Y tế trong cuộc sống bình thường mới

  • 09/09/2021 03:25:31
  • Lưu Hường
  • Xã hội
  • 0

Kiểm soát tốt dịch bệnh để cuộc sống sớm trở lại bình thường mới cần thực hiện nhiều biện pháp, trong đó vấn đề y tế cần được chú trọng.

 

Đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành khi TP.HCM, Bình Dương và một số tỉnh, thành phố số ca mắc vẫn gia tăng mỗi ngày. Kiểm soát tốt dịch bệnh để cuộc sống sớm trở lại bình thường mới cần thực hiện nhiều biện pháp, trong đó vấn đề y tế cần được chú trọng.

Nâng cao y tế cơ sở rất quan trọng

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo với các địa phương chiều 5/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã yêu cầu phải đón đầu, ngăn chặn, để sớm kiểm soát dịch bệnh, trở về trạng thái “bình thường mới” trên toàn quốc.

Theo các chuyên gia y tế, để kiểm soát tốt dịch bệnh, chính quyền địa phương phải đưa ra được biện pháp chống dịch đúng, hợp lý và hiệu quả, mềm dẻo, linh hoạt. Sống chung lâu dài với dịch bệnh là sống chung có hiểu biết, là có quyết tâm chống dịch bằng cách khoa học, chống dịch một cách triệt để hợp lý và hiệu quả. Người đứng đầu ngành y đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố phải tập trung cao độ cho cơ sở vật chất để chuẩn bị sẵn sàng cho công tác điều trị. “Bộ Y tế đã có hướng dẫn phân tầng điều trị, theo đó các địa phương cần chủ động lên phương án chuẩn bị theo các tầng, đặc biệt lưu ý hệ thống hồi sức trong cơ sở điều trị ở tầng cao nhất, bởi hiện vấn đề này đang là điểm yếu của điều trị ở nhiều tỉnh, thành. Trong chuẩn bị và thiết lập hệ thống hồi sức cần chú trọng rà soát ngay hệ thống oxy, máy thở”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý.

BSCKII Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam. (Ảnh: KT)

BSCKII Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, tùy nguy cơ bùng phát dịch cao hay thấp ở từng địa phương để chúng ta đưa ra giải pháp phòng chống dịch khác nhau. Nhưng chúng ta không có cách gì để loại bỏ hết hẳn virus ra khỏi cộng đồng. Vì vậy, để trở về trạng thái bình thường mới thì theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà những điều kiện y tế cần là: Thứ nhất, tạo được miễn dịch cộng đồng qua tiêm phòng. Tùy thuộc vào từng biến chủng khác khau, nếu chủng lây lan ít thì miễn dịch cộng đồng chỉ cần đạt 60-70%, còn với chủng lây lan mạnh thì tỷ lệ tiêm chủng phải đạt 80-85%. Trong khi, hiện nay chúng ta mới tiêm chủng cho lứa tuổi trên 18 trở lên, vẫn còn khoảng 30% là trẻ em chưa được tiếp cận với vaccine. Đây cũng có thể được coi là nguồn lây nhiễm mặc dù mức độ bệnh ở độ tuổi này không nặng như những người trưởng thành. Cho nên, để đạt được miễn dịch cộng đồng thì các nhà khoa học cũng cần nghiên cứu tiếp tục để hạ độ tuổi tiêm phòng xuống.

Thứ hai, các địa phương phải đánh giá được khả năng nhiễm ở cộng đồng là như thế nào. Ví dụ, phải có đánh giá mức độ dịch tễ qua việc xét nghiệm PCR và test nhanh kháng thể xem có bao nhiêu người đã có miễn dịch, bao nhiêu người có vius, từ đó có tiên lượng và đưa ra chính sách phòng chống dịch phù hợp.

