Trạm y tế lưu động: Điện thoại cá nhân trở thành hotline

Trong đại dịch, số điện thoại cá nhân của các y, bác sĩ bất đắc dĩ trở thành số hotline, tư vấn hỗ trợ điều trị cho các F0 tại nhà bất kể ngày đêm.

 

Trong đại dịch khốc liệt, số ca F0 tại địa bàn tăng cao, số điện thoại cá nhân của các y, bác sĩ cũng bất đắc dĩ trở thành số hotline, tư vấn hỗ trợ điều trị cho các F0 tại nhà bất kể ngày đêm. Nhân viên y tế phải thuộc từng ngõ hẻm để hỗ trợ F0 nhanh nhất.

Trong 5 khu phố thuộc phường Tân Hưng (quận 7, TP. Hồ Chí Minh), trạm y tế lưu động số 33 (đặt tại Ban quản lý dự án đường thủy, số 1041/80 Trần Xuân Soạn) phụ trách khu phố số 5 với 33 tổ dân phố, hơn 1.000 nhân khẩu, trong đó có khoảng 300 ca F0.

BS Hoàng Anh cùng học viên thăm hỏi, tư vấn sức khỏe cho các F0 đang được theo dõi chăm sóc sức khoẻ tại nhà.

Trong thời gian tăng cường giãn cách, số F0 của khu phố này đang được theo dõi và chăm sóc tại nhà lên đến 300 trường hợp. Bác sĩ Đoàn Thị Hoàng Anh - Bệnh viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội) được phân công phụ trách trạm y tế lưu động số 33, cùng 2 học viên Học viện Quân y với nhiệm vụ quản lý, chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà và hỗ trợ kiểm soát dịch tễ cộng đồng. Tuy nhiên, tại đây các học viên cũng không khỏi choáng khi tiếp cận với các F0 bởi mật độ dân cư dày đặc, lại thêm “ngõ nhỏ, lắm hẻm, nhiều ngách”… Việc tìm nhà F0 có nhiều “xẹt” là vô cùng khó khăn. “Chỉ việc đi vào “nhà dân” cũng rất vất vả, có những lúc, nửa đêm vào nhà F0 ở cuối hẻm, bình oxy cũng phải vác trên vai để chạy nhanh nhất có thể để cứu người bệnh, vì để bình ngang xe máy thì không đi được…”, BS Hoàng Anh trải lòng.

Để đáp ứng yêu cầu hỗ trợ F0 một cách nhanh nhất, cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của tình nguyện viên bản địa, những thầy thuốc phụ trách trạm y tế lưu động số 33 cũng phải tự ghi nhớ địa bàn bằng nhiều cách, đến nay, đã tất cả gần như đã thuộc lòng từng con đường, ngõ hẻm nơi đây.

Cũng giống bao tình nguyện viên khác, khi dịch ở TP Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, BS Hoàng Anh đã gác lại niềm riêng để đi chống dịch.

BS Hoàng Anh cho biết: “Thời gian đầu đến đây, “team” vừa phải thuộc lòng bản đồ của khu phố, vừa phải nắm bắt tình trạng sức khỏe từng người dân. Đặc biệt là các F0. Để đáp ứng đòi hỏi nhanh, nhạy, chính xác từng hộ dân, chúng tôi phải chia nhân lực đi nắm tình hình. Song, với số lượng F0 khá nhiều, cư dân đông nên việc khám, cấp cứu, chuyển tuyến lúc cao điểm đến hàng chục ca, điện thoại cá nhân của tôi cũng thành số holine của trạm y tế và mỗi ngày thường xuyên nhận đến đến hàng trăm cuộc gọi”.

Và những cuộc gọi lúc nửa đêm

Thời gian đầu tiếp nhận địa bàn, khi không có những cuộc gọi cấp cứu F0 có diễn biến chuyển nặng thì hằng ngày BS Hoàng Anh cùng đồng đội đi đến các hẻm để phát thuốc, nắm tình hình sức khỏe của F0. Khi có những cuộc gọi cấp cứu, họ chia mỗi kíp 2 người để vừa cấp cứu vừa hỗ trợ vừa cung cấp oxy tại chỗ cho F0 có diễn tiến nặng, vừa liên hệ nhóm bác sĩ có chuyên môn tư vấn để hỗ trợ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên sớm nhất có thể.

Trong những lúc nguy cấp, sự sống của bệnh nhân tính bằng giây, kíp trực phải kiêm luôn việc liên hệ bệnh viện tuyến trên, liên hệ xe cấp cứu và cử nhân sự của trạm y tế lưu động hỗ trợ đưa bệnh nhân chuyển tuyến.

Hơn lúc nào hết, tình nguyện viên Nguyễn Hồng Quân - Học viên lớp DH5EA, Học viện Quân y mong dịch sớm được khống chế, để “team” sớm được trở về.

Đối với BS Hoàng Anh và các học viên, thì trên dưới 20 cuộc gọi cấp cứu hàng ngày cũng chưa thấm vào đâu. Số điện thoại cá nhân của chị và những thành viên khác bất đắc dĩ trở thành số hotline của trạm y tế lưu động và cũng vì thế mà chiếc điện thoại vốn chỉ liên lạc với người thân, gia đình, nay lại trở thành tổng đài tư vấn xuyên đêm hay lúc rạng sáng cũng là điều đã trở nên quen thuộc. Những lúc này, BS Hoàng Anh và đồng đội không chỉ hỗ trợ giải đáp bệnh lý, mà cũng kiêm cả phần việc của chuyên gia tâm lý.

“Những cuộc gọi như người dân tự test nhanh cho kết quả dương tính hoặc người thân hết thời gian cách ly, đến những cuộc gọi chỉ là sự lo lắng, bất ổn định, hoặc thậm chí đến mất ngủ, không ăn được… cũng đều phải nghe và giải đáp cho người dân”, BS Hoàng Anh kể.

Những cuộc gọi xuyên ngày đêm, tần suất công việc không theo giờ cụ thể... tuy nhiên các y, bác sĩ của trạm y tế lưu động 33 cũng giống bao tình nguyện viên khác, khi dịch ở TP. Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, họ chỉ mong ước dịch tan để các gia đình tình nguyện ở 3 miền Bắc - Trung - Nam sớm được đoàn tụ… ./.

Tình nguyện viên Nguyễn Hồng Quân - Học viên lớp DH5EA, Học viên Quân y cũng là người có mặt từ những ngày đặt Trạm Y tế lưu động số 33. Công việc hàng ngày của Quân theo trình tự là test nhanh cho “shipper”, người cách ly đủ 14 ngày, đưa thuốc cho F0 tại nhà và đến đêm, sẽ trực điện thoại cấp cứu.

Làm việc cùng BS Hoàng Anh tại trạm y tế lưu động, trong một ngày trực, nếu Quân trực điện thoại cấp cứu thì những người còn lại sẽ đi phát thuốc, thăm khám F0 tại nhà và ngược lại. Với Quân, những cuộc gọi hỏi thăm từ gia đình sẽ chỉ diễn ra chớp nhoáng trong vài phút ngơi nghỉ dùng bữa tối.

Với cường độ công việc cao khi phải khoác lên mình bộ đồ bảo hộ cả ngày lẫn đêm, song, ngày về cũng chưa định, nên hơn lúc nào hết, Quân mong muốn dịch bệnh sớm được khống chế, không chỉ người dân nơi đây trở lại cuộc sống bình thường mới mà các thầy thuốc của trạm y tế lưu động cũng sớm xác định được ngày trở về.

PV

 

Bình luận

    Chưa có bình luận