Cần thực hiện nghiêm việc kiểm soát khí thải ô-tô, xe máy.

  • 22/02/2019 11:42:57
  • Quốc Hưng
  • Xã hội
  • 0

Việc áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe để kiểm soát khí thải ô-tô, xe máy là cần thiết, cần làm đúng cam kết và làm nghiêm để hạn chế những tác động tiêu cực

 

 

Châu Âu là cái nôi của ngành công nghiệp thế giới, những phát minh đầu tiên về động cơ đốt trong ra đời là từ lục địa này. Ngành công nghiệp ôtô giai đoạn 1960-1970 và bài học về cái chết của 80 người dân New York trong 4 ngày do ô nhiễm không khí, buộc chính phủ của các nước châu Âu xây dựng một chương trình cắt giảm khí thải xe hơi vào năm 1970. Dự luật hoàn chỉnh quy định giá trị nồng độ giới hạn của các loại khí thải mới được thông qua và từ đó quy ước về chất lượng khí thải - Tiêu chuẩn “Euro 0” ra đời.

Trước sự bùng nổ phát triển công nghiệp, những nhà hoạch định chính sách các nước buộc các ngành công nghiệp như: ôtô - môtô - hệ thống máy công nghiệp… phải thay đổi để cải thiện môi trường. Và thực tế các tiêu chuẩn khí thải lần lượt ra đời: năm 1991-Euro 1, năm 1996-Euro 2, năm 2000-Euro 3 và Euro 4 năm 2005.

Giai đoạn 2005 – 2008, các nước Đông Nam Á kể cả Trung Quốc mới thực hiện và xây dựng tiêu chuẩn chất lượng khí thải Euro 1 của châu Âu. Khi Việt Nam trở thành thành viên WTO và ký kết nhiều văn kiện khác, chúng ta cũng tuân thủ những quy tắc chung với các nước. Chính phủ chỉ đạo thực hiện Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4, và Bộ Giao thông vận tải đã ra Thông tư số 33/2015/TT-BGTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 4 đối với xe ôtô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới được phê duyệt giữa 2015, và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2016, sẽ được thực hiện từ ngày 1/1/2017. Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô trong nước sẽ chỉ được phân phối các dòng xe đáp ứng được quy định về tiêu chuẩn khí thải Euro 4.

Việt Nam cùng các nước đã xác định sản xuất sạch, bảo vệ môi trường hiện đang là vấn đề mà bất kỳ quốc gia nào trên thế giới hướng tới. Quy định dù có khắt khe hơn, tiêu chuẩn khí thải đòi hỏi cao hơn, các doanh nghiệp (sản xuất, lắp ráp) phải đầu tư nhiều hơn về công nghệ… nhưng vẫn phải quyết tâm thực hiện để sản xuất và kinh doanh không gây hại cho môi trường. Bảo vệ môi trường cũng là một tiêu chí để đánh giá trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Ý nghĩa rõ ràng, thời gian để đưa chính sách vào cuộc sống cũng đủ để doanh nghiệp có sự chuẩn bị, thời gian dài như thế, vậy mà vẫn có những  doanh nghiệp gửi “tâm thư” cho Thủ tướng kêu ca, nêu ra ngàn lý do như: doanh nghiệp mới đầu tư một số linh kiện, động cơ, phụ tùng máy công nghiệp tiêu chuẩn Euro 3 hoặc doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy (tiêu chuẩn thấp) nhưng chưa bán hết… đề nghị Thủ tướng gia thêm hạn!

Những lời “kêu cứu” từ lá tâm thư này khó có thể chấp nhận vì những thiệt hại về kinh doanh này tuy là con số không nhỏ với doanh nghiệp nhưng cũng không thể vì thế mà đánh đổi môi trường sống của cộng đồng hơn 90 triệu dân.

Nếu như chúng ta chấp nhận kéo dài thời gian để cho những doanh nghiệp này sản xuất, lắp ráp và bán hết những sản phẩm (tiêu chuẩn cũ) ra thị trường, thì với vòng đời sản phẩm 20 năm, hệ lụy đối với sức khỏe cộng đồng sẽ rất lớn - không thể đo đếm được. Bài học về cái chết của 80 người dân New York trong 4 ngày do môi trường bị ô nhiễm vẫn là lời cảnh báo.

Theo báo cáo vừa công bố của Tổ chức Y tế thế giới ( WHO), hơn 90% dân số thế giới đang hàng ngày phải hít thở khí ô nhiễm ở mức độ cao. WHO cảnh báo,  độc tố toxin trong không khí có thể dẫn đến đột quỵ, đau tim và ung thư phổi. Thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra có thể lên tới hàng tỷ USD mỗi ngày. Tổ chức này đã khảo sát chất lượng không khí ở hơn 4.300 thành phố và thị trấn ở 108 quốc gia, mỗi năm có 7 triệu người chết vì ô nhiễm không khí.

Ở góc nhìn kinh tế, những sản phẩm ôtô, xe máy, động cơ, phụ tùng còn tồn đọng giá trị có thể lên đến hàng tỷ đô nhưng vẫn không so sánh được với những con số và thiệt hại theo ước tính của các chuyên gia về môi trường.

Thành phố Đại học trong tương lai của Vingroup

 Áp dụng tiêu chuẩn Euro 4 không phải là quá khó nếu doanh nghiệp thực sự quan tâm đến trách nhiệm xã hội. Sự ra đời của ôtô Vin-fast cuối năm 2018 ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn về chấp lượng chung còn đảm bảo tiêu chuẩn Euro 4 là một ví dụ. Điều này thể hiện trách nhiệm của tập đoàn Vingroup hướng đến sản xuất sạch, bảo về môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe để kiểm soát khí thải ô-tô, xe máy là cần thiết, cần làm đúng cam kết và làm nghiêm để hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người. Phát triển kinh tế bền vững, quan tâm đến bảo vệ môi trường chính là thể hiện cái tầm của chính sách Quốc gia và của từng doanh nghiệp.

Box:

Khí thải gây ô nhiễm là những hợp chất độc hại có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người và môi trường trong thời gian dài bao gồm: cacbon oxít (CO), nitơ oxít (NOx), hydrocacbon nói chung (HC) và thành phần bụi bay theo (Particulate Matter-PM). Điển hình nhất khí độc hại là cacbon oxít (CO). Loại khí này làm mất vai trò vận chuyển oxy của cơ thể vì có nguyên tố sắt (Fe) - đó là tác nhân chính gây ra hiện tượng ngất do hít phải quá nhiều khói khí độc hại này.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận