Để tăng lượng kháng thể cũng như sức đề kháng, ngoài tiêm vaccine, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM khuyến cáo nên lưu ý đến dinh dưỡng, tập luyện và giấc ngủ.
Kháng thể IgA - Thành trì bảo vệ cơ thể
Sức đề kháng hay hệ miễn dịch nằm ở khắp các nơi trên cơ thể, đảm bảo cho con người dù sống trong môi trường nhiều vi sinh vật nhưng vẫn tồn tại, khỏe mạnh. Sức đề kháng được tạo thành bởi một mạng lưới các kháng thể và các tế bào miễn dịch. Có 5 loại kháng thể là IgA, IgG, IgE, IgM, IgD. Các kháng thể chính là lớp bảo vệ đầu tiên, có chức năng bao vây và đẩy tác nhân gây bệnh ra, không cho chúng xâm nhập sâu vào cơ thể. Khi cơ thể có nhiều kháng thể sẽ tạo thành một lớp màng bảo vệ, tăng sức đề kháng.
Trong các kháng thể, IgA khá phổ biến, xuất hiện cả trong máu, đường ruột và đường hô hấp. Cụ thể IgA có nhiều trong huyết thanh, dịch nhầy mũi, nước bọt, sữa mẹ, dịch ruột, chiếm 10-15% các globulin miễn dịch ở người. IgA quan trọng vì nó nhận diện được những tác nhân gây bệnh. Tùy theo IgA nằm sẵn nhiều hay ít, đã bao vây tác nhân gây bệnh hay chưa mà cơ thể có thể bị nhiễm bệnh hay không.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, hiện diện nhiều ở màng nhầy hô hấp, IgA có những ý nghĩa nhất định với người mắc các bệnh hô hấp nói chung và Covid-19 nói riêng. “Trước các tác nhân gây bệnh tấn công vào đường hô hấp và đường tiêu hóa, chúng ta cần quan tâm đến hệ thống luân chuyển ở đường hô hấp và lượng IgA ở trong khu vực đó. Lượng IgA càng nhiều thì khả năng bắt dính, tiêu diệt tác nhân gây bệnh càng tốt”, bác sĩ Khanh cho biết. Ông bổ sung, khi hệ thống luân chuyển mạnh, IgA nhiều sẽ dễ dàng bao vây và đẩy tác nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể liền hoặc đẩy xuống khỏi đường ruột. Tuy nhiên, chỉ cần một kẽ hở trong hệ miễn dịch này, con người sẽ dễ nhiễm bệnh hơn hoặc nhiễm nặng hơn.
Vì thế, khi bị nhiễm Covid-19, các đối tượng nguy cơ (người già, người có bệnh nền...) dễ bị nặng hơn và thường trở bệnh nặng rất nhanh do toàn bộ hệ thống miễn dịch đã yếu. Ở những bệnh nhân này, tế bào luân chuyển và lượng kháng thể đều thấp, nên khi họ bị nCoV tấn công, toàn bộ virus sẽ tấn công thẳng hệ thống đường hô hấp dưới, chính là phổi.
Theo bác sĩ Khanh, nếu cơ thể đã từng tiếp xúc với tác nhân gây bệnh hoặc đã chích ngừa sẽ tạo ra IgA chuyên biệt, có thể phòng và bảo vệ cơ thể trước chính những bệnh đó. Ngoài ra, cơ thể còn một lượng IgA chung, có thể bổ sung thông qua dinh dưỡng, tập luyện và giấc ngủ, có tác dụng bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh nói chung.
Các phương pháp giúp tăng kháng thể
Dinh dưỡng chính là những thực phẩm đưa vào cơ thể, cần cân bằng và đầy đủ các nhóm chất như bột, đường, đạm, béo, xơ và các vitamin, khoáng chất. Thực phẩm có bổ sung kháng thể hay những chất có thể tạo kháng thể sẽ hỗ trợ tăng kháng thể nhanh hơn. Đối với dinh dưỡng, nước rất quan trọng, bởi cơ thể khoảng 70% là nước. Nước được tiếp vào cơ thể sẽ tạo ra dung dịch để vận chuyển các chất đi từ nơi này đến nơi khác. Một người lớn nên uống 2,5 -3 lít nước mỗi ngày, bao gồm các loại nước, như nước trong sữa uống, trong canh, trong rau củ quả.
Bổ sung lợi khuẩn Probiotic vào khẩu phần ăn hằng ngày là một cách giúp tăng kháng thể IgA hiệu quả bởi, cải thiện sức khỏe hệ miễn dịch. Bác sĩ Khanh cho rằng, lợi khuẩn chính là một thành công của ngành dinh dưỡng cũng như ngành miễn dịch học. Ví dụ nhóm lợi khuẩn L.Casei 431TM có lợi trong việc điều hòa miễn dịch, sản xuất ra những kháng thể và tạo ra sự cân bằng của cộng đồng vi khuẩn trong đường ruột.
Một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2013 cho thấy, nhóm trẻ em (từ 24 - 47 tháng tuổi) sau 3 tháng sử dụng sữa chua uống men sống (Probi) có chứa lợi khuẩn L.Casei 431TM có xu hướng cải thiện nồng độ kháng thể IgA trong huyết thanh. Cụ thể, chỉ số miễn dịch IgA có xu hướng tăng hơn 30% so với nhóm không sử dụng (tăng 19,97 mg/dL so với 14,98 mg/dL).
Nghiên cứu của Đại học Reading (Anh) cho thấy: nhóm nghiên cứu gồm những người tình nguyện uống sản phẩm có probiotics trong vòng 4 tuần có số lượng tế bào miễn dịch cao hơn, có ý nghĩa thống kê, so với nhóm đối chứng không uống probiotics.
Bên cạnh đó, tập luyện và vận động giúp cơ thể dẻo dai, ăn ngon và ngủ ngon hơn.
Quan trọng không kém hai yếu tố dinh dưỡng và vận động, ngủ đủ giấc có thể giúp tạo được nhiều kháng thể cho cơ thể. Trong lúc chúng ta ngủ, các tế bào tạo ra kháng thể sẽ được nghỉ ngơi và nạp thêm năng lượng để sản xuất ra những kháng thể mà cơ thể đang cần.
Bác sĩ Khanh khẳng định, khi có nhiều kháng thể, cơ thể sẽ được bảo vệ trước các tác nhân gây bệnh, dẫn đến khó nhiễm bệnh hơn, hoặc nếu nhiễm sẽ hạn chế nguy cơ chuyển nặng. Vì thế tăng kháng thể, nâng cao sức đề kháng là việc cần làm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay.