Nông dân không được ra đồng, hàng nghìn ha khóm có nguy cơ bị hỏng

  • 14/07/2021 04:26:54
  • Nhật Trường/VOV ĐBSCL
  • Xã hội
  • 0

Nông dân, thương lái vùng Đồng Tháp Mười chỉ được vào ruộng thu hoạch khóm khi có kết quả test nhanh âm tính với SARS-CoV-2.

 

Cánh đồng khóm (dứa) của nông dân vùng Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đang bước vào mùa thu hoạch. Thế nhưng quy định nông dân, thương lái chỉ được vào ruộng thu hoạch khóm khi có kết quả test nhanh âm tính với SARS-CoV-2 đã làm hàng nghìn ha khóm không được thu hoạch.

Bà Phạm Thị Ngọc Tuyền, nông dân ở ấp Phú Xuân, xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) cho biết, gia đình bà có 5,5ha khóm ở xã Thạnh Mỹ và Tân Hòa Đông, trái đã chín rộ. Dù đến thời điểm phải thu hoạch nhưng chính quyền các xã nơi đây bố trí các chốt chặn, người dân không thể đến ruộng khóm. Chính quyền địa phương cho rằng, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nông dân muốn đi ra đồng phải có kết quả test nhanh SARS-CoV-2 âm tính. Bà Phạm Thị Ngọc Tuyền, cũng như nhiều nông dân nơi đây bức xúc: “Ở huyện không cho đi làm khóm, không cho đi đốn khóm, không cho người vô thu mua luôn, yêu cầu có giấy test nhanh mới cho đi. Khóm hiện nay chín đỏ đồng mà không cho lái vô cân, xã nào cũng vậy hết”.

Ông Huỳnh Văn Thuận, chủ vựa khóm Hiếu Châu, tại Thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước cho hay, đã hợp đồng thu mua khóm với nhà nông, nhưng hiện nay không thể vào thu nhận khóm do không có giấy test nhanh âm tính với SARS-CoV-2. Ở vùng Đồng Tháp Mười này, nhiều người dân không biết đi đến đâu để thực hiện test nhanh và theo chủ trương của UBND tỉnh Tiền Giang thì người đi lại trên địa bàn tỉnh không yêu cầu phải có giấy test nhanh. Việc thương lái gặp khó khi vào ruộng thu mua khóm của nông dân thì cả thương lái và người trồng khóm đều bị thiệt hại nặng nề.

Cây khóm (dứa) là loại cây trồng chủ lực, thích hợp với thổ nhưỡng của vùng đất phèn chua Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Đến thời điểm này, diện tích khóm của địa phương hơn 15.000ha, cho sản lượng khoảng 250 ngàn tấn/năm, đứng hàng đầu trong cả nước. Đại bộ phận đời sống người dân nơi đây, gắn bó với nghề trồng khóm nên khi khóm vào mùa chín rộ mà không thu hoạch được sẽ gây thất thu, tạo bức xúc đối với người dân. Hơn nữa, cây khóm khi không thu hoạch sẽ còn ảnh hưởng đến năng suất vụ sau đó.

 

Qua tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ nhiều xã ở huyện Tân Phước không cho nông dân đi đến ruộng khóm là địa phương muốn thực hiện nghiêm giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tránh lây lan dịch Covid-19. Tuy nhiên, chính quyền và lực lượng làm nhiệm vụ nơi đây “cấm” không cho người nông dân đi ra đồng thu hoạch khóm đã tới lứa; không cho thương lái tại chỗ đi mua khóm là chưa hợp lý và có biểu hiện “ngăn sông cấm chợ”. Bởi thu hoạch khóm là nhu cầu cần thiết để đảm bảo đời sống người nông dân và cung cấp nông sản cho xã hội. Hơn nữa, việc thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ không cấm người dân lao động sản xuất, chỉ yêu cầu các trường hợp ra khỏi nhà phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét, không tụ tập đông người…

Về vấn đề này, ông Đoàn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước cho biết, huyện không có chủ trương cấm nông dân trong lao động sản xuất, nhất là thu hoạch khóm. UBND huyện sẽ kiểm tra, chấn chỉnh vấn đề này. Ông Tuấn cho biết thêm: “Quan điểm của UBND huyện rất rõ, bà con đi ra đồng thu họach nông sản vẫn làm bình thường. Chuyện này để tôi kiểm tra lại rồi chấn chỉnh”.

 

Ở thời điểm dịch Covid-19 bùng phát này, trái khóm ế ẩm, giá khóm sụt giảm chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng/kg, người trồng loại nông sản này không có lãi. Do đó, việc nhiều chốt chặn, không chấp thuận cho nông dân ra đồng, thu hoạch khóm ở một số địa phương tại huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang cần được chấn chỉnh, để người dân bán được trái khóm, góp phần giảm khó khăn trong cuộc sống khi đại dịch đang tấn công./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận