Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký ban hành công điện về hướng dẫn xét nghiệm và một số biện pháp phòng chống dịch khi giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội.
Theo đó, tình hình dịch COVID-19 hiện vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài tại nhiều địa phương, đặc biệt với biến chủng Delta có thời gian ủ bệnh ngắn, khả năng phát tán mầm bệnh cao, lây lan nhanh chóng (nồng độ virus trong dịch hầu họng gấp khoảng 1000 lần so với các chủng SARS-CoV-2 trước).
Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, 23 tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc làm chậm tốc độ lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, vẫn còn một số tồn tại như thực hiện chưa nghiêm việc giãn cách, chưa xác định được mục tiêu, phạm vi, thời gian, các giải pháp kiểm soát dịch nhất là vấn đề xét nghiệm, dẫn đến phải thực hiện giãn cách kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất. Mục tiêu của thực hiện giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể (trong thời gian 14 ngày). Người đứng đầu ngành y tế yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc giãn cách; Đồng thời đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, không để thiếu ăn, thiếu mặc; Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp về y tế như xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở.
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá đây là xu hướng tốt, phù hợp trong thời điểm hiện nay. Theo PGS Nga, hiện dịch COVID-19 ở Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn dịch lây lan trong cộng đồng chứ không còn là dịch xâm nhập. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân tiêm chủng vaccine COVID-19 tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh miền Nam cũng đã tăng dần.
Vì vậy theo ông Nga, việc truy vết, phong tỏa, giãn cách rộng là không cần thiết vì nó ảnh hưởng đến đời sống cũng như nền kinh tế của nước nhà. “Chúng ta cần phải bắt đầu sống chung với dịch, dần coi dịch là bình thường. Trong cuộc chuyển đổi trạng thái phong tỏa dập dịch nghiêm khắc sang trạng thái giãn cách, giãn cách hẹp, cách ly tại chỗ, chúng ta cần phải dần chấp nhận” - PGS Nga cho biết.
Ông Nga cũng cho rằng, cơ chế lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 là lây từ người sang người khi có sự tiếp xúc gần, không phải lây ngoài không khí. Do đó, khi có trường hợp F0 cần xác định cách ly từng khu vực và khoanh vùng ở khu vực đó sẽ hiệu quả hơn là thực hiện giãn cách cả rộng cả phường, quận. Đồng thời, trong khu vực nhỏ cũng xác định lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên để khoanh vùng, bóc tách F0.
Trong hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ, thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Đối với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (vùng đỏ, vùng cam) phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để bóc tách ngay các trường hợp F0 nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR (RT-PCR).
Xét nghiệm phải có trọng điểm
PGS Nguyễn Huy Nga cũng cho biết, thời điểm này không nên xét nghiệm tràn lan mà phải dựa trên đánh giá nguy cơ và xét nghiệm khu vực nguy cơ, đối tượng có nguy cơ. Việc xét nghiệm diện rộng sẽ dẫn đến tốn kém, hiệu quả không cao. “Xét nghiệm phải có trọng điểm. Chẳng hạn vừa qua khu vực Long Biên có ca mắc COVID-19, chúng ta khoanh vùng xét nghiệm khu vực đó để phát hiện ra các F0. Tùy theo tình hình y tế địa phương để đưa ra hình thức xét nghiệm hợp lý, hiệu quả” - ông Nga cho biết.
Vị chuyên gia này nêu rõ, hiện chúng ta đã hiểu rõ hơn về chủng virus SARS-CoV-2, đường lây truyền, cách phòng bệnh, cách điều trị của bệnh này nên chúng ta cần phải bình tĩnh và biết cách phòng chống virus này. Ông đánh giá những bước đi này phù hợp với tình hình thực tế và tiết kiệm được nhân lực y tế, tiết kiệm được ngân sách, trang thiết bị y tế. Ông cũng cho rằng, thời gian tới nếu có hướng dẫn chung của Bộ tới các địa phương, trong đó có Hà Nội về việc đồng ý cho cách ly tại nhà thì càng tốt. Bởi thời gian vừa qua, ở nhiều địa phương trong đó có Hà Nội đang thực hiện cách ly tập trung và đã có rất nhiều trường hợp dương tính ở khu cách ly tập trung. “Nếu địa phương nào có điều kiện cách ly tại nhà thì hướng dẫn họ, vì sẽ không dẫn đến tốn kém, khi đó người dân phải cùng chung tay với nhà nước” - ông Nga cho biết.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo, mỗi người dân hãy tự bảo vệ mình là một vùng xanh, từ đó mỗi gia đình, mỗi cơ quan, mỗi xí nghiệp hãy bảo vệ mình để mở rộng vùng xanh, bằng cách tiêm vaccine đủ liều. Đồng thời thực hiện xét nghiệm khi cần thiết.
Các chuyên gia cũng cho rằng, tiêm đủ liều vaccine COVID-19 là biện pháp lâu dài để phòng bệnh. Đồng thời, người dân cần phải tuân thủ thực hiện hướng dẫn 5K của Bộ Y tế, vì khi đã tiêm đủ liều vaccine phòng bệnh, người dân vẫn có thể mắc bệnh./.
Theo Minh Khánh/VOV.VN