Mấy ngày gần đây, vấn đề về phòng chống dịch và điều kiện giãn cách ở Hà Nội tiếp tục nhận được sự quan tâm của rất nhiều người dân, không chỉ là người dân đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, người dân trong nước mà cả bà con người Việt ở ngoài nước.
Trong nhiều vấn đề được các chuyên gia đưa ra bàn thảo, trao đổi, nội dung có cần thiết nới lỏng giãn cách ở TP.HCM và Hà Nội, làm thế nào để từ “chống dịch như chống giặc” sang “sống chung với Covid-19” được dư luận quan tâm...
Là người nghiên cứu về chuyên ngành Sinh học, sống ở Hàn Quốc gần 20 năm và trong thời gian nhiều tháng qua về Việt Nam, sống trong tâm dịch TP.HCM, cũng như trải qua nhiều đợt dịch ở Hàn Quốc và tìm hiểu về kinh nghiệm chống dịch của nước này, TS. Trần Hải Linh, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc (VKBIA) cho rằng, sống chung là mục tiêu lâu dài mà một số quốc gia, trong đó có Hàn Quốc đã xác định. Tuy nhiên, “sống chung luôn” có được hay không cần phải xem xét trên nhiều yếu tố, đặc thù tình hình dịch, điều kiện vaccine đã-đang có, cũng như khả năng phòng chống dịch của quốc gia tại thời điểm và khả năng kinh tế quốc gia chứ không thể đánh đồng, hay áp dụng từ nơi này sang nơi khác.
“Việt Nam đã từng là nước tiêu biểu về phòng chống dịch năm 2020, nhưng với những biến thể phức tạp, nguy hiểm khó lường virus SARS-CoV-2 và thực tế thời gian vừa qua cho thấy, hệ thống y tế đã có áp lực rất cao, thậm chí quá tải, số nhân viên y tế, số giường bệnh, số máy thở, số máy ECMO, số bác sĩ hồi sức cấp cứu, số bác sỹ khối y tế dự phòng và y tế cộng đồng tính trên mức 100.000 dân vẫn thuộc nhóm thấp trên thế giới và khu vực, trong khi đó tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 và 2 vẫn đang nằm ở mức quốc gia thấp trong khối ASEAN. TP.HCM và khu vực phía Nam đã và đang tiếp tục nhận được sự tiếp viện của các lực lượng y, bác sĩ từ các tỉnh miền Bắc nhưng ở thời điểm này vẫn đang thiếu hụt”- TS. Trần Hải Linh phân tích.
Với Hà Nội-nơi coi là hậu phương vững chắc cho các tỉnh phía Nam thì các bệnh viện cũng đang rơi vào tình trạng "thiếu hụt nhất định" vì đã chi viện lực lượng cho miền Nam. Do đó việc phòng chống dịch ở Hà Nội càng phải có những biện pháp phù hợp nhất để vừa tiếp tục phòng chống dịch tại địa bàn, vừa phải giữ vững được “hậu phương”, đảm bảo yên tâm cho “tiền tuyến” phía Nam.
Không để đứt gãy chuỗi cung ứng
Theo TS Trần Hải Linh, nguyên tắc cơ bản của sống chung với Covid-19 trước hết không để hệ thống y tế quá tải lâu dài. Cùng với đó là “nới lỏng từng phần” để duy trì các hoạt động để duy trì sản xuất và phục hồi kinh tế, đảm bảo cuộc sống thường nhật và cần thiết cho nhân dân.
Theo TS Trần Hải Linh, trong mấy ngày vừa qua, một số các Thời báo Kinh tế lớn trên thế giới cũng đã có một số bài phân tích về việc mối tương quan giữa giãn cách và đứt gãy chuỗi cung ứng, gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và phục hồi kinh tế.
Tại các cuộc họp về phòng chống dịch, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh cùng với việc chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân là trên hết thì việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
TS Trần Hải Linh cho rằng, phương án đi lại, di chuyển, nghe thì dường như rất đơn giản nhưng thực tế lại cực kỳ quan trọng và cấp thiết đối với thủ đô Hà Nội và TP.HCM trong lúc này. Sự “Di chuyển xanh” của những người đã tiêm 2 mũi vaccine, của các chuyên gia, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đi lại và làm việc, điều hành kinh doanh, sản xuất; của những người tham gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất để có những việc làm để nuôi và kích cầu các khu vực kinh tế là điều hết sức cấp thiết trong thời gian này và cả thời gian tới đây.
Và “Di chuyển xanh” là di chuyển thế nào, điều kiện cần và đủ ra sao trong thời gian sắp tới cũng là phương án cần tính tới cho từng loại hình vận tải.
TS. Trần Hải Linh cho rằng, trong phòng chống dịch Covid-19, với đặc thù về sự lây lan của dịch bệnh, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ là hết sức cần thiết để chuyển dần từ thế bị động sang thế chủ động phòng ngừa và chủ động kiểm soát, khống chế và đẩy lùi dịch bệnh.
“Cần áp dụng các công cụ để số hóa và đẩy nhanh tiến độ hiển thị và lưu giữ dữ liệu trên hệ thống, từ đó giúp cho các bộ phận y tế và bộ phận hỗ trợ điều phối nhân lực, cũng như Ban Chỉ đạo phòng chống dịch sẽ có thể theo dõi và quan sát mọi lúc mọi nơi để đưa ra quyết định nhanh chóng và phương pháp thích hợp nhất cho từng thời điểm”- TS. Linh đề xuất.
Theo TS. Trần Hải Linh, việc số hóa cũng sẽ góp phần để “bình thường hóa cuộc sống, bắt đầu thích nghi và “Sống chung với Covid”, và phục hồi kinh tế trong tình hình mới”. Tuy nhiên việc này phải được thực hiện đơn giản, hiệu quả, đồng nhất và ứng dụng mọi nơi mọi lúc. “Số hóa nhằm mục đích để các cơ quan Nhà nước kiểm tra và giám sát, thực thi công việc phòng chống dịch, còn người dân thì thuận tiện khi sử dụng cho cuộc sống hàng ngày khi bắt đầu tình hình mới “sống chung với Covid”./.
P.Hà/VOV.VN