghiệp cũng phải thay đổi sản phẩm cho phù hợp, phải thiết kế nên những tour tuyến khép kín, an toàn, hạn chế tối đa rủi ro dịch bệnh cho khách. Cùng với đó là tập huấn cho nhân sự những kỹ năng để làm việc, hoạt động trong bối cảnh “sống chung với dịch”.
Nói về lộ trình khôi phục du lịch, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vietravel nhận định, yếu tố quyết định là độ phủ vaccine. Hiện nay, TP.HCM và một số địa phương đã có độ phủ vaccine nhất định nhưng còn nhiều tỉnh, thành chưa có được điều này. Đây là một điểm hạn chế để thiết kế tour tuyến, chọn lựa điểm đến. Bởi vậy, bà Phương Hoàng cho rằng, việc mở cửa du lịch nên chia làm từng bước để thăm dò, hoàn thiện quy trình rồi từ từ mở rộng quy mô: “Chúng ta sẽ bắt đầu tổ chức tour tại các vùng được đánh giá là xanh, an toàn. Chúng ta sẽ tổ chức những tuyến du lịch khép kín, đi trong ngày. Lộ trình tiếp theo là chúng ta sẽ kết nối liên vùng, giữa TP.HCM với các tỉnh thành lân cận, cũng theo chuỗi khép kín. Rồi đến giai đoạn 3 thì chúng ta mới xây dựng lộ trình đầy đủ”.
Có thể thấy, câu chuyện khôi phục du lịch không phải là bài toán đơn giản. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã khá đuối sức sau 2 năm chống chọi với dịch bệnh, nhân sự của ngành đang thiếu hụt vì đã chuyển đổi ngành nghề… Bởi vậy, lúc này vai trò của người tổng chỉ huy rất quan trọng, có như vậy mới vực dậy nền công nghiệp không khói, xây dựng nên những chuỗi mô hình du lịch thích ứng với điều kiện “bình thường mới”./.