TP.HCM chủ động ứng phó với tình huống 50.000 ca mắc Covid-19

  • 15/07/2021 12:16:01
  • Nhóm phóng viên
  • Xã hội
  • 0

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao TP.HCM phối hợp Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan xây dựng kịch bản chủ động ứng phó với tình huống dự kiến 50.000 ca Covid-19

 

Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 mới tại TP.HCM liên tục tăng dù thành phố đã áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao TP.HCM phối hợp Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan xây dựng kịch bản chủ động ứng phó với tình huống dự kiến 50.000 ca.

Vấn đề của khối điều trị

Thành phố hơn 10 triệu dân đang có mức bùng phát dịch lớn nhất nước khi số ca mắc mới vẫn ở mức 4 con số mỗi ngày, TP.HCM đã  áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn và chủ động xây dựng, triển khai các phương án mở rộng hệ thống thu dung, điều trị cho bệnh nhân (BN). TP đang thí điểm đưa người F0 ra khỏi cộng đồng, tức là đưa vào các BV đa khoa, chuyên khoa và BV dã chiến và thí điểm cách ly, điều trị tại nhà nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm, để “làm sạch” được từng vùng, từng địa bàn.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, TP đã và đang triển khai thêm bệnh viện dã chiến để đáp ứng tình hình thực tế và từng tình huống trong kịch bản đã đặt ra. “Trước đây, khi tình hình dịch chưa phức tạp, Sở Y tế tham mưu chuẩn bị 10.000 giường, nay chúng tôi chuẩn bị thêm 6.000 giường và có kế hoạch chuẩn bị 20.000 giường nữa tại các BV dã chiến…”, ông Nên cho hay.

 Việc áp dụng nhiều BV dã chiến quy mô lớn cũng đã được đưa vào vận hành, cùng Trung tâm Hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường tại khu vực điều trị nội trú của BV Ung bướu cơ sở 2. Trung tâm này có hệ thống điều trị 4 tầng, với hơn 35.000 giường thu dung. Điều này đặt ra yêu cầu rất lớn cho vấn đề nhân lực trong việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM.

Việc thí điểm cách ly F0 và F1 tại hộ gia đình giảm tải cho việc điều trị bệnh nhân nằng.

Với số ca mắc mới tại TP.HCM đã vượt mốc hơn 16.000 ca và được dự đoán tiếp tục gia tăng trong thời gian, đã tạo nên áp lực rất lớn cho khối điều trị. Tại các BV, khu cách ly tập trung, việc huy động sử dụng đội ngũ y, bác sĩ tham gia chống dịch, công tác triển khai, thí điểm cách ly F1, F0 tại nhà cùng kịch bản chuẩn bị 50.000 giường bệnh Covid-19. Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, hiện nay TP đã chuẩn bị được 28.500 giường thu dung BN Covid-19 không triệu chứng, dự kiến số giường sẽ tăng lên 30.000 và sẵn sàng có kịch bản cho 50.000 giường.

PGS.TS Tăng Chí Thượng cho biết, nhu cầu nhân lực cho khối điều trị hiện tại là rất lớn, ước tính trung bình khoảng 1.000 giường bệnh thì cần khoảng 200 nhân lực y tế, con số này sẽ tiếp tục tăng khi số ca mắc mới có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới; thêm vào đó khi số ca mắc gia tăng thì số trường hợp BN nặng cần sự hỗ trợ chuyên sâu cũng sẽ gia tăng tương ứng.

Kiểm tra lấy mẫu tại Trường Nguyễn Thị Minh Khai (hội đồng thi) phường 7, quận 3.

Về vấn đề thu dung và điều trị cho các trường hợp BN nặng, PGS.TS Tăng Chí Thượng cho biết, TP cũng có 6.500 giường tại các BV chuyên điều trị Covid-19. Trong đó, 1.000 giường hồi sức cho BN nặng và nguy kịch được bố trí ở 4 BV lớn gồm BV Chợ Rẫy, BV Nhiệt đới TP, BV Nhân dân Gia Định và BV Nhân dân 115. Ngành xây dựng cũng đã chuẩn bị nguồn căn hộ dự phòng tại các chung cư và khu tái định cư. Nguồn dự phòng dự kiến sẽ là 40.000 giường điều trị để sẵn sàng điều động và hỗ trợ ngành y tế khi cần thiết.

Tính đến thời điểm này, TP.HCM đã chuẩn bị 36.500 giường bệnh. Trong đó có 6.500 giường ở các BV được chuyển đổi công năng chuyên điều trị Covid-19, 30.000 giường ở BV dã chiến thu dung điều trị. Sở Xây dựng đang chuẩn bị các chung cư chưa được đưa vào sử dụng để hỗ trợ ngành y tế, vì vậy việc có thêm 13.500 giường dễ dàng đáp ứng kịch bản 50.000 giường bệnh.

