PV: Hiện Việt Nam đang triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử, giữa những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Theo ông, đâu là những hạn chế và thách thức của Việt Nam trong quá trình triển khai tiêm chủng vaccine, đặc biệt là đối với TP.HCM - địa phương đang đứng đầu cả nước về số ca nhiễm và số ca tử vong?
Tiến Sĩ Kidong Park: Vaccine an toàn và hiệu quả là yếu tố then chốt để chấm dứt đại dịch COVID-19. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo đủ vaccine do nguồn cung hạn chế và khả năng tiếp cận vaccine không bình đẳng.
Hiện nay khi đang có thêm nguồn vaccine chuyển về trong nước, tất cả các tỉnh, huyện và xã đang đẩy nhanh việc tiêm chủng. Đến nay, có khoảng 13,9 triệu người đã được tiêm ít nhất mũi 1.
Một con số ấn tượng khác là hơn nửa triệu mũi vaccine đang được tiêm hàng ngày. WHO đánh giá cao từng nhân viên y tế đang làm việc chăm chỉ cho chiến dịch tiêm chủng chưa từng có này.
Nguồn cung vaccine hạn chế hiện vẫn đang là thách thức cơ bản. Chúng ta cần tối đa hóa tác động của chiến dịch tiêm chủng bằng cách ưu tiên dựa trên nguy cơ. Ưu tiên nhân viên y tế, cán bộ tuyến đầu trong công tác kiểm soát ổ dịch, người cao tuổi và những người mắc bệnh nền mãn tính.
Hiện tại Việt Nam đã có nhiều loại vaccine. Tiếp nhận của người dân về các loại vaccine lại khác nhau, điều này dẫn đến một thách thức khác.
Hãy yên tâm rằng tất cả các vaccine được duyệt vào Danh sách Sử dụng Khẩn cấp của WHO đều đáp ứng các tiêu chí về hiệu quả, an toàn và chất lượng do WHO đề ra thông qua sự tham vấn sâu rộng của các chuyên gia quốc tế.
Các vaccine này có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và nhập viện do COVID-19. Khi đến lượt bạn được tiêm chủng, hãy tiêm loại vaccine có sẵn cho bạn.
Tôi cũng muốn nhắc mọi người rằng chỉ riêng vaccine sẽ không ngăn chặn được lây truyền trong cộng đồng. Chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện các biện pháp 5K - đeo khẩu trang, ở nơi thông thoáng khí, vệ sinh tay thường xuyên, quy tắc che miệng khi ho, tránh nơi đông người và khai báo y tế đầy đủ.
Những biện pháp này là rất quan trọng, kể cả khi bạn đã được tiêm phòng, nhất là ở các địa phương đang có các ca lây nhiễm cộng đồng.
PV: Mới đây, Bộ Y tế Việt Nam đã điều chỉnh nhóm trì hoãn tiêm chủng từ 5 nhóm xuống 3 nhóm. Những điều chỉnh đó có phù hợp với khuyến nghị của WHO không?
Tiến Sĩ Kidong Park: WHO hoan nghênh hướng dẫn tiêm chủng COVID-19 mới được Bộ Y tế cập nhật.
WHO khuyến nghị ưu tiên trước nhất tiêm chủng cho nhân viên y tế và cán bộ tuyến đầu thực hiện công tác kiểm soát ổ dịch, sau đó ưu tiên tiêm chủng cho những người có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong. Điều này bao gồm người cao tuổi và những người có các bệnh nền mãn tính.
Bằng chứng mới cho thấy phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ cao bị bệnh nặng bởi COVID-19 và gia tăng nguy cơ sinh non, đặc biệt khi có bệnh nền đi kèm.
PV: Trong những tháng vừa qua, các đối tác COVAX, bao gồm cả WHO, đã giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc triển khai vaccine COVID-19 toàn quốc. Ông có thể chia sẻ chi tiết về những cố gắng đó của WHO không?
Tiến Sĩ Kidong Park: Cơ chế COVAX được đồng dẫn dắt bởi Liên minh Đổi mới Sẵn sàng vì Dịch bệnh (CEPI), Liên Minh Vaccine toàn cầu (GAVI) và Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO), cùng với UNICEF là đối tác phân phối.
Với tư cách là đồng lãnh đạo của cơ chế COVAX, trong phạm vi toàn cầu, WHO có trách nhiệm cung cấp các thông tin chuyên môn về tiêm chủng thông qua Nhóm Chuyên gia chiến lược về Tiêm chủng (SAGE), đánh giá hiệu quả, tính an toàn và chất lượng của các sản phẩm vaccine thông qua Danh mục Sử dụng Khẩn cấp (EUL), và vận động cho sự phân bổ vaccine công bằng dựa trên sự ưu tiên dựa vào khoa học.
Ở phạm vi quốc gia tại Việt Nam, WHO đã và đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế xây dựng và cập nhật chiến lược tiêm chủng COVID-19, lập kế hoạch và hướng dẫn kỹ thuật quốc gia, tăng cường hệ thống dây chuyền lạnh và hỗ trợ chiến lược truyền thông về an toàn vaccine.
Chúng tôi cũng đang hỗ trợ kỹ thuật cho các khóa đào tạo về triển khai chiến dịch, tiêm chủng an toàn, giám sát và báo cáo, cách triển khai tại các vùng khó khăn, truyền thông nguy cơ, cũng như cách đánh giá chiến dịch tiêm chủng.
Thêm vào đó, WHO cũng đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường năng lực của hệ thống quản lý vaccine của quốc gia để đảm bảo chất lượng vaccine, cũng như hướng dẫn nghiên cứu và phát triển vaccine tại quốc gia./.
PV: Xin cảm ơn ông!
Mai Ngọc/VOVgiaothong.vn