“Xét nghiệm mức độ diện rộng cũng không thể bóc tách được hết F0, chưa kể cứ tập trung nhiều vào việc này sẽ gây lãng phí việc phân bổ nguồn lực. Vì thế, theo tôi những nơi mức độ dịch chưa phải quá nặng nề, thì chúng ta vẫn thực hiện chiến dịch 5K, phát hiện những ca bị nhiễm, những ca có triệu chứng và yếu tố dịch tễ từ vùng dịch về. Và làm thế nào để cho dân không quá sợ, dẫn đến việc trốn tránh đến BV, hoặc ốm nặng cũng không chịu đi BV. Trong khi, BV là nơi có đủ phương tiện phòng hộ và phát hiện những ca dương tính thì lại đóng cửa.

Bao phủ vaccine, sớm đạt miễn dịch cộng đồng đẻ cuộc sống trở về bình thường mới.

Kinh nghiệm từ việc để dịch bùng phát mạnh ở Bình Dương, TP.HCM và một số tỉnh thành khác cho thấy việc chủ động bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế từ cấp cơ sở là rất quan trọng. Tức là phải chuẩn bị tinh thần triển khai kế hoạch chuyển đổi công năng, làm sao tất cả các BV cả công lập và tư nhân đều chữa được bệnh Covid-19. Xây dựng BV phải đa tầng, phải có bộ phận hồi sức để nếu BN có dấu hiệu chuyển nặng, thì được cấp cứu tại chỗ hoặc được chuyển ngay đến nơi cấp cứu kịp thời, giảm tỷ lệ tử vong. BS Hồng Hà cũng nhấn mạnh về việc nâng cao năng lực y tế ở tuyến cơ sở, phải xây dựng sẵn sàng hệ thống oxy cho thật tốt. Phải xác định BV tuyến huyện càng nhiều đầu giường có bình oxy thì việc chăm sóc người bệnh mắc Covid-19 càng tốt. Bởi họ chỉ cần đủ oxy thì sẽ tự khỏi, như vậy sẽ cứu được nhiều ca bệnh trung bình, và để hạn chế mức thấp nhất số ca bệnh thở máy, sẽ giảm tải cho ngành y.

“Hiện nay ở nước ta, số lượng y tế chuyên ngành hồi sức rất thấp. Chưa kể cơ sở hạ tầng rất yếu. Tôi lấy ví dụ: Ở các nước, các giường bệnh họ đều có oxy, trong khi ở Việt Nam, các giường bệnh rất ít giường có hệ thống oxy. Cho nên khi dịch xảy ra, thì sẽ ảnh hưởng rất nhanh. Vì vậy, theo tôi, điều quan trọng thời điểm này, đặc biệt tuyến y tế cơ sở phải đầu tư trang thiết bị, cũng như đào tào chuyên môn để chuẩn bị thật tốt cho việc chữa bệnh Covid-19, để nếu có dịch bệnh xảy ra chúng ta vừa không lúng túng vừa giảm được thiệt hại về người và của”, BS Hồng Hà lưu ý.

Nâng cao hạ tầng y tế giúp phát huy tốt hiệu quả chăm sóc người nhiễm Covid-19 ngay từ tuyến cơ sở.

Kiểm soát tốt dịch bệnh để sống chung với virus

Theo các chuyên gia y tế, việc loại bỏ hoàn toàn F0 là điều không thể. Do vậy, kiểm soát tốt dịch bệnh để sống chung là giải pháp mà các quốc gia trên thế giới lựa chọn để thích ứng với tình hình mới. Do đó, thay vì đuổi theo chúng thông qua việc truy vết bằng xét nghiệm diện rộng rồi cách ly, giãn cách, nên chăng chúng ta chống dịch theo hướng: Chấp nhận sống chung với SASR-CoV-2 và coi nó là một loại bệnh đặc hữu như cúm mùa, và mục tiêu duy nhất là giảm số người tử vong do bệnh này.

