Giãn cách nhưng tình đồng bào không xa cách

Dân tộc ta dù ở giai đoạn nào cũng thể hiện được tinh thần đại đoàn kết. Càng khó khăn, tinh thần ấy càng dày thêm, càng đặc sắc hơn.

 

Trong chiến tranh, thiên tai và giờ là dịch Covid-19, nghĩa đồng bào ruột thịt vẫn vẹn nguyên. Chỉ cần bất kỳ địa phương nào “gọi”, cả nước sẽ “trả lời”.

Chi viện cho miền Nam yêu thương

18 giờ, khi hầu hết các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 12 (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) ăn bữa cơm chiều, cũng là lúc Nguyễn Thành Đạt chuẩn bị vào ca tối. Ngày 13/7/2021, anh cùng 70 bác sĩ, điều dưỡng viên từ Quảng Ninh lên đường chi viện cho TP Hồ Chí Minh (TP.HCM). Chàng điều dưỡng mới tròn 23 tuổi đời, 2 năm tuổi Đảng, là một trong những thành viên đầu tiên của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh viết đơn tình nguyện lên đường vào Nam chống dịch.

Sau những ngày đầu có đôi chút “choáng ngợp” khi số ca bệnh tăng lên hàng trăm, hàng nghìn, Nguyễn Thành Đạt đã nhanh chóng trực tiếp tham gia cấp cứu cho bệnh nhân với suy nghĩ phải làm sao "nhanh nhất, chính xác nhất, sẵn sàng ứng phó với bất cứ tình huống nào". Nói về công việc của mình và các đồng nghiệp, điều dưỡng viên, Nguyễn Thành Đạt cho biết, anh luôn cảm thấy tự hào được góp một phần công sức cho TP.HCM và cả nước. Món quà mà anh nhận được trong hơn 1 tháng qua chính là nụ cười của các bệnh nhân trong ngày ra viện. Đó cũng là động lực để anh và các đồng nghiệp tiếp tục cố gắng với niềm tin, TP.HCM sẽ sớm chiến thắng dịch bệnh.

Càng khó khăn, tình đồng bào càng được thể hiện mạnh mẽ.

Điều dưỡng viên Nguyễn Thành Đạt chỉ là một trong số hàng chục nghìn cán bộ, bác sĩ được tăng cường chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam trong cuộc chiến chống giặc Covid-19 ở làn sóng dịch lần thứ 4 này.

Sau lớp lớp đoàn quân tiến vào Nam, chúng ta thấy được sự thôi thúc từ lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài cùng “chống dịch như chống giặc”. Lời kêu gọi cũng là lời hiệu triệu để tất cả mọi người “đã quyết tâm rồi thì quyết tâm hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, đoàn kết rồi thì đoàn kết hơn nữa” với mục tiêu cao nhất là ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư và các biện pháp quyết liệt của Chính phủ, thời gian qua, nhiều hoạt động thiết thực được triển khai mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị, ở các cấp, các ngành và các địa phương để cùng chung sức chống lại dịch bệnh. Đặc biệt, khối đại đoàn kết toàn dân tộc một lần nữa được phát huy và nhân lên trong cuộc chiến chống dịch. Các phong trào ủng hộ quỹ phòng chống dịch Covid-19 được nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia tích cực. Nhiều mô hình, hoạt động “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” được triển khai sâu rộng trong nhân dân nhằm chia sẻ với lực lượng tuyến đầu chống dịch, những người có hoàn cảnh khó khăn với mục tiêu mà Đảng, Nhà nước xác định rõ ràng từ những ngày đầu của cuộc chiến là “không ai bị bỏ lại phía sau”.

“Giãn cách” nhưng không “xa cách”

“Giãn cách” nhưng không “xa cách” - đó là cụm từ được sử dụng nhiều trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố phải giãn cách xã hội ở làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 này.

Để giúp người dân TP.HCM yên tâm ở nhà chống dịch, các chiến sĩ bộ đội đã được huy động để đi chợ cho dân.

Khi tổ dân phố thông báo lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn kêu gọi người dân ủng hộ, đóng góp hàng hóa hỗ trợ nhân dân TP.HCM, vợ chồng bà Nguyễn Thị Mơ, năm nay đã trên 60 tuổi (ở tổ 10, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn) đã quyết định làm 100kg bún khô để ủng hộ. Chỉ sau 5 ngày phát động và triển khai thu nhận hàng hóa ủng hộ (từ 23 -27/8), Uỷ ban MTTQVN tỉnh Bắc Kạn đã nhận được số lượng hàng kỷ lục: hơn 351 tấn, gấp 7 lần so dự kiến ban đầu. Toàn bộ số hàng hóa này được chuyển về Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh Bắc Kạn để phân loại, sắp xếp và chuyển lên xe. Hàng nghìn giỏ đựng, thùng chứa cũng đã được các cửa hàng, hộ kinh doanh tự nguyện đóng góp... Tất cả đều muốn góp một phần nhỏ bé của mình tới đồng bào vùng dịch.