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Huy động tổng lực

Bên cạnh việc huy động tổng lực nguồn lực từ các đơn vị trên địa bàn cũng như sự hỗ trợ từ các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua, ngành y tế TP đã lập kế hoạch về nhu cầu nhân lực y tế bổ sung cho khối điều trị.Theo đó, TP.HCM hiện cần khoảng 1.500 bác sĩ cùng 5.500 điều dưỡng và kỹ thuật viên để bổ sung nhân sự cho khối điều trị theo 2 đợt; lực lượng nhân sự hỗ trợ dự kiến sẽ được bố trí tham gia công tác chăm sóc người bệnh tại các BV dã chiến thu dung điều trị Covid-19; Tham gia công tác điều trị cho người bệnh tại các BV điều trị Covid-19 có triệu chứng; Tham gia công tác điều trị người bệnh tại các BV chuyên hồi sức chuyên sâu BN Covid-19 nặng và nguy kịch; Bổ sung cho các BV gián tiếp tham gia điều trị Covid-19 (thiếu nhân sự do đã cử luân phiên tham gia điều trị tại các BV được phân công điều trị Covid-19, tham gia lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine…) đồng thời sẽ tham gia chia lửa để giảm tải cho các lực lượng y tế tuyến đầu.

Để hỗ trợ TP.HCM với kịch bản 50.000 giường bệnh, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao tư lệnh các bộ ngành phải quyết định ngay theo thẩm quyền về nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, sinh phẩm, vật tư y tế, ưu tiên đáp ứng tối đa và theo yêu cầu của TP. Dồn nhân lực hỗ trợ TP.HCM chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định điều động 10.000 nhân lực y tế của các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ và các đơn vị địa phương khu vực miền Bắc và miền Trung, nhằm mục tiêu bố trí thay đổi nhân lực (với các biện pháp luân chuyển, “đảo quân”) để đảm bảo sức chiến đấu cho đội ngũ y tế tại TP.HCM.

Hiện có khoảng 80% các ca Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Trong số 5% có dấu hiệu chuyển nặng, khoảng 30% trong số này sẽ chuyển rất nặng. Vì vậy, ngành y tế chọn BV đa khoa tạm thời chuyển đổi công năng sang điều trị Covid-19 để những ca mắc nặng có thể được điều trị kịp thời. Ông Thượng cho biết, TP huy động toàn ngành y, trực tiếp và gián tiếp đều tham gia công tác chống dịch, đặc biệt, chưa bao giờ có trong tiền lệ về khối điều trị tham gia công tác chống dịch nhiều như lần này.

Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao quyền điều hành, điều phối nhân lực tăng cường cho Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. “Phải phát huy hết vai trò của đội ngũ cán bộ của Bộ Y tế điều động vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch Covid-19. Những người đã tham gia chống dịch tại Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, có kinh nghiệm “trận mạc” dày dạn được phân đến các quận, huyện nơi có dịch nóng nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói từ đầu cầu Hà Nội.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, dựa trên kế hoạch, nhu cầu nhân lực chi tiết từ TP.HCM, Bộ Y tế sẽ có kế hoạch điều phối, hỗ trợ nhân sự phù hợp với yêu cầu từ TP, với kế hoạch hỗ trợ nhân sự giai đoạn 1, Bộ Y tế cũng đã làm việc với các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn TP.HCM để đáp ứng nhanh chóng nhu cầu nhân lực y tế từ TP.HCM.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định sẽ dành những gì tốt nhất cho TP.HCM chống dịch Covid-19.

Được biết, theo đề nghị của lãnh đạo TP.HCM, Bộ Y tế đã huy động 3.360 cán bộ y tế của các BV trung ương trên địa bàn và 3.500 cán bộ y tế, sinh viên các trường y tế trên cả nước trong tuần này sẽ có mặt tại TP.HCM chi viện, phối hợp với chính quyền và y tế sở tại để thực hiện nhiệm vụ. Thủ tướng Chính phủ khẳng định sẽ dành những gì tốt nhất cho TP.HCM chống dịch covid-19, các bộ ngành cũng sẵn sàng đáp ứng nhân lực, vật lực chuẩn bị cho phương án có thể đến 50.000 ca mắc./.

3 kịch bản sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16

Chiều 13/7, tại buổi họp báo cung cấp tình hình thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn TP.HCM , ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết, sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, TP.HCM dự đoán sẽ có 3 tình huống. Thứ nhất, TP.HCM sẽ ngăn chặn kiểm soát được Covid-19 và tính đến việc thực hiện Chỉ thị 16 hay 15, 19 tùy theo diễn biến của dịch. Thứ 2, TP không kiểm soát được, dịch vẫn gia tăng, thì tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm một thời gian nữa, thậm chí tăng cường 16+ tại một số địa bàn. Thứ 3 là tình huống xấu nhất: dịch sẽ gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát thì phải tính đến việc phong tỏa hay có biện pháp mạnh hơn để ứng phó tình hình xấu hoặc có cách tiếp cận khác.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đi kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.

Ông Mãi nhấn mạnh, TP đang nghiên cứu và sẽ có đề xuất với cơ quan chuyên môn như Bộ Y tế, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 có nghiên cứu đề xuất phù hợp với tình hình. Cho dù rơi vào tình huống nào sau 15 ngày, thì điều quyết định nhất bây giờ vẫn là phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 trong những ngày còn lại. Sự đồng lòng của người dân và hiệu quả của cơ quan phòng chống dịch sẽ quyết định TP đối mặt với tình huống nào.

“Từng hộ dân, từng cộng đồng dân cư, từng cơ quan, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm, triệt để biện pháp 5K, chấp hành các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt nhất. Đây là một trong những yếu tố quyết định. Thứ hai là các cơ quan chức năng, các lực lượng công tác tham gia phòng chống dịch phải thực hiện hết chức trách nhiệm vụ của mình”, ông Mãi nói.

Nhóm phóng viên

 

Bình luận

    Chưa có bình luận