TS.BS.TTƯT Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm, BV TƯQĐ 108

TS.BS.TTƯT Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm (BV TƯQĐ 108) cũng đồng tình khi cho rằng, trong thời điểm hiện tại rất khó có thể bóc tách hết F0 ra khỏi cộng đồng, và chưa thể tạo ra miễn dịch cộng đồng từ việc tiêm vaccine. Mặt khác đã có bằng chứng biến thể Delta lây qua không khí như thuỷ đậu và cúm mùa. Do vậy, việc tuân thủ 5K và cầnnâng cao thể trạng để phòng tránh bệnh tốt nhất, nâng cao hiệu quả chống dịch để đưa cuộc sống trở về bình thường mới, bác sĩ Mạnh lưu ý:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, tuy nhiên không thể giãn cách mãi được mà chúng ta phải làm quyết liệt hơn, có trọng tâm, trọng điểm. Tức là, với vùng đỏ, cần quyết liệt để nhanh chóng tìm ra F0, đưa đi cách ly, điều trị để vùng đỏ nhanh chóng trở về vùng xanh;

Thứ hai, xét nghiệm phải làm kỹ và nhanh hơn. Tức là nếu trước kia trả kết quả chậm quá, thì sẽ nguy cơ để F0 có thời gian làm lây lan nhanh hơn. Vì vậy, cần tập trung làm ở vùng nào thì có trọng tâm, trọng điểm luôn. Ví dụ khu vực nào cần tiến hành xét nghiệm thì tập trung nhân lực để lấy mẫu nhanh gọn và triển khai trả kết quả ngay để khoanh vùng khu vực ấy ngay, sớm đưa vùng ấy trở về vùng xanh nhưng cũng hết sức lưu ý về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế tụ tập đông người lấy mẫu xét nghiệm, tiền ẩm nguy cơ lây nhiễm cao;

Thứ ba, loại bỏ virus khỏi cơ thể: súc họng, rửa mũi, rửa tay hằng ngày. “Con virus này trước tiên xâm nhập vào đường hô hấp trên, nó phải có thời gian mới phát triển để bám dính, cư trú, sinh sôi nảy nở  trên vùng mũi, hầu họng sau đó phát tán vào phổi và đến các cơ quan khác. Do vậy, việc quan trọng là không cho con virus bám vào đường hô hấp bằng cách súc họng, rửa mũi hằng ngày để trôi con virus đi. Khi con virus gặp nước muối hoặc nước sát khuẩn nó sẽ trương lên, phá vỡ màng tế bào virus, nó sẽ bị tiêu diệt”, bác sĩ Mạnh lưu ý thêm:

80% người mắc covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Nhưng có khoảng 20% mắc bệnh nặng và tiến triển rất nhanh dẫn đến tử vong do rối loạn đông máu gây thuyên tắc mạch và phản ứng viêm quá mức tạo ra các cơn bão cytokine. Do vậy, cần theo dõi sát bệnh nhân, để tiên lượng bệnh chuyển giai đoạn để có biện pháp điều trị kịp thời như thở o xy, thuốc chống đông máu, thuốc chống viêm corticoid là rất quan trọng. Vì vậy, việc nâng cao đào tạo năng lực điều trị ngay từ tuyến cơ sở là rất quan trọng, giúp giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong không đáng có.

“Chung sống với virus, chúng ta phải hiểu theo nghĩa khác chứ không phải có thái độ là thả cửa hoàn toàn hoặc chúng ta sợ virus, đóng cửa ngâm mình ở trong căn nhà. Chúng ta đưa ra phân vùng và có các biện pháp giãn cách xã hội hợp lý theo từng vùng để mở cửa sản xuất và phát triển kinh tế và có thể giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội cho người dân”.

TS.BS.TTƯT Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm, BV TƯQĐ 108

 

nâng cao hiệu quả chống dịch để đưa cuộc sống trở về bình thường mới.

Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên toàn thế giới. Do vậy, kiểm soát tốt dịch bệnh để sống chung là giải pháp mà các quốc gia trên thế giới lựa chọn nhằm thích ứng với tình hình mới. Phát biểu chỉ đạo mới nhất trong cuộc họp trực tuyến toàn quốc BCĐ Quốc gia phòng chống dịch với các tỉnh thành chiều 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh chúng ta cần chủ động nghiên cứu các kịch bản để thích ứng an toàn với dịch bệnh khi có nhiều vaccine hơn trong thời gian tới đây, nhất là ở những nơi đã tiêm đủ vaccine. Và xác định con đường chống dịch phải đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh tốt nhất để sớm trở lại cuộc sống bình thường mới/.

Lưu Hường

         

 

Bình luận

    Chưa có bình luận