Dù có “giãn cách” thì tình đồng bào vẫn không “xa cách”. Tinh thần gắn bó, đoàn kết ấy thực tế đã được nuôi dưỡng, vun đắp và phát huy từ chính lịch sử oai hùng nhưng cũng nhiều khó khăn của dân tộc Việt Nam.

Trải qua 4 đợt dịch, nhiều tỉnh thành phố trở thành “điểm nóng”, có thời điểm phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, như Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Giang, TP.HCM, Bình Dương… Cứ mỗi lần như vậy, tinh thần tương thân tương ái lại được lan tỏa từ địa phương này đến địa phương khác, không phân biệt vùng miền, địa phương...

Chúng ta đã từng thấy đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy và một số bệnh viện khác của TP.HCM liên tục chi viện cho Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương… khi các địa phương này bùng dịch. Ngược lại, khi dịch bệnh phức tạp ở TP.HCM, các tỉnh, thành phố đồng loạt hỗ trợ nhân lực, vật lực, trong đó có những món quà rất quý báu và đầy nghĩa tình là các sản vật của từng địa phương, để góp thêm sức mạnh vật chất và tinh thần giúp người dân TP.HCM chống dịch.

Sẽ phải có bản liệt kê rất dài mới nêu đủ hết những hành động đẹp, sự giúp đỡ chí tình giữa các địa phương trong suốt thời gian qua. Giá trị vật chất từ các đợt giúp đỡ đó có thể khác nhau, từ những con người rất khác nhau nhưng tất cả đều cho thấy tinh thần đoàn kết của người dân mọi miền Tổ quốc. Cho nên, dù có “giãn cách” thì tình đồng bào vẫn không “xa cách”. Tinh thần gắn bó, đoàn kết ấy thực tế đã được nuôi dưỡng, vun đắp và phát huy từ chính lịch sử oai hùng nhưng cũng nhiều gian nan của dân tộc Việt Nam.

Trong cuộc chiến còn nhiều cam go ở phía trước, ánh sáng của tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, của sự sẻ chia, của tinh thần tương thân, tương ái tiếp tục soi đường để đất nước vượt qua mọi khó khăn./.

 

Đại đoàn kết là cội nguồn mọi sức mạnh

Trong thư gửi lực lượng tuyến đầu ngày 2/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính viết: “Hơn 500 ngày qua, dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, khó lường, gây ra nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng không làm giảm tinh thần vì cộng đồng của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tôi cảm nhận được tinh thần của những phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Năm xung phong"… của những năm xưa như càng lan tỏa mạnh mẽ hơn trong lực lượng tuyến đầu chống dịch. Các anh, các chị "sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Nhân dân và Tổ quốc cần".

Hơn 500 ngày qua, nhiều “bếp lửa” ấm tình đồng bào được duy trì để tiếp thực phẩm cho chiến sĩ, quân và dân ở mặt trận phòng, chống dịch; các máy ATM gạo, ATM khẩu trang, ATM Oxy được đưa vào sử dụng; phong trào vận động chủ nhà trọ giảm giá hoặc miễn phí phòng trọ cho công nhân, người nghèo, hộ cận nghèo…; Những “Gian hàng 0 đồng”, “Bếp ăn yêu thương”, “Siêu thị nghĩa tình”; “Siêu thị 0 đồng”, “Tổ tình nguyện đi chợ giúp dân”, “Quà đến tận nhà”, “Giao hàng tình nguyện”, chốt “Bảo vệ vùng xanh”… được hình thành và phát triển rộng khắp ở nhiều địa phương.

Tất cả những nghĩa cử cao đẹp ấy được kết tinh từ đạo lý “bầu ơi thương lấy bí cùng”, truyền thống tốt đẹp “máu chảy ruột mềm”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.

Kết quả của tinh thần đoàn kết còn được thể hiện sinh động qua sự tham gia đóng góp kinh phí phòng chống dịch Covid-19 và mua vaccine phòng, chống dịch, ủng hộ trang thiết bị y tế, các vật phẩm y tế, lương thực, thực phẩm v.v… của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước, của Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài…

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận