Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trong chiều 7/7, sau khi Quyết định 23 được Thủ tướng Chính phủ ban hành, nhằm quy phạm hóa việc thực hiện gói 26 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 68, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ theo Nghị quyết 68 vừa được Chính phủ ban hành có điểm gì mới so với các gói hỗ trợ trước?
Đối với gói hỗ trợ lần này theo chỉ đạo của Bộ Chính trị rồi Đảng đoàn Quốc hội, Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu của dịch Covid-19. Điểm mới căn bản của gói này là tập trung vào 2 đối tượng chính là người lao động và người sử dụng lao động. Cụ thể ở đây, phần đa số là công nhân và những lao động trực tiếp bị ảnh hưởng sâu của dịch, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và ở doanh nghiệp mà sử dụng nhiều lao động. Thứ hai là những người bị ảnh hưởng, phải điều trị, phải cách ly trong đợt dịch lần thứ 4 này.
Về chính sách lần này, với đối tượng như vậy thì thiết kế những chính sách một cách rất cụ thể, bao gồm 3 nhóm chính sách cơ bản. Thứ nhất là nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp về tiền mặt cho lực lượng lao động bị tạm dừng hợp đồng, bị tạm hoãn hợp đồng, bị ngưng việc. Nhóm chính sách thứ 2 là nhóm chính sách tập trung vào để miễn giảm, hỗ trợ từ các chính sách bảo hiểm như: Bảo hiểm an toàn lao động, bảo hiểm hưu trí tử tuất và bảo hiểm chống thất nghiệp. Nhóm chính sách thứ 3 là chính sách hỗ trợ để phục hồi sản xuất, mà cụ thể là tái cấp vốn và lấy một phần từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để tái tạo, để đào tạo, để bồi dưỡng, giữ chân người lao động để phục hồi sau hậu Covid-19.
Với nhiều người lao động thuộc diện F0, F1, F2 và trong khu vực phong tỏa thì được hỗ trợ như thế nào theo Nghị quyết 68, thưa Bộ trưởng?
Về nguyên tắc thì Chính phủ quy định rất cụ thể như sau: Tất cả những người phải điều trị Covid-19 (hay còn gọi là F0) và những người cách ly F1 (bao gồm cả cách ly tập trung, cách ly tại gia đình và cách ly tại các cơ sở sản xuất kinh doanh) đều được hưởng chính sách hỗ trợ toàn bộ tiền điều trị. Thứ hai là hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày/người và thời gian hỗ trợ thì theo thực tế điều trị, nhưng không quá 45 ngày. Nếu như điều trị thì thời gian hỗ trợ tối đa không quá 45 ngày; và thời gian hỗ trợ cách ly theo thực tế nhưng cũng không quá 21 ngày. Riêng đối với đối tượng này, nhưng là phụ nữ mang thai thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; và người phụ nữ hoặc người cha, người mẹ hợp pháp nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi thì cũng được hỗ trợ thêm mỗi cháu 1 triệu đồng. Riêng các cháu nhỏ, tức là trẻ em từ 0 đến 16 tuổi thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng, để mua nhu yếu phẩm phục vụ thêm các cháu. Còn lại đối với F2 chúng ta chưa đặt vấn đề, sẽ do các địa phương sẽ xem xét trên cơ sở khả năng của địa phương rồi các nguồn lực huy động xã hội khác, có điều kiện thì hỗ trợ. Còn trong chính sách này thì chưa đặt ra đối tượng này.
Thưa Bộ trưởng, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đã “kiệt sức”, vậy họ cần làm gì để có thể sớm tiếp cận được gói hỗ trợ và thủ tục lần này khác lần trước như thế nào?
Trong Nghị quyết 68 cũng như Quyết định 23 của Thủ tướng chính phủ đã quy định rất rõ. Về tinh thần thì dựa vào 2 yếu tố. Thứ nhất, dựa vào số ngày mà doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Về cơ bản, trong quy định này, áp dụng khoảng 10 đến 15 ngày, bởi hiện nay cách ly thông thường là 14 ngày. Chúng tôi bám theo tiêu chí này là chọn trong khoảng tối thiểu và thứ 2 là ngày giãn cách lại khác nhau. Do đó, không đủ thời gian này thì ta lại áp dụng sang chính sách khác, chứ không nhất thiết một chính sách. Anh không đủ điều kiện hưởng chính sách này thì hưởng chính sách khác. Nhìn chung, tất cả doanh nghiệp đã thực hiện theo cấp có thẩm quyền, phải giãn cách, giảm giờ làm việc, giảm lực lượng lao động và giảm doanh thu thì đều được tiếp cận chính sách này.
Sau Nghị quyết 68 ban hành, thì Quyết định 23 của Thủ tướng là cuộc cách mạng về thủ tục. Chưa bao giờ chúng ta đơn giản hóa về thủ tục như vậy, rút ngắn thời gian như vậy và giảm bớt toàn bộ những hồ sơ thủ tục liên quan, để đảm bảo mục tiêu là triển khai gói này nhanh nhất, đến người dân nhanh nhất, đến người lao động nhanh nhất và tăng cường hậu kiểm. Trên tinh thần đó, chẳng hạn trước đây cho vay để mà trả lương hoặc phục hồi sản suất thì thời gian tiếp cận là trong vòng 1 tháng 10 ngày và với 4 loại hồ sơ khác nhau, thì đến bây giờ chúng tôi rút ngắn toàn bộ thời gian, quy trình lại. Chỉ còn 4 ngày giải quyết hồ sơ, 3 ngày để tái cấp vốn và hồ sơ chỉ còn một loại hồ sơ duy nhất để tiếp cận hay cho giảm việc tạm dừng đóng hưu trí, tử tuất thì thời gian trước đây thời gian là 25 ngày đến bây giờ rút xuống chỉ còn 5 ngày.
Vậy để chính sách lần này được triển khai một cách nhanh nhất, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương như thế nào trong quá trình triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, thưa Bộ trưởng?
Bây giờ muốn làm nhanh thì các địa phương, các cơ sở doanh nghiệp, các đối tượng thụ hưởng bắt đầu có thể triển khai ngay rồi. Ngay ngày mai, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ triển khai toàn tuyến. Như vậy có thể nói rằng, trong ngày mai, nếu không thì là ngày kia bắt đầu các đối tượng của chúng ta được thụ hưởng rồi.
Riêng đối với người cách ly F1 và người điều trị F0, thì ngay khi có Nghị quyết 68 xong, chúng tôi đã hướng dẫn các địa phương trên cơ sở quyết định của cấp có thẩm quyền để điều trị F0 và cách ly F1 cho thụ hưởng ngay tiền ăn. Tinh thần là như vậy, nên chúng tôi nghĩ rằng việc nhanh hay chậm, phụ thuộc vào chủ yếu việc triển khai của các cấp, nhất là UBND cấp huyện, cấp tỉnh. Nhưng với một phương châm chúng tôi đặt ra thế này: Nếu triển khai chậm là chúng ta có lỗi với dân. Nếu để xảy ra thất thoát, tiêu cực, thì chúng ta có tội với dân. Với tinh thần ấy, tôi tin rằng gói hỗ trợ lần này chúng ta triển khai sẽ hiệu quả.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.
Hà Nam thực hiện