Với người dân làng nghề, đây chính là cơ hội tiếp thị sản phẩm quý giá
Làng nghề thành “góc sống ảo”
Vốn thu hút khách đến mua sắm đồ lụa từ rất lâu, nhờ tên tuổi của làng nghề lan truyền bao thế hệ, những ngày này, khung cảnh mới lạ của làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) đã khiến du khách rất ngỡ ngàng và hứng thú. Phố Lụa - đường trục chính dẫn vào làng nghề - trở thành "góc sống ảo" của nhiều người tham quan khi được trang hoàng bằng hơn 1000 chiếc ô đủ màu sắc, gợi nhớ “con đường ô” nổi tiếng của Bồ Đào Nha. Cây cầu cong, bức bích họa cỡ lớn được người dân, các cô giáo mầm non trong làng chung tay vẽ nên cũng là điểm hấp dẫn du khách. Đã nhiều người mệnh danh phố Lụa là một “Hội An trong lòng Hà Nội”.
Con đường ô
Theo thông tin từ Ban tổ chức lễ hội, tuần văn hóa - du lịch - thương mại làng nghề Vạn Phúc gồm 3 phần chính: phần lễ, phần hội và phần thương mại quảng bá làng nghề. Trong đó, phần thương mại - quảng bá làng nghề tổ chức những gian hàng trưng bày và bán những sản phẩm lụa truyền thống của Vạn Phúc đến 23h đêm mỗi ngày. Ngoài ra còn các sự kiện như phố ẩm thực, phố hoa sinh vật cảnh, phố đồ cổ - xưa và các hoạt động giao lưu thương mại giữa các làng nghề truyền thống.
Du khách hào hứng với những nong khén vàng
Hàng trăm quầy hàng lụa với áo dài, vest, khăn, quần áo trẻ em, đồ trang trí bàn ăn, đồ chơi… trong quần thể của một không gian kết nối trở nên cuốn hút hơn. Mỗi cửa hàng lựa chọn một cách tiếp cận du khách rất riêng biệt. Có cửa hang lấy phong cách hiện đại làm chủ đạo, cầu kỳ tết những chiếc khăn lụa mỏng manh thành bông hoa bắt mắt, những thú nhồi bông ngộ nghĩnh được sắp đặt một cách sinh động. Ở gian hàng khác lại là những guồng quay tơ, những con suốt đủ màu sắc như đưa khách trở về không gian làng lụa nhiều năm về trước.
Màu tơ mới được nghiên cứu
Chính giữa phố Lụa là một mô hình xưởng dệt với đầy đủ máy dệt, máy quay tơ, nồi đun kén…do cơ sở Nguyệt Nam đầu tư với sự hỗ trợ về mặt bằng của UBND phường Vạn Phúc cùng Hiệp hội làng nghề nhằm giúp du khách hiểu rõ hơn về từng công đoạn làm ra tấm lụa, từ đó có cái nhìn chính xác hơn về sản phẩm của làng nghề.
Làm mới cách tiếp thị sản phẩm:
Du khách hào hứng một, thì người làng nghề còn hào hứng gấp đôi, bởi họ hiểu rõ, đây là cơ hội hiếm có để quảng bá sản phẩm làng nghề, thu hút thêm lượt khách mua sắm đến với Vạn Phúc. Cách đây không lâu, có những thông tin chưa chính xác khiến người tiêu dùng e ngại nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm lụa Vạn phúc khiến việc tiêu thụ ít nhiều sụt giảm. Giờ đây, khi trực tiếp được xem, được tìm hiểu về từng công đoạn làm ra tấm lụa, thì chẳng ai còn băn khoăn nữa. Anh Tiến, người bán hàng của cơ sở Huyền Thanh Silk cho biết: “Thông thường với nghề lụa thì mùa đông là mùa hàng hóa bán chậm, chủ yếu chúng tôi chỉ bán được khăn, nhưng năm nay tổ chức tuần văn hóa, sản phẩm được quảng bá, tiếp thị, khách đi chụp ảnh rồi mua lụa nên mặt hàng nào cũng bán chạy. Giá lụa tăng, mức phổ biến là 150.000 đồng/m, khổ 90cm, may một chiếc áo dài sẽ cần khoảng 3,5m vải, không quá đắt nên nhiều người đặt may”
Một góc quầy lụa
Nhiều cửa hàng cùng căng một băng-rôn quảng cáo với nội dung và thiết kế giống nhau: “Nhân tuần lễ văn hóa giảm giá 10% cho tất cả sản phẩm”. Mức giảm giá đồng nhất khiến cho người mua không bị lạc vào “mê cung” của những chiêu khuyến mãi như đã từng xảy ra ở nhiều nơi khác. Chị Hoàng Kim Nga, một người dân ở quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Tôi thỉnh thoảng lại vào Vạn Phúc mua lụa nhưng khi đến với Tuần lễ văn hóa thì như thấy một Vạn Phúc khác: đẹp hơn, hấp dẫn hơn, cách bày biện bài trí gian hàng cũng thu hút hơn. Thực ra thì mẫu mã sản phẩm lụa Vạn Phúc không thay đổi nhiều qua các năm, nhưng lại không bị lỗi mốt. Chiếc áo dài lụa tôi mua từ mấy năm trước thì bây giờ mặc vẫn không bị lạc hậu”
Anh Nguyễn Văn Nam, chủ cơ sở lụa Nguyệt Nam silk cho biết: gia đình được UBND phường và hiệp hội làng nghề cử ra để xây dựng một mô hình xưởng dệt với đầy đủ 5 công đoạn: ươm, chuội nhuộm, cuồng tơ, suốt, dệt để giới thiệu với du khách, giúp du khách hiểu rõ hơn về nghề dệt truyền thống. Nhờ có sự quảng bá này mà du khách quan tâm hơn rất nhiều đến sản phẩm lụa Vạn Phúc. Về nguồn gốc kén, anh Nam cho biết, 15 năm trước, các cơ sở trong làng nghề mua kén ở Thái Bình, Mỹ Đức (Hà Tây, nay là Hà Nội), Bảo Lộc (Lâm Đồng) để kéo tơ, nhưng giờ đây các vùng trồng dâu nuôi tằm ở miền Bắc mai một dần nên tơ chủ yếu chỉ còn mua từ Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Người thợ của cơ sở Nguyệt Nam thao tác bên máy dệt
Tiếp thị sản phẩm làng nghề thông qua các lễ hội du lịch vốn không phải là mới mẻ. Đã có những làng nghề như Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), Trà Quế (Quảng Nam) áp dụng cách làm này và gặt hái nhiều thành công. Nhưng thực tế thị trường luôn đòi hỏi các làng nghề và bản thân người làm nghề phải cố gắng làm mới mình, nếu không vẫn khó cạnh tranh trong một thế giới phẳng./.