Từ 6h ngày 24/7, Hà Nội giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

  • 23/07/2021 11:12:23
  • Hoàng Lâm
  • Xã hội
  • 0

Thành phố Hà Nội đã quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu từ 6h ngày 24/7. Thời gian thực hiện giãn cách là 15 ngày.

Trước những diễn biến dịch bệnh phức tạp trên địa bàn Thủ đô và các địa phương trên cả nước, với chủng vi rút Delta có tốc độ lây lan nhanh, phức tạp và nguy hiểm. Trong những ngày gần đây liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới ngoài cộng đồng chưa xác định được nguồn lây, cho thấy nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn là rất lớn nếu không kịp thời có biện pháp mạnh để ngăn chặn.

Quán triệt quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch và kết luận tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy ngày 23/7/2021, để đảm bảo an toàn cho Thủ đô, an toàn và sức khỏe cho Nhân dân là trên hết, trước hết, Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Chỉ thị thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ như sau:  

1. Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 06h00 ngày 24/7/2021 trên phạm vi toàn Thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.

Toàn hệ thống chính trị và chính quyền các cấp xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là cấp bách hàng đầu; dừng tất cả các hoạt động, cuộc họp chưa cấp thiết; các cuộc họp cần thực hiện thì tổ chức họp trực tuyến; tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung của Chỉ thị này và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thành phố, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn thông báo công khai số điện thoại trực đường dây nóng và trực phòng chống dịch để người dân biết liên hệ; tổ chức trực ban 24/7 đảm bảo kịp thời giải quyết các công việc cấp bách trong mọi tình huống.

Đối với các hoạt động chính trị, đối ngoại cấp Nhà nước trên địa bàn được thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền và đảm bảo các quy định phòng chống dịch bệnh.

2. Yêu cầu đối với người dân

Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.

Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.

Thực hiện khai báo y tế hàng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone. Liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác...

Trường hợp người dân khi di chuyển vào Thành phố vì lý do công vụ, phòng chống dịch, phục vụ sản xuất phải thực hiện khai báo y tế và tuân thủ các biện pháp giám sát, cách ly y tế theo quy định của Thành phố.

Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “mỗi người dân phải là 1 chiến sĩ, mỗi gia đình là 1 pháo đài, chung tay chống dịch”; ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong lúc này vô cùng quan trọng, để cùng cộng đồng, chính quyền các cấp quyết tâm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.

Đề nghị mỗi người dân Thủ đô bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch. Thành phố đã chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết, Nhân dân không cần thiết tích trữ hàng hóa. Ra ngoài đường khi không cần thiết trong lúc này có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng.

Đồng thời các hộ gia đình, Ban quản lý các tòa nhà chung cư, các nhà máy, cơ sở sản xuất tăng cường công tác kiểm tra các thiết bị điện, các thiết bị PCCC đảm bảo không để xảy ra các sự cố chập điện, cháy nổ. 

3. Yêu cầu đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ

Đóng cửa, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trừ các trường hợp sau: Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho Nhân dân trên địa bàn; cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; cở sở dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội. Hoạt động tang lễ: chỉ tổ chức nghi lễ trong phạm vi gia đình, không quá 20 người, không tổ chức các đoàn viếng.

Các cơ sở được phép hoạt động kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu phải đáp ứng điều kiện phòng chống dịch theo quy định và chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người lao động và cộng đồng; yêu cầu kiểm soát toàn bộ người đến mua hàng/sử dụng dịch vụ và khai báo y tế bằng mã QRCode.

4. Yêu cầu đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình xây dựng trọng điểm cấp bách

4.1. Đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất ngoài Khu/Cụm công nghiệp phải đảm bảo: Đăng ký hoạt động sản xuất với UBND xã, phường, thị trấn (số lượng, danh sách lao động, phương án đảm bảo sản xuất an toàn phòng chống dịch, thời gian hoạt động sản xuất) và đảm bảo thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch; chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương về công tác phòng chống dịch của đơn vị.

4.2. Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong các Khu/Cụm công nghiệp

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Giám đốc Sở Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện và triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại Khu/Cụm công nghiệp đảm bảo an toàn phòng chống dịch, đảm bảo hoạt động sản xuất hàng hóa, không để đứt gãy; quản lý nơi ở, di biến động của các công nhân, lao động trong Khu/Cụm công nghiệp đóng trên địa bàn.

Nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong các Khu/Cụm công nghiệp phải xây dựng phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ: sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” được UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt và thực hiện nghiêm theo phương án đã được phê duyệt. Sẵn sàng phương án, kịch bản duy trì sản xuất an toàn trong trường hợp nhà máy bị phong tỏa, cách ly, lấy nhà máy là nơi cách ly và ổn định sản xuất.

UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì phối hợp với MTTQ, Liên đoàn lao động tại cơ sở, chủ doanh nghiệp thường xuyên quan tâm, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm thiết yếu cho công nhân.

4.3. Các công trình xây dựng trọng điểm cấp bách: Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng phối hợp các đơn vị liên quan báo cáo UBND Thành phố xem xét cho phép hoạt động để đảm bảo tiến độ và phải đáp ứng yêu cầu an toàn phòng chống dịch bệnh.

5. Yêu cầu đối với các cơ quan, công sở, doanh nghiệp, tập đoàn

Đối với các cơ quan, công sở, các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn (trừ các hoạt động chính trị, đối ngoại cấp bách, quan trọng được cơ quan có thẩm quyền cho phép; các lực lượng và các hoạt động phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh) bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như: trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở. Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch.

6. Yêu cầu đối với hoạt động vận tải

Dừng các hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng ô tô, đường thủy: xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách công cộng vận chuyển hành khách bằng xe mô tô (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe “ôm”); trừ trường hợp: phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia.

Công tác vận tải hàng hóa phải đảm bảo công tác phòng chống dịch theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải (vận tải hàng hóa thiết yếu được ưu tiên “luồng xanh” vào Thành phố).

7. Đối với hoạt động giao thương, cung ứng hàng hóa thiết yếu, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất

Tăng cường khai thác các nguồn hàng, đảm bảo lưu thông thông suốt nhằm cung ứng đầy đủ, kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân cũng như nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất không bị đứt gãy.

8. Sở chỉ huy của Thành phố, các sở, ngành, địa phương

Thành lập Sở Chỉ huy Thành phố đặt tại trụ sở UBND Thành phố để trực tiếp chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch thông qua hệ thống giám sát trực tuyến 24/7 và chế độ thông tin, báo cáo.

Sở Chỉ huy Thành phố do Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo toàn diện; các Phó Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo, điều hành theo khối, lĩnh vực và các nhiệm vụ được phân công.

Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn thành lập và trực tiếp chỉ đạo Sở Chỉ huy thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách để chỉ đạo công tác phòng chống dịch và tổ chức triển khai Chỉ thị này đảm bảo chế độ báo cáo đầy đủ kịp thời với Sở Chỉ huy Thành phố theo quy định.

Sở chỉ huy các cấp, ngành, địa phương gửi Kế hoạch thực hiện Chỉ thị đã ban hành và phân công thành viên, đầu mối liên hệ, báo cáo Sở Chỉ huy Thành phố trước 12h00 ngày 24/7/2021.

9. Chế độ thông tin báo cáo, phát ngôn

Thủ trưởng, Giám đốc các Sở, ban, ngành Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm báo cáo hàng ngày theo 3 khung giờ: 6h00; 12h00; 18h00 và đột xuất trong các trường hợp phát sinh.

Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông chủ động tham mưu, báo cáo đồng chí Phó Bí thư Thành ủy chỉ đạo toàn bộ công tác thông tin tuyên truyền, phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí liên quan, tổ chức và chỉ đạo triển khai Chỉ thị này theo phân công của Ban Thường vụ Thành ủy.

10. Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố khẩn trương xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai và hướng dẫn thực hiện Chỉ thị này phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ ngành, lĩnh vực được giao, báo cáo Phó Chủ tịch UBND Thành phố phụ trách khối phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện. Hoàn thành trước 10h00 ngày 24/7/2021.

 10.1. Sở Y tế:

- Tổ chức điều tra dịch tễ, xét nghiệm lấy mẫu trong thời gian ngắn nhất để kịp thời khoanh vùng, dập dịch.

- Chỉ đạo, phân luồng, đảm bảo tuyệt đối công tác an toàn phòng chống dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thành phố.

- Chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, điều chỉnh và triển khai công tác tiêm vắc xin đảm bảo theo Kế hoạch phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh.

- Bố trí đầy đủ trang thiết bị y tế phục vụ xét nghiệm, sẵn sàng triển khai xét nghiệm trên diện rộng; Phối hợp với các bệnh viện Trung ương, bộ ngành trên địa bàn Thành phố để nâng công suất xét nghiệm theo các cấp độ đáp ứng trong mọi tình huống.

- Phối hợp Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Xây dựng kích hoạt phương án mở rộng cơ sở cách ly tập trung F1 và đối tượng khác theo chỉ đạo của UBND Thành phố; Thiết lập các bệnh viện dã chiến để tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không có triệu chứng; Phân công bệnh viện tiếp nhận điều trị đối với bệnh nhân nặng.

- Hướng dẫn các quận, huyện, thị xã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo công khai, minh bạch, an toàn tiêm chủng và an toàn phòng chống dịch.

10.2. Công an Thành phố:

- Chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải duy trì các chốt kiểm soát để giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch của người dân theo đúng nguyên tắc được nêu tại mục 1; người, phương tiện từ các tỉnh vào Hà Nội; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Chỉ đạo Công an quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn triển khai các giải pháp thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thành phố; phối hợp với các lực lượng chức năng khác kiểm soát việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch tại địa bàn.

- Tăng cường chỉ đạo việc đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm trên địa bàn Thành phố; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các trại tạm giam do Công an quản lý.

10.3. Bộ Tư lệnh Thủ đô:

- Phối hợp với lực lượng y tế tiếp tục quản lý các khu các khu cách ly tập trung trên địa bàn, tách bạch các trường hợp mới cách ly và đang cách ly, thực hiện giãn mật độ cách ly phù hợp, không để lây chéo dịch bệnh trong khu cách ly tập trung và từ khu cách ly ra ngoài cộng đồng.

- Chủ trì phối hợp các Sở: Xây dựng, Y tế, Tài chính và UBND các quận, huyện, thị xã thành lập và bố trí trang thiết bị đáp ứng hoạt động các khu cách ly tập trung của Thành phố, đảm bảo khả năng cách ly 50.000 người.

- Tổ chức và chỉ đạo lực lượng quân đội tham gia công tác phòng chống dịch theo yêu cầu và phối hợp với Binh chủng hóa học thực hiện phun khử khuẩn khi cần thiết.

10.4. Sở Công Thương:

Chủ trì triển khai công tác đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân; có phương án dự trữ trong tình huống phải kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

- Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kết nối cung cầu, tổng hợp, cung cấp thông tin nguồn hàng hóa thiết yếu, nông sản mùa vụ đến các đơn vị phân phối, siêu thị, chợ, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn Thành phố để tổ chức khai thác, dự trữ hàng hóa phòng, chống dịch.

- Lập danh sách các phương tiện và lịch trình vận chuyển hàng thiết yếu, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất gửi Sở Giao thông vận tải để điều phối đảm bảo giao thông thông suốt.

- Công khai danh sách các cơ sở cung ứng hàng hóa, các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm kinh doanh lưu động (khi đưa vào sử dụng) bán các mặt hàng thiết yếu.

- Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch trong hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh.

10.5. Sở Giao thông vận tải:

- Tổ chức lại hoạt động vận tải đảm bảo yêu cầu tại Chỉ thị này.

- Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Công an Thành phố xây dựng phương án bố trí “luồng xanh” cho xe vận chuyển hàng thiết yếu, vận chuyển công nhân, chuyên gia được lưu thông thông suốt

- Phối hợp với Công an Thành phố kiểm soát tại các chốt kiểm dịch.

- Cho phép một số công nhân tiếp tục thực hiện việc thay thế sửa chữa khắc phục khe co giãn của cầu, đường, đảm bảo công trường không quá 10 người, quá trình làm việc đủ bảo hộ lao động, thực hiện biện pháp phòng dịch.

10.6. Sở Xây dựng:

- Chỉ đạo tạm dừng thi công các công trình xây dựng dân dụng trên địa bàn.

- Chỉ đạo các công ty kinh doanh nước sạch, các đơn vị vệ sinh môi trường, thoát nước hoạt động đảm bảo đáp ứng đủ yêu cầu của nhân dân trên địa bàn Thành phố.

- Chủ trì, phối hợp các Sở: Y tế, Tài chính rà soát, báo cáo UBND Thành phố về việc trưng dụng các công trình xây dựng chưa đưa vào sử dụng để hoàn thiện, phục vụ công tác phòng chống dịch.

10.7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo, duy trì sản xuất nông nghiệp, dịch vụ tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, các hoạt động phục vụ chăm nuôi đàn gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản, công tác thu hoạch nông sản, năng lực cung ứng nông thủy sản cho Thành phố; đảm bảo công tác an toàn phòng chống dịch: đeo khẩu trang, đảm bảo cự ly tối thiểu 2m với những người tham gia sản xuất.

10.8. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Đảm bảo an sinh xã hội đối với đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động mất việc làm không có bảo hiểm thất nghiệp theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND Thành phố; phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố đảm bảo chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Chỉ đạo nghiêm việc phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở cai nghiện, bảo trợ xã hội, trung tâm điều dưỡng người có công.

10.9. Sở Tài chính: Tham mưu đề xuất đảm bảo kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 theo yêu cầu.

10.10. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo hướng dẫn các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác phòng chống dịch COVID-19; Tuyên truyền ủng hộ chủ trương bảo vệ sức khỏe nhân dân; xử lý nghiêm các trường hợp đăng tin, rút tít gây hoang mang, hiểu nhầm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố.

10.11. Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội

Chỉ đạo các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Lập danh sách các phương tiện và lịch trình vận chuyển công nhân, chuyên gia phục vụ các Khu công nghiệp gửi Sở Giao thông vận tải để điều phối đảm bảo giao thông thông suốt.

11. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Chỉ thị này phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương, báo cáo, xin ý kiến đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách địa bàn xem xét, chỉ đạo phê duyệt và tổ chức thực hiện. Hoàn thành trước 10h00 ngày 24/7/2021:

- Chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn diện việc tổ chức thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai Chỉ thị và phân công các lực lượng kiểm tra, giám sát, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương xem xét thiết lập các chốt kiểm soát để giám sát việc tuân thủ cách ly; đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

- Chủ động xây dựng phương án tổ chức cung ứng và vận chuyển nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ các khu vực bị phong tỏa.

- Đảm bảo nguyên tắc 4 tại chỗ trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Phối hợp với Sở Công Thương đảm bảo việc cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm khi cần thiết.

- Thực hiện quyết liệt, khẩn trương, nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 Thành phố, hướng dẫn của ngành Y tế và các Sở, ngành.

-  Khẩn trương rà soát, xác minh triệt để những người đã đi về từ vùng dịch, người tiếp xúc gần với người bệnh, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần và những trường hợp liên quan khác để thực hiện cách ly y tế, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm theo quy định.

- Thực hiện các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo trợ cấp xã hội cho đối tượng chính sách, người nghèo, đối tượng yếu thế không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm. Chỉ đạo tổ chức chi trả lương hưu một lần cho 2 tháng (tháng 8, 9 năm 2021) và tổ chức trả lương qua thẻ ATM, trả lương tại nhà../.

Theo Hoàng Lâm